Ở Việt Nam, đi Uber rẻ hơn Grab | |
Khách bị tài xế cướp, Uber vô trách nhiệm? |
Còn Hiệp hội Taxi Tp.HCM thì cho rằng, để đảm bảo công bằng các cơ quan chức năng nên áp dụng thống nhất chính sách thuế cho taxi truyền thống và xe hợp đồng - Grab và Uber. |
Trong khoảng hơn 2 năm gần đây, sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của dịch vụ vận chuyển Uber và Grab đã làm “dậy sóng” thị trường vận tải hành khách trên cả nước. Lượng tài xế chạy Uber, Grab tăng lên, Uber, Grab cũng liên tục tung ra những chính sách hỗ trợ để thu hút tài xế, khuyến mại giá cước cho khách hàng… điều này tạo ra áp lực lớn đối với sự cạnh tranh của taxi truyền thống.
Cụ thể, theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Tp.HCM, hiện nay số lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ được cấp phù hiệu tại Tp.HCM là dưới 20.000 xe trong khi đó, từ năm 2010 đến nay, số lượng xe taxi vẫn giữ nguyên khoảng 11.000 xe. Chính sự phát triển của Uber, Grab đã và đang thu hẹp thị phần của taxi truyền thống một cách nhanh chóng, đẩy taxi truyền thống vào thế thua ngay trên sân nhà, do giảm lượng khách, giảm lái xe, giảm doanh thu.
Về thuế, ông Hỷ nhấn mạnh đây là một trong những bức xúc của taxi truyền thống khi đang phải gánh chịu nhiều loại thuế, trong đó có hai loại thuế khá cao là thuế giá trị gia tăng 10% và thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%.
Trong khi đó, đối với Uber, Bộ Tài chính áp thuế cho Uber theo thuế suất 3% thuế giá trị gia tăng trên doanh thu được hưởng. Nếu lấy mức 20% doanh thu mà Uber được hưởng thì mức thuế Uber phải nộp là 0,6% trên tổng doanh thu chung.
Đối với các cá nhân là đối tác trực tiếp của Uber cũng áp dụng thuế suất giá trị gia tăng là 3% trên doanh thu được hưởng. Như vậy, các cá nhân này chỉ nộp mức thuế giá trị gia tăng bằng 2,4% trên tổng doanh thu chung.
Cách tính trên cũng được Cục thuế Tp.HCM áp dụng với Grabcar và các đối tác của họ.
“Cách tính thuế nói trên là thấp so với mức thuế taxi truyền thống đang gánh chịu gồm 10% VAT và 20% thu nhập doanh nghiệp. Cách tính này không chỉ thiếu công bằng giữa các đơn vị vận tải taxi và Uber, Grab mà còn thất thu ngành thuế”, ông Hỷ nói.
Bên cạnh đó, theo ông Hỷ, năm 2016, chỉ riêng các doanh nghiệp taxi tại Tp.HCM đã nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng thuế, phí. Với cách tính nói trên dành cho Grab và Uber, liệu Nhà nước sẽ thu được bao nhiêu tiền thuế, trong khi trên thực tế, số phương tiện hoạt động của Uber, Grab cao hơn rất nhiều so với taxi truyền thống.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, Grab và Uber hiện đang được hưởng mức thuế doanh thu 3% trên 80% doanh thu và 1,5% thuế thu nhập tính cho 80% doanh thu. Do chỉ phải tính thuế trên 80% doanh thu nên thực chất Grab và Uber đang hưởng ưu đãi với mức thuế 2,4% trên doanh thu và 1,6% thuế thu nhập.
Trên cơ sở, đó, ông Bình kiến nghị đối với các xe Grab và Uber hoạt động tại Hà Nội phải được quản lý như taxi truyền thống.
“Đề nghị tạm dừng hoạt động của đề án thí điểm Grab và Uber để đánh giá ảnh hưởng của loại hình vận tải này đến quản lý thuế, môi trường và tình trạng ùn tắc giao thông của Hà Nội. Uber và Grab cũng phải chịu mức thuế 10% trên tổng doanh thu chuyến đi và 20% thuế thu nhập giống như mức thuế áp dụng với taxi truyền thống”, ông Bình cho hay.
Còn Hiệp hội Taxi Tp.HCM thì cho rằng, để đảm bảo công bằng các cơ quan chức năng nên áp dụng thống nhất chính sách thuế cho taxi truyền thống và xe hợp đồng - Grab và Uber. Ví dụ, thuế giá trị gia tăng VAT hoặc là 10% hoặc là 5% trên doanh thu. Dù có xé lẻ, tách nhỏ doanh thu cho từng bộ phận thì tổng thuế phải nộp cũng dựa trên cơ sở tỷ lệ 100% doanh thu.
“Chúng tôi kiến nghị thuế giá trị gia tăng các doanh nghiệp kinh doanh taxi Grab và Uber nên ở mức 5%”, ông Hỷ kiến nghị.
Trước những đề xuất của hai đơn vị này, đại diện Vụ chính sách thuế, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng không có sự khác biệt giữa doanh nghiệp nộp thuế kê khai hay doanh nghiệp nộp thuế ấn định trên doanh thu.
Nếu chỉ nhìn mức thuế 3% hay 10% để nói 3% nhỏ hơn rất nhiều 10% là không đúng. Bởi vì doanh nghiệp nộp thuế VAT 10% còn được khấu trừ thuế VAT từ đầu vào như chi phí nhà xưởng, mua sắm tài sản cố định… 20% thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng sau khi đã trừ đi chi phí nhà xưởng, tài sản cố định, giá xăng…
“Doanh nghiệp nộp thuế kê khai 10% VAT và 20% thu nhập doanh nghiệp không khác với doanh nghiệp nộp thuế ấn định trên doanh thu 3% và thu nhập cá nhân 1,5%. Nếu các anh đề xuất giảm VAT xuống 5% thì thuế suất ấn định sẽ giảm xuống theo, vì căn cứ tỷ lệ hoạch định chính sách giá trị gia tăng ngành mang lại 30% mà giảm VAT 5% thì tỷ lệ ấn định là 1,5%”, vị này nói.