Tạp văn Nguyễn Việt Hà: Những cuốn “Kinh Thánh” cho đàn ông Việt!

Nguyễn Việt Hà là nhà văn hiện đại duy nhất "được phép" kiêu hãnh đặt tên cuộc tọa đàm của chính anh là: "Hà Nội của Hà" diễn ra tối 7/1 tại L'Espace Hà Nội mà không một nhà văn nào cảm thấy mích lòng khi anh “nhận vơ” Hà Nội là của anh.

Nguyễn Việt Hà là ai?

tap van nguyen viet ha nhung cuon kinh thanh cho dan ong viet
Chân dung nhà văn Nguyễn Việt Hà (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Nguyễn Việt Hà là tác giả đang được xếp vào “top ten” của văn học hiện đại Việt Nam. Nguyễn Việt Hà là bút danh, tên thật của nhà văn là Trần Quốc Cường, là “con giai phố cổ” thuộc thế hệ 6X tại Hà Nội. Độc giả hâm mộ anh muốn hiểu về anh nhiều hơn, luôn “search” tên anh trên công cụ tìm kiếm nhưng kết quả nhận lại thì chỉ là một lượng thông tin ít ỏi về cá nhân.

Có thể nói, Nguyễn Việt Hà là một bí ẩn về đời sống riêng tư nhưng cái “Tôi” cá nhân lại phơi bày tất tật qua con chữ trong từng tác phẩm mà anh chắp bút.

Nguyễn Việt Hà là nhà văn hiện đại duy nhất được phép kiêu hãnh đặt tên cuộc tọa đàm của chính anh "Hà Nội của Hà" diễn ra tối 7/1 tại L'Espace Hà Nội mà không một nhà văn nào cảm thấy mích lòng khi anh “nhận vơ” Hà Nội là của anh.

Vì sao lại thế?

Nếu “văn là người” thì chính xác Nguyễn Việt Hà là một nhà văn tài tình trong việc biểu đạt cái “Tôi” cá nhân thông qua tác phẩm. Đọc các tác phẩm của anh, từ tạp văn đến tiểu thuyết, dù nhiều khi nhăn mặt khi cách dùng từ đau đớn, cay nghiệt, bỡn cợt, chua chát, phải tức anh ách vì cái sự “khinh thường” đàn bà của anh trong hầu hết các tạp bút, thế nhưng người đọc vẫn cứ phải tấm tắc mà ngưỡng mộ, mà say mê từng con chữ mẫu mực, sắc sảo, đầy trí tuệ sâu rộng mà anh viết ra.

tap van nguyen viet ha nhung cuon kinh thanh cho dan ong viet
"Cơ hội của Chúa" - Cuốn tiểu thuyết đã được dịch ra tiếng Pháp năm 2013

Qua con chữ, một chân dung “con giai phố cổ” có bút danh Nguyễn Việt Hà hiện ra: Đó là một người đàn ông trưởng thành, chín chắn, sâu sắc, độ lượng, nhạy cảm, tinh tế, có vốn hiểu biết sâu rộng và lại còn hài hước, yêu tha thiết những giá trị đẹp đẽ, nhân văn, những hồn cốt tinh túy của Hà Nội nói riêng và của dân tộc Việt nói chung. Cái tài tình của nhà văn bí ẩn này chính là ở đó, vẽ chân dung mình qua con chữ, mà những con chữ ấy là tuyệt nhiên không có nửa lời ca tụng hay giới thiệu khoa trương về bản thân mình. Đó chính là điểm độc đáo khiến cái tên Nguyễn Việt Hà trở thành một “bảo chứng” tại các nhà sách khi các tác phẩm của anh liên tục đứng vào hàng best seller và tái bản liên tiếp, một vài tác phẩm đã được dịch ra tiếng nước ngoài. Đây là một vinh dự mà không phải một nhà văn nào cũng có được khi theo nghiệp cầm bút.

Đọc tạp văn hay tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà, đàn ông (hoặc đàn bà) đều thấy mở mang cái bờ cõi hiểu biết của mình thêm rất nhiều, cách kể chuyện của anh mang đậm một phong vị của “anh cả” kể chuyện cho “các em” nghe, “các em” ở đây có thể nhiều tuổi hơn anh, cũng có thể ít tuổi hơn, nhưng chắc chắn khi “đọc” anh, những gã trai có thể nhăn mặt, có thể sáng mắt, có thể vì không ưng cái thể loại tạp văn chát chúa, sâu cay mà bỏ quyển sách xuống và quên tiệt, nhưng chí ít ngay lúc ấy họ sẽ thấy mình bỗng dưng trưởng thành thêm chút ít.

Vì sao tạp văn của Nguyễn Việt Hà lại là cuốn “Kinh Thánh” cho đàn ông Việt?

Đọc Nguyễn Việt Hà không chỉ để đọc, mỗi tác phẩm của anh đều chứa đựng một nhân sinh quan sâu sắc, những chiêm nghiệm độc đáo đến tận cùng về con người, về thiên nhiên, về cái đẹp tuyệt đích thông qua những hình ảnh giản dị, gần gũi. Đi qua những câu chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ anh viết, đàn ông thông minh sẽ học được cách yêu đời, yêu mình và yêu người hơn, một cách rất sâu và rất tình!

Một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Việt Hà

“Con giai phố cổ” – Thể loại: Tạp văn

tap van nguyen viet ha nhung cuon kinh thanh cho dan ong viet
Bìa sách "Con giai phố cổ"

Tập tạp văn mới nhất của Nguyễn Việt Hà là một thứ mạng xã hội riêng của anh, đủ thành phần, từ đám đàn ông, những gã khờ và mưu sĩ, rồi những nàng thơ của họ, đến những chuyện tình ái đọc lên sực nức đùa giễu. Tình ở một Hà Nội với những gã trai phố cổ mà như tác giả đã viết, “bọn họ thong thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống. Có bọn họ, Hà Nội hôm nay mới có nổi dăm bảy hàng phở ngon, vài ba quán cà phê thị dân sâu lắng. Bọn họ chẳng chịu là gì, sống bạc nhược nghệ sĩ nửa mùa, rồi trả ơn Hà Nội bằng cách quyết liệt tự nuôi cho mình những thói quen của bao đời Hà Nội". Nguyễn Việt Hà vừa bảo, đó là “linh hồn” của thành phố này, vừa giễu “thăm thẳm mơ màng rêu phong tạo riêng một bản sắc”.

“Đàn bà uống rượu” – Thể loại: Tạp văn

tap van nguyen viet ha nhung cuon kinh thanh cho dan ong viet
Đàn bà uống rượu vẫn với giọng văn giễu cợt qua cách dùng từ, dù vẫn khá đậm chất thơ với một chút "khẩu khí" dân gian.

Vẫn sử dụng thế mạnh của lối viết hài hước sâu cay, tung tẩy đi từ Đồng Xuân qua chợ Hôm xuống chợ Đuổi, những địa danh buôn bán nổi tiếng của Hà Nội, Đàn bà uống rượu cũng dành đất ưu ái cho những khoảng lịch lãm của người có học, trân trọng kiến thức và sĩ khí truyền đời. Cái nhìn của Nguyễn Việt Hà về một Hà Nội hư hao nền nếp chứa đựng những tiếc nuối pha khinh bạc. Có thể gọi đó là đanh đá, nhưng cũng có thể gọi đó là nỗi lòng ưu thời mẫn thế mang dáng vẻ đương đại. Dù có lật giở nhiều những dẫn dụ điển cố xưa, tạp văn của Nguyễn Việt Hà trong tập Đàn bà uống rượu vẫn nóng hổi chuyện phố xá, với cái duyên hóm hỉnh không phải ai cũng có được. Ngay cả viết về những câu chuyện tưởng chừng xa xăm mộng mị như nhạc Trịnh Công Sơn qua tiếng hát Khánh Ly, tác giả vẫn rưng rưng niềm xúc cảm pha lẫn sự hóm hỉnh đáng yêu, không sa đà tán tụng du dương.

“Mặt của đàn ông” – Thể loại: Tạp văn

tap van nguyen viet ha nhung cuon kinh thanh cho dan ong viet
" Mặt của đàn ông" hài hước, dí dỏm trong từng câu chữ, có những đoạn văn, những câu văn sẽ khiến độc giả tủm tỉm cười nhưng sau đó sẽ là những trăn trở, day dứt về xã hội, về những người trí thức, về những người sống quanh ta…

Trong tạp văn của mình, Nguyễn Việt Hà nhận xét rằng đàn ông Việt hay tươi cười. “Khi bàn về cười, đôi khi con người ta cũng phải mếu máo cay đắng đùa”. Đọc tạp văn của anh, người ta thấy rộn ràng dí dỏm những cú tỉa đọc lên thấy buồn cười. Tạp văn Mặt của đàn ông 2015 của Nguyễn Việt Hà cười đấy rồi lại trầm buồn đấy, tất cả làm nên sự gần gũi của những bài tạp văn viết về cuộc sống ở Hà Nội, dường như chỉ xoay quanh mấy từ khóa cơ bản – đàn ông, phố cũ, sách xưa, rượu ngon, người đẹp – mà đủ thứ chuyện. Có thể dùng chính những từ khóa đó để mô tả cuộc sống của đàn ông Việt Nam ngày nay, mà chúng cũng chính là những gì giới đàn ông có học thời trước bận tâm.

Cuộc đời quả thực sẽ rất nghèo nàn và nhạt nhẽo nếu chỉ xoay quanh những vốn từ ngữ hạn hẹp chỉ dùng để định danh, nhưng qua bàn tay của những người viết, nó lung linh hẳn lên, sinh động tung tẩy như hình ảnh người đàn ông bán hàng ở chợ Đồng Xuân: “Anh ta đầu đội thúng, mồm và mông dẻo nguây nguẩy, nói tục như ranh. Bánh dày giò của Phương đồng cô tinh tế khó tả, một thứ quà tuyệt phẩm của chợ” (Đàn ông ngồi chợ).


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/.

chọn
Giá chung cư Hà Nội từ 2019 đến nay biến động ra sao?
Thống kê của VARS, giá bán trung bình của căn hộ Hà Nội hiện khoảng 60 triệu/m2, tăng 64% so với quý I/2019.