Xây dựng Hòa Bình thắng kiện, FLC phản bác và kiện ngược lại

Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy và Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu Tập đoàn FLC thanh toán tổng cộng hơn 276 tỷ đồng cho Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình liên quan đến hai hợp đồng xây dựng.
Tòa án yêu cầu FLC trả hơn 276 tỷ đồng cho Xây dựng Hòa Bình - Ảnh 1.

Khách sạn FLC Grand Hotel trong quần thể FLC Sầm Sơn. (Ảnh: Đức Quyền).

Ngày 9/3/2021, Công ty Luật TNHH ALB & Partners đã gửi công văn tới Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) về việc giải quyết các hồ sơ tranh chấp giữa Hòa Bình và Tập đoàn FLC liên quan đến hai hợp đồng thi công xây dựng công trình số 18 và số 57, ký kết vào năm 2014 (gọi tắt là Hợp đồng 18 và Hợp đồng 57).

Ngày 6/2/2020, ALB & Partners đã chính thức nộp các đơn khởi kiện liên quan đến Hợp đồng 57 tại Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy, TP Hà Nội và Hợp đồng 18 tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh (VIAC).

Theo bản án sơ thẩm ngày 4/9/2020, Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Hòa Bình về việc buộc FLC thanh toán cho Hòa Bình khoản nợ còn thiếu phát sinh từ Hợp đồng 57 với tổng giá trị hơn 42 tỷ đồng. Đồng thời Tòa án cũng bác toàn bộ yêu cầu phản tố của FLC với số tiền 2,29 tỷ đồng.

Hiện tranh chấp liên quan đến Hợp đồng 57 đang tiếp tục được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội theo đơn kháng cáo của FLC.

Liên quan tới Hợp đồng 18, theo phán quyết trọng tài ngày 14/11/2020, VIAC đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Hòa Bình, buộc FLC phải thanh toán cho Hòa Bình số tiền hơn 234,85 tỷ đồng.

Phán quyết có giá trị chung thẩm, ràng buộc các bên và có hiệu lực từ ngày 14/11/2020. Ngoài ra trong trường hợp FLC không thực hiện thanh toán số tiền nêu trên quá 30 ngày kể từ ngày phán quyết có hiệu lực, FLC còn phải thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán với mức lãi suất 12%/năm đối với số nợ gốc hơn 163 tỷ đồng và 10%/năm đối với số tiền còn lại.

Vào ngày 9/3/2021, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã bác bỏ yêu cầu của Tập đoàn FLC về việc hủy phán quyết của VIAC và quyết định phán quyết tiếp tục có hiệu lực chung thẩm và bắt buộc thi hành kể từ ngày 14/11/2020.

Tổng số tiền mà các tòa án yêu cầu FLC trả cho Xây dựng Hòa Bình trong hai vụ kiện là hơn 276 tỷ đồng.

FLC kiện ngược lại Xây dựng Hòa Bình

Về phần mình, Tập đoàn FLC cho biết vào ngày 8/3/2021, doanh nghiệp này đã nộp đơn khởi kiện Xây dựng Hòa Bình tới Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), yêu cầu Hòa Bình thanh toán các khoản phạt và bồi thường do vi phạm tiến độ xây dựng tại dự án FLC Sầm Sơn.

Xây dựng Hòa Bình thắng kiện Tập đoàn FLC - Ảnh 2.

Một góc quần thể FLC Sầm Sơn. (Ảnh: Song Ngọc).

Tranh chấp giữa Tập đoàn FLC và Hòa Bình đã diễn ra từ nhiều năm nay chủ yếu liên quan đến việc hai bên chưa thống nhất được về giá trị quyết toán một số hợp đồng xây dựng tại dự án FLC Sầm Sơn mà Hòa Bình làm nhà thầu.

FLC cho rằng phán quyết của VIAC ngày 14/11/2020 đã không xem xét khách quan tài liệu chứng cứ giao nộp, sai lầm trong việc đánh giá chứng cứ và không phù hợp với quy định pháp luật, trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Vì vậy, FLC đã có văn bản đề nghị Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh hủy bỏ phán quyết. Tuy nhiên, yêu cầu này đã không được Tòa chấp nhận.

Tập đoàn của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cho rằng Hòa Bình đã "vi phạm về tiến độ, chất lượng thi công trong quá trình là nhà thầu tại FLC Sầm Sơn, khiến việc thi công bị tê liệt với hàng loạt sai sót nghiêm trọng như: không bố trí đủ nhân công, sử dụng các nhà thầu phụ không đủ năng lực, thi công không giám sát chặt chẽ, nhiều hạng mục sai thiết kế ....".

Đại diện Tập đoàn FLC nêu một số dẫn chứng: "Đối chiếu giữa thời hạn mà các bên thỏa thuận trong Hợp đồng 57 so với thời điểm tạm bàn giao công trình đưa vào sử dụng (có xác nhận của đơn vị tư vấn), thì hạng mục Club House chậm ít nhất 114 ngày, còn hạng mục Trung tâm Hội nghị Quốc tế chậm ít nhất 110 ngày".

FLC cho biết đã cưỡng chế Hòa Bình ngừng thi công, đồng thời chấp nhận thuê nhà thầu thứ ba để sửa chữa các sai sót và bù đắp việc chậm trễ do Hòa Bình gây ra.

Liên quan đến phán quyết của VIAC buộc FLC phải trả cho Hòa Bình các khoản tiền theo hồ sơ quyết toán do Hòa Bình đệ trình, đại diện pháp lý của FLC cho biết có 4 căn cứ chính để FLC đề xuất hủy phán quyết này.

Thứ nhất, VIAC đã dựa trên văn bản có tên "Thư xác nhận công nợ phải trả - Lần [1]" phát hành ngày 8/2/2018 để xác nhận FLC đã thừa nhận nợ Hòa Bình. FLC cho rằng việc chỉ căn cứ duy nhất vào tài liệu này để khẳng định rằng FLC đã công nhận nợ Hòa Bình khoản tiền trên là không đảm bảo nguyên tắc công bằng trong việc xem xét đánh giá toàn diện toàn bộ chứng cứ.

Thứ hai, VIAC đã bỏ qua yêu cầu triệu tập công ty kiểm toán và kiểm toán viên trực tiếp thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2017, 2018, 2019 của FLC để làm rõ về giá trị của Thư xác nhận và số dư nợ đối với Hòa Bình được ghi tại báo cáo tài chính năm 2017, 2018, 2019.

Thứ ba, "có rất nhiều văn bản tài liệu, chứng cứ được FLC đưa ra nhưng không được VIAC xem xét, đặc biệt là các tài liệu chứng minh, sau ngày phát hành Thư xác nhận nợ, FLC và Hòa Bình vẫn chưa đi đến thống nhất cuối cùng về số liệu quyết toán", Tập đoàn FLC cho hay.

Thứ tư, FLC còn nhận định "VIAC đã thiếu công bằng khi ấn định giá trị Chi phí chung mà FLC thanh toán theo đúng số liệu mà Hòa Bình đề xuất mà không xem xét đến tính hợp lý và logic của số liệu này".

Đại diện pháp lý của FLC cho biết đã chính thức khởi kiện Hòa Bình để tiếp tục làm rõ về vấn đề vi phạm tiến độ và chất lượng xây dựng.

Cụ thể, FLC yêu cầu Hòa Bình phải thanh toán tiền phạt cũng như bồi thường các vi phạm về tiến độ xây dựng và chất lượng xây dựng tại một số hạng mục của dự án FLC Sầm Sơn.

chọn
'Dòng tiền đổ về bất động sản chưa có hoặc rất ít'
Lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc cho rằng trong thời điểm này, khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa phục hồi rõ rệt thì dòng tiền đổ về bất động sản chưa có hoặc rất ít.