Tại sao chồng phải nộp lương cho vợ?

Tôi thương những bà vợ ôm một cục tiền mà không được tiêu xài, mua sắm này nọ, thay vào đó là tính tính toán toán, phân bổ chi tiêu đến đau cả đầu và bù xù cả tóc. Rõ là tự mình làm khổ mình không?
 
tai sao chong phai nop luong cho vo
Lương tháng này có chưa anh? (Ảnh: Zing)

Nếu hỏi 10 bà vợ, thì sẽ có 9 bà nhất nhất quyết quyết rằng cuối tháng chồng phải nộp lương cho vợ, thậm chí có bà còn nói: “phải bắt nộp bằng hết, tịch thu bằng sạch, đàn ông là giống loài nguy hiểm”. Những bà vợ “siêu nhân” mường tượng ra viễn cảnh chồng rủng rỉnh tiền trong túi là nảy sinh nhiều “chuyện” lắm. Mà hơn nữa, các bà mặc định những ông chồng không biết chi tiêu: tiêu xài hoang phí, mua gì cũng bị chặt chém, không biết mặc cả. Thế nên, để các ông ý cầm tiền trong tay thì có mà tiền bay vèo vèo, cuối tháng “treo niêu”. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, vợ quản lý tiền của chồng, vợ có vui vẻ còn chồng thì có thoải mái gì không? Tôi nghĩ là không!

Ôm tiền đồng nghĩa ôm cả đống việc

Vợ cầm tiền của chồng dù nhiều dù ít đồng nghĩa với việc vác hàng tá gánh nặng trên vai, chẳng sung sướng gì, nào tiền sinh hoạt phí gia đình, chợ búa cơm nước, tiền đóng học cho con, đến tiền ma chay hiếu hỉ và còn phải tính đến tiền tích lũy, tiết kiệm. Riêng việc cân đong đo đếm, tính toán nên mua gì, không nên mua gì, tiêu tiền như nào cho hợp lý cũng đủ đau đầu rồi. Chi tiêu hài hòa hợp lý thì vợ chồng mưa thuận gió hòa, nhưng lỡ có tháng thâm hụt ngân sách thì kiểu gì chồng cũng trách: “tiêu gì mà nhanh hết tiền thế”.

tai sao chong phai nop luong cho vo
Hết tiền rồi, tiêu gì mà tiêu nhanh thế? (Ảnh: Ehow)

Các mẹ ngày ngày kêu than cuộc sống gia đình ngột ngạt, bận tối mắt tối mũi với cơm nước, chợ búa, con cái, nhà cửa…không có thời gian làm đẹp, thảnh thơi chăm sóc bản thân, tụ tập cà phê bạn bè. Ấy là vì các mẹ tự mua dây buộc mình, tự mình làm khổ mình, tự ôm vào người một đống việc, vì đã nhận tiền của chồng rồi, mang tiếng là quản lý tiền của chồng mà làm cũng không xong, giờ còn than nỗi gì?

Ngoài việc cân đối chi tiêu, thì vận động chồng nộp lương cho vợ cũng rất gian nan, nặng nề và bực mình. Vợ ngây thơ nghĩ rằng bảo chồng nộp toàn bộ lương thì chồng cũng răm rắp làm theo ư? Rồi đến lúc chồng cần tiền, phải ngửa tay xin vợ, tôi nghĩ cả vợ cả chồng khi ấy chẳng có ai cảm thấy thoải mái cả. Vợ thì cằn nhằn vì bỗng dưng bị hụt đi một khoản chi tiêu, còn chồng cũng khó chịu bởi bị người khác quản lý tiền của mình.

Vợ mà cứ khăng khăng bắt ép chồng phải nộp lương cho mình là dại. Càng dại hơn khi “gân cổ” lên nói “anh phải đưa tiền em giữ, đưa tiền em chi tiêu, anh phải có trách nhiệm”. Chính vợ khiến chồng có tâm lý nộp tiền xong là xong trách nhiệm. “Tháng này tôi đưa hết tiền cho cô rồi, cô còn muốn gì nữa”, tất nhiên chẳng ai muốn nghe câu nói này. Nhưng nếu vợ vẫn hành xử như vậy, dần dần chồng sẽ ỷ lại, và vai trò làm chủ gia đình, chèo lái cuộc sống gia đình nghiễm nhiên đặt vào tay vợ. Rõ ràng là chồng đưa tiền nhưng không quan tâm vợ con, không san sẻ những vấn đề của cuộc sống chung, thì tiền khi ấy, có còn ý nghĩa nữa hay không?

tai sao chong phai nop luong cho vo
Làm sao để chồng tự nguyện nộp lương? (Ảnh: HealthTap)

Vậy không bắt chồng nộp lương thì phải làm sao?

Vậy phải làm sao để vừa quản lý được tiền của chồng, vừa giữ được hòa khí êm ấm, chồng yêu chồng chiều lại vừa được thảnh thơi đầu óc, không phải tối ngày lo cân đối chi tiêu?

Trước hết cùng nhau kê những khoản chi tiêu chung cho gia đình:

- Sinh hoạt phí gia đình (tiền điện nước, truyền hình cáp, điện thoại bàn)

- Tiền lo cho con (tiền học, tiền bỉm sữa, quần áo)

- Tiền trả ngân hàng (nếu có)

- Tiền ăn ba bữa hàng ngày

- Tiền ma chay hiếu hỉ

- Tiền tiết kiệm, tích lũy cho tương lai

Sau đó phân công chồng chi trả khoản nào, vợ chi trả khoản nào. Cứ vậy mà triển khai, dư bao nhiêu thì chi tiêu cho bản thân.

Thay vì bắt chồng nộp lương để rồi căng não gồng gánh gia đình, thì hãy cùng ngồi bàn với nhau và phân bổ chi tiêu hợp lý. Xây dựng tổ ấm gia đình hạnh phúc, êm ấm cần sự đóng góp, chia sẻ từ cả hai phía, và tất nhiên phải tự nguyện.

Việc để chồng cũng tham gia chi tiêu các khoản trong gia đình khiến chồng có trách nhiệm hơn và hiểu được “nỗi khổ” của vợ khi phải cân đong đo đếm là như thế nào. Không giữ tiền của chồng nhưng lại khéo léo khiến chồng tiêu tiền đó cho chính gia đình mà vẫn vui vẻ, phấn khởi thế mới là tài. Sau khi áp dụng “chiêu” này, có hai khả năng sẽ xảy ra. Một là, các ông chồng sợ hãi tột độ và nài nỉ được nộp lương và được vợ quản lý chi tiêu giúp. Hai là, chồng tự quản lý được, vợ càng nhàn, có nhiều thời gian để chăm sóc bản thân.

Nói chung trong cuộc sống gia đình, đã cùng chung chăn gối, cùng sống dưới một mái nhà, thì nên tôn trọng lẫn nhau, có trách nhiệm với nhau và với con cái. Đừng tìm cách kiểm soát hay giấu nhau chuyện gì, từ tiền bạc đến công việc hay các mối quan hệ khác.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (20/4 - 26/4): Khởi công cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, TP Phan Thiết sẽ mở rộng  thêm 94 km2
Sắp thông xe cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo; khởi công nút giao phức tạp nhất trên vành đai 3 TP HCM; khởi công cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.