Tập đoàn Hòa Bình sau hơn 20 năm ông Lê Viết Hải làm Chủ tịch HĐQT

Sau hơn 20 năm hoạt động, Tập đoàn Hòa Bình đã mở rộng quy mô vốn lên 48 lần so với ban đầu, đồng thời quy mô doanh thu vượt nửa tỷ USD trong nhiều năm. Trước những diễn biến kém sắc của thị trường xây dựng và thị trường vốn trong nước, Hòa Bình đang dần chuyển hướng tiếp cận các thị trường nước ngoài, trước mắt là Canada, Úc, Mỹ và châu Âu

Quy mô vốn Tập đoàn Hòa Bình tăng 48 lần sau hơn 20 năm

Ông Lê Viết Hải sinh năm 1958 tại Thừa Thiên Huế. Từ năm 1985, ông công tác tại Công ty Quản lý Nhà TP HCM, đến năm 1987, ông Hải thành lập và làm Giám đốc Văn phòng Xây dựng Hòa Bình.

Đến tháng 12/2000, Văn phòng Xây dựng Hòa Bình chính thức đổi tên thành CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình, tiền thân của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC), ông Hải cũng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT từ đó đến nay.

 Chủ tịch HĐQT Hòa Bình ông Lê Viết Hải. (Ảnh: Hòa Bình).

Hòa Bình được thành lập với vốn điều lệ ban đầu là 56,4 tỷ đồng, hoạt động chính của công ty là xây dựng dân dụng, công nghiệp, cầu đường, công trình giao thông, hệ thống cấp thoát nước, san lấp mặt bằng, kinh doanh nhà,....

Tính đến nay, công ty đã trải qua 14 lần tăng vốn điều lệ lên thành 2.741 tỷ đồng. Quy mô vốn tăng 48 lần sau 22 năm hoạt động.

 Quá trình tăng vốn điều lệ của Hòa Bình. (Nguồn: Trương Nhi tổng hợp).

Cuối năm 2006, Hòa Bình chính thức đưa hơn 5,6 triệu cổ phiếu HBC niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE). Tính tới thời điểm hiện tại, số cổ phiếu đang lưu hành của Hòa Bình đã tăng lên hơn 274 triệu cổ phiếu.

Ngày 13/6/2017, công ty được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM chấp thuận việc thay đổi tên từ CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình thành CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình như hiện tại.

Hòa Bình bắt đầu với các dự án đầu tiên như khách sạn Riverside trên đường Tôn Đức Thắng (TP HCM), khách sạn International, Food Center of Saigon, Tecasin Business Center and Serviced Apartments.

Từ những năm 1993 - 1997, Hòa Bình bắt đầu nhận thi công các công trình ở xa TP HCM như công trình Cảng cá Cát Lở - Vũng Tàu, công trình Nhà máy nước ép trái cây Delta (Long An).

Cùng với đó, các công trình làm nên tên tuổi Hòa Bình như Saigon Sky Garden Apartments, Stamford Court, Riverside Aparment, Legen Hotel, Melinh Point Tower, Ocean Place (nay đổi tên là Sheraton Plaza)…

Một số dự án xây dựng có quy mô lớn mà Hòa Bình đã thực hiện gồm dự án Saigon Centre giai đoạn 2, The Ascent Condominiums, Estella Heights, dự án mở rộng Nhà ga Quốc tế T2 Nội Bài và Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang.

 Dự án Nhà ga Quốc tế T2 Nội Bài. (Ảnh: Hòa Bình).

Tình hình hoạt động kinh doanh của Hòa Bình

Giai đoạn trước năm 2020, Tập đoàn Hòa Bình ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng hầu hết qua từng năm. Năm 2019, doanh thu thuần và lãi sau thuế của doanh nghiệp lần lượt đạt 18.855 tỷ đồng và 406 tỷ đồng.

Năm 2020, doanh thu Hòa Bình sụt giảm gần 40% so với năm trước đó còn 11.225 tỷ đồng kéo lợi nhuận doanh nghiệp cũng giảm 79% về 84 tỷ đồng. Theo giải trình của doanh nghiệp, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 giai đoạn đó khiến nhiều công trình phải giãn tiến độ thi công, các dự án mới chậm triển khai trong khi Hòa Bĩnh vẫn phải duy trì các khoản chi phí hoạt động.

Cập nhật tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 10.905 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 16,5%, đạt 61,2 tỷ đồng. Lãi sau thuế giảm chủ yếu do trong kỳ chi phí tài chính chi phí quản lý cũng như các chi phí khác tăng cao. 

 Kết quả HĐKD của Hòa Bình trong giai đoạn từ năm 2008 - 9T/2022. (Nguồn: Trương Nhi tổng hợp).

Chuyển hướng tiếp cận vốn và thị trường xây dựng nước ngoài

Trong hai năm gần đây, trước bối cảnh thị trường xây dựng trong nước gặp khó do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và nguồn vốn tín dụng, trái phiếu thắt chặt, Hòa Bình dần chuyển hướng tìm đến thị trường xây dựng nước ngoài.

Cụ thể, cuối tháng 8 vừa qua, Hòa Bình đã công bố nghị quyết HĐQT về việc thông qua chủ trương đầu tư vào dự án 88 James tại Canada do Elite Developments Group làm chủ đầu tư, tổng số vốn đầu tư 4 triệu CAD (tỷ giá tính tại thời điểm thực tế đầu tư) (tương đương khoảng 72 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại).   

Kế tiếp là Regent Street tại Úc do Công ty Brightland Property Fund & Freedom Development Group làm chủ đầu tư, tổng số vốn đầu tư là 2 triệu CAD (tỷ giá tính tại thời điểm thực tế đầu tư) (tương đương khoảng 36 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại).    

Theo Chứng khoán ACB (ACBS), tại Hội thảo nhà đầu tư tổ chức vào tháng 8/2022, Hòa Bình đã chia sẻ mục tiêu phát triển ra thị trường nước ngoài với kỳ vọng doanh thu từ thị trường nước ngoài sẽ tăng dần sau 10 năm và đạt gần 70% cơ cấu doanh thu vào năm 2032. 

Trong 10 năm tới, công ty sẽ tăng vay vốn ngân hàng trong và ngoài nước, phát hành trái phiếu và cổ phiếu chủ yếu để tài trợ cho chiến lược phát triển ra thị trường nước ngoài.

Cũng theo ABCS, Hòa Bình đang có 10 dự án nhiều khả năng sẽ đầu tư và trúng thầu, trong đó có 4 dự án sẽ triển khai trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023; 2024.

Về kế hoạch này của Hòa Bình, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng thông tin, hiện Hòa Bình nhắm đến 4 thị trường chính là Canada (Ontario), Úc, Mỹ (Texas) và châu Âu, thông qua hai hướng là M&A các doanh nghiệp xây dựng tại thị trường địa phương hoặc tham gia góp vốn vào các dự án bất động sản trong khu vực để lấy lợi thế cung cấp dịch vụ tổng thầu thi công.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.