Tân Hoàng Minh rút khỏi Thủ Thiêm, lô đất 3-12 có về tay doanh nghiệp nước ngoài?

Theo luật sư, với việc Tân Hoàng Minh hủy cọc, lô đất 3-12 tại KĐT Thủ Thiêm vẫn sẽ là tài sản công và phải thực hiện đấu giá lại từ đầu nếu muốn tìm nhà đầu tư mới.

Số phận khu đất 3-12 Thủ Thiêm sau khi Tân Hoàng Minh rút lui

Tân Hoàng Minh rút khỏi Thủ Thiêm, lô đất 3-12 có về tay doanh nghiệp nước ngoài? - Ảnh 1.

KĐT mới Thủ Thiêm. (Ảnh: Zingnews).

Chiều ngày 11/1, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã chính thức lên tiếng xác nhận đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá đất tại Thủ Thiêm, chấp nhận mất gần 600 tỷ đồng tiền đặt cọc. 

Trước đó, ngày 10/12/2021, thành viên của Tân Hoàng Minh là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt đã trúng đấu giá ô đất 10.060 m2 tại KĐT mới Thủ Thiêm với mức giá cao kỷ lục 24.500 tỷ đồng (tương đương 2,43 tỷ đồng/m2).

Đáng chú ý, ở vòng trả giá cuối, cùng bên cạnh Tân Hoàng Minh còn có một doanh nghiệp nước ngoài khác sẵn sàng đặt giá 23.800 tỷ đồng để sở hữu khu đất và chỉ "chào thua" khi Chủ tịch Đỗ Anh Dũng ngã giá 24.500 tỷ đồng.

Điều này đặt ra một giả thiết, rằng với việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc, doanh nghiệp nước ngoài này có được xem là đơn vị trúng đấu giá lô đất 3-12 hay không?

Trao đổi với người viết, Luật sư Đặng Thành Ngữ, Đoàn Luật sư TP HCM khẳng định, sẽ không có trường hợp "lọt sàng xuống nia" như vậy.

"Trường hợp bỏ cọc, Tân Hoàng Minh sẽ chấp nhận mất tiền đặt cọc cho Nhà nước. Tài sản coi như vẫn chưa bán được bởi bên mua trúng đấu giá đã đơn phương hủy bỏ hợp đồng. Nhà nước là bên được lợi trong giao dịch vừa qua.

Về phần lô đất 3-12, khu đất này sẽ trở lại là tài sản công thuộc sở hữu của Nhà nước. Do hợp đồng đã bị hủy bỏ nên tài sản được trả về cho chủ cũ.

Phiên đấu giá chỉ diễn ra dứt điểm 1 lần và chọn ra 1 chủ thể duy nhất trúng đấu giá thành công. Đây là lẽ thường trong giao dịch dân sự.

Nếu đơn vị trúng đấu giá hủy cọc, khu đất phải thực hiện đấu giá lại từ đầu. Nhà đầu tư nào muốn sở hữu khu đất trên thì phải đợi Nhà nước thông báo đấu giá lại và tham gia đấu giá", vị luật sư khẳng định.

Doanh nghiệp đủ lực "so găng" Tân Hoàng Minh trong lần đấu giá trước là ai?

Mặc dù phải thực hiện đấu giá khu đất Thủ Thiêm lại từ đầu nếu muốn tìm chủ đầu tư mới, song lần đấu giá trước cũng hé lộ tiềm lực của một số doanh nghiệp đang đặt đích nhắm đến khu đất vàng này.

Đáng chú ý, đơn vị đã đi đến vòng trả giá cuối cùng với Tân Hoàng Minh là CTCP Capital One Financial, một doanh nghiệp thuộc sở hữu của những ông chủ người Hoa.

Capital One Financial được thành lập vào tháng 9/2018, có trụ sở tại tòa nhà Trade Center, 37 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM với số vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng.

Tân Hoàng Minh rút khỏi Thủ Thiêm, lô đất 3-12 có về tay doanh nghiệp nước ngoài? - Ảnh 2.

Capital One Financial và nhóm doanh nghiệp liên quan. (Đồ họa và tổng hợp: Hoàng Huy).

Ba cổ đông người hoa của công ty gồm Tổng Giám đốc Trương Hồng Võ (nắm 40%); Lâm Xương Diệu (26,7%) và Lý Vĩ Hiền (33,3%). Doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư.

Không chỉ đứng đầu Capital One Finacial, các cổ đông này hiện đang sở hữu một số doanh nghiệp có tiềm lực lớn.

Đơn cử như ông Trương Hồng Võ, hiện đang là Giám đốc của Công ty TNHH MTV Đầu tư Vinaland Việt Nam - doanh nghiệp thuộc sở hữu của Vinaland Invesments Limited - chủ đầu tư dự án Savico Plaza Hồ Tùng Mậu tại quận 1, TP HCM. Hay ông Lâm Xương Diệu, đang đương nhiệm vị trí Giám đốc của CTCP Phát triển Đông Sài Gòn với vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng, có trụ sở tại Long An.

Các doanh nghiệp này ít nhiều có những mối liên hệ với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - một đơn vị cũng tham gia thương vụ đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm ngày 10/12 vừa qua.

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.