Từ ngày 5-6/10, tại Khu du lịch thác Bản Giốc, tỉnh Cao Bằng, UBND huyện Trùng Khánh sẽ phối hợp với các bên liên quan tổ chức Lễ hội thác Bản Giốc 2019.
Lễ hội được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người, vùng đất Cao Bằng. Đặc biệt là thu hút khách du lịch đến với vùng cao.
Tương tự như các lễ hội khác, Lễ hội thác Bản Giốc gồm phần lễ và phần hội với các hoạt động phong phú, các hoạt động thể thao, dân gian sôi nổi như kéo co, tung còn, nhảy bao bố, đẩy gậy, bịt mắt bắt vịt, bóc hạt dẻ...
Khung cảnh tuyệt đẹp tại Bản Giốc. (Ảnh: we25).
Dưới đây là lịch trình, thời gian các hoạt động tại lễ hội:
- Khai mạc Lễ hội thác Bản Giốc: 20h ngày 5/10 tại khu du lịch thác Bản Giốc.
- Lễ hội ánh sáng thác Bản Giốc: 20h - 21h30 phút ngày 5/10, tại khu vực chân thác Bản Giốc.
- Lễ rước nước cầu quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa: 7h30 phút - 11h30 phút ngày 6/10 tại Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, xã Đàm Thủy.
- Trưng bày gian hàng giới thiệu sản vật, đặc sản, văn hóa ẩm thực của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trùng Khánh.
- Triển lãm ảnh "Khám phá miền non nước Trùng Khánh" và "Cao Bằng - 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Thiên nhiên hùng vĩ tại thác Bản Giốc. (Ảnh: psytravel).
- Các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian (lày cỏ, kéo co, tùng còn, nhảy bao, đẩy gậy, bịt mắt bắt vịt, bóc hạt dẻ...), chèo xuồng Kayak.
- Liên hoan dân ca của các phân chi hội Bảo tồn dân ca các dân tộc của huyện, xã, thị trấn huyện Trùng Khánh.
Từ Hà Nội, du khách có thể dễ dàng di chuyển đến Cao Bằng thể tham dự Lễ hội thác Bản Giốc 2019.
Nếu lựa chọn di chuyển bằng xe khách, du khách nên chọn chuyến xe khách xuất phát vào đêm - tối (khoảng 20h trở đi) để tiết kiệm thời gian, ngủ đêm trên xe.
Giá vé xe dao động trong khoảng 170.000 – 200.000 đồng/khách/lượt. Tổng thời gian di chuyển từ 6 - 9 tiếng (tùy thuộc vào vận tốc xe được phép di chuyển).
Một số gợi ý về nhà xe cho du khách muốn tham gia Lễ hội thác Bản Giốc 2019. (Ảnh chụp màn hình).
Hầu hết, xe khách đi Cao Bằng đều xuất phát từ bến xe Mỹ Đình. Du khách có thể đến trực tiếp bến xe để mua vé, bắt xe hoặc gọi điện trước cho các hãng xe để có thể mua vé, đặt chỗ trực tuyến.
Khi đến bến xe Cao Bằng, du khách đón tiếp xe khách Cao Bằng – Trùng Khánh – thác Bản Giốc hoặc hai tuyến buýt số 03 (Cao Bằng – Quảng Uyên) và số 07 (Quảng Uyên – Trùng Khánh) để đến Khu du lịch Bản Giốc. Chi phí di chuyển cho chặng Cao Bằng - thác Bản Giốc này vào khoảng 70.000 đồng.
Sài Gòn - Bản Giốc resort
Sài Gòn - Bản Giốc là resort 4 sao duy nhất ở Cao Bằng. Khu nghỉ dưỡng nằm ngay gần thác Bản Giốc, thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Để nghỉ dưỡng tại khu resort này, du khách cần bỏ ra từ 1.000.000 đồng. Ngoài việc gần thác Bản Giốc, resort này còn gần các điểm tham quan khác như chùa Phật Tích Trúc Lâm, động Ngườm Ngao...
Sài Gòn - Bản Giốc resort. (Ảnh: Booking).
Ngoài khu resort 4 sao sang trọng, khi đến Bản Giốc, du khách có thể trải nghiệm cảm giác sống như người bản địa tại các homestay như:
Khuổi Kỵ là một homestay được xây dựng bằng đá nằm giữa núi rừng sông nước Cao Bằng. Homestay có thiết kế đơn giản, gần gũi nhưng lại có đầy đủ những tiện nghi phục vụ khách du lịch. Đến đây, bạn sẽ được hòa mình vào cuộc sống vô cùng bình yên và thiên nhiên trong lành.
Giá phòng tại Khuổi Kỵ vào khoảng 200.000 đồng - 300.000 đồng/phòng. Nếu lựa chọn phòng ở tập thể, du khách sẽ tiết kiệm hơn.
Phong cách độc đáo tại Green Door. (Ảnh: Booking).
Green Door Bản Giốc là homestay nổi tiếng tại Cao Bằng với kiến trúc, phong cách độc đáo, khác lạ. Những bức tường gạch, tường đất, trụ nhà bằng gỗ, giường chỉ đơn giản là những tấm nệm kê trên gạch sẽ khiến du khách có những trải nghiệm không thể quên.
Ẩm thực tại Cao Bằng rất phong phú. Nếu có dịp lên vùng đất này tham dự Lễ hội thác Bản Giốc 2019, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức những đặc sản hấp dẫn.
Được tẩm ướp đến 7 loại gia vị và chế biến theo cách riêng của người Tày, vịt quay 7 vị Cao Bằng mang mùi vị thơm lạ hấp dẫn, bắt mắt với màu vàng óng của mật ong rừng và thấm đượm vị ngọt, tươi của thịt vịt trên đầu lưỡi.
Món vịt thường được ăn cùng xôi, cơm nếp, ăn kèm các loại rau rừng.
Bánh trứng kiến là loại bánh được làm từ bột nếp, trứng kiến cùng lá non của cây vả. Trứng kiến sẽ được phi với mỡ heo cho thơm rồi rắc lên bột nếp hấp chín, mùi thơm ngậy mùi của trứng kiến sẽ khiến du khách khó lòng cưỡng lại.
Đây là món ăn không lạ lẫm gì với nhiều người. Tuy vậy, lạp xưởng Cao Bằng lại có mùi vị hấp dẫn hơn hẳn vì lạp xưởng được làm từ thịt tẩm ướp gia vị, mật ong và thêm ít rượu trắng, chút gừng và ít quả mắc mật khô xay nhỏ theo công thức riêng của người bản địa.
Đặc biệt, lạp xưởng được hong khô trên khói bếp nhiều ngày nên có độ dai và chắc thịt, thơm ngon. Đây sẽ là gợi ý hoàn hảo cho những người muốn mua quà cho người thân sau khi tham dự Lễ hội thác Bản Giốc 2019.