Mới đây, thông tin Tập đoàn Hòa Bình (Mã: HBC) thắng kiện Tập đoàn FLC liên quan đến hai hợp đồng thi công xây dựng, theo đó buộc FLC phải thanh toán khoản nợ 276 tỷ đồng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
Tuy nhiên, nếu xét trên số công nợ phải thu khách hàng ghi nhận tại thời điểm cuối năm 2020 của Hòa Bình là 5.458 tỷ đồng, khoản nợ nêu trên của FLC chỉ bằng 5%.
Nguồn: Thu Thủy tổng hợp từ BCTC hàng năm của HBC.
Theo thống kê trong giai đoạn 2015 – 2019, ông lớn ngành xây dựng ghi nhận khoản phải thu liên tục "phình" lớn. Giá trị các khoản phải thu vào thời điểm cuối năm 2019 lên đến 11.876 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với thời điểm cuối năm 2015.
Các khoản công nợ khách hàng tăng mạnh cũng kéo theo Hòa Bình phải trích thêm khoản dự phòng phải thu khó đòi. Cụ thể, giai đoạn 2015 – 2019, dự phòng phải thu khó đòi từ 164 tỷ đồng đã đạt đến 386 tỷ đồng, tăng 135%.
Phải đến hết năm 2020 vừa qua, tín hiệu tích cực hơn với Hòa Bình khi tổng giá trị các khoản phải thu đã giảm trở lại sau nhiều năm liên tục tăng. Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2020, Hòa bình ghi nhận 10.655 tỷ đồng phải thu, giảm 10% so với cuối năm trước đó. Bên cạnh khoản phải thu theo tiến độ xây dựng giảm nhẹ còn 4.000 tỷ đồng; phải thu khách hàng cũng đi xuống 13,5% còn 5.458 tỷ đồng.
Dù vậy, giá trị các khoản phải thu của Hòa Bình vẫn chiếm tới gần 70% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp (15.486 tỷ đồng). Dự phòng phải thu khó đòi tiếp tục tăng 4,4% lên 403 tỷ đồng.
Từ năm 2018, lĩnh vực bất động sản dù vẫn tăng trưởng tốt nhưng đã có những dấu hiệu báo trước về một chu kỳ khó khăn sau một giai đoạn tăng trưởng mạnh trước đó. Bước sang năm 2019, những can thiệp của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô đã bắt đầu thấm sâu vào thị trường.
Đến năm 2020, tác động tiêu cực của dịch COVID-19, ngành xây dựng Việt Nam đối diện với thách thức kép. Các chủ đầu tư thì tìm mọi cách để chậm quyết toán, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp ngành xây dựng.
Riêng với ngành thi công xây lắp, doanh nghiệp thi công phải đảm bảo thanh khoản để thanh toán các khoản công nợ cho các bên thầu phụ, các nhà cung cấp hàng hóa xây dựng. Vì lẽ đó, việc khách hàng chiếm dụng vốn kéo dài có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và ảnh hưởng chung tới toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Đơn cử với trường hợp của Hòa Bình, mặc dù năm 2020 ghi nhận tín hiệu tích cực khi khoản phải thu giảm gần 1.490 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn âm năm thứ 4 liên tiếp.
Tình hình dòng tiền của Hòa Bình qua các năm. (Nguồn: Thu Thủy tổng hợp).
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh liên tục âm hàng trăm tỷ trong những năm gần đây khiến tài sản thanh khoản của công ty cũng suy giảm đáng kể. Lượng tiền và tương đương tiền tại doanh nghiệp chỉ còn hơn 250 tỷ đồng cuối năm 2020, chiếm 1,6% tổng tài sản và giảm mạnh so với con số hơn 1.750 tỷ đồng cuối năm 2016.
Cùng với đó, hoạt động kinh doanh của Hòa Bình cũng cho thấy sự đi xuống rõ rệt theo từng quý từ năm 2018. Đến hết năm vừa qua, doanh thu của ông lớn ngành xây dựng giảm 40% so với năm trước còn 11.228 tỷ đồng; lãi sau thuế ghi nhận mức thấp nhất kể từ năm 2015, đạt 70 tỷ đồng và giảm 83% so với cùng kỳ.
Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp