Tâm lý chuẩn bị Tết của dân ta là mọi thứ phải đủ đầy. Vì vậy chính những ngày Tết lại là những ngày ăn thức ăn bảo quản dài ngày và lưu trữ dài ngày. Trong cơ cấu thực phẩm những ngày Tết, thức ăn cao năng luợng, thức ăn nhiều muối chiếm tỷ lệ khá cao. Và không thể không nhắc đến là thức uống có cồn.
Tất cả đều thái quá. Đối với người đã có bệnh mạn tính thì tâm lý ngày Tết cũng trở nên dễ giãi hơn trong việc kiêng khem. Bất ngờ và đáng lưu ý nhất là trường hợp những người trong cơ thể có chứa mầm bệnh nhưng chưa phát hiện.
Nguy cơ uy hiếp thuộc nhóm cao nhất là bệnh gan nhiễm mỡ. Đây là một trong 03 “sát thủ thầm lặng” dẫn đến xơ gan và ung thư gan, chỉ sau viêm gan siêu vi C, B. Bệnh này không chỉ những người béo phì mới bị mà người dinh dưỡng kém, người nghiện rượu, người lười vận động cũng có xác suất mắc phải rất cao.
Theo Ths. Bs Vũ Thị Thúy Hà, giảng viên bộ môn Nhiễm, trường đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, đối với nam uống hơn 40g cồn/ngày; đối với nữ, hơn 20g cồn/ngày (1 lon bia tương đương 17,5g cồn) thì dễ vướng vào nguy cơ gan nhiễm mỡ do rượu.
Những người không bia rượu cũng đối diện với nguy cơ nếu để xảy ra tình trạng thừa cân, béo phì, tăng mỡ trong máu, tăng đường trong máu. Mà mọi người đều biết, thức ăn ngày Tết có quá nhiều khả năng gây ra tình trạng này.
Để tự kiểm soát có bị thừa cân, béo phì hay không, theo Bs Thúy Hà, mọi người áp dụng công thức “cân nặng (kg)/chiều cao X chiều cao (m)”. Kết quả ở mức 18,5 – 22,9 là bình thường; mức 23 – 24,9 là thừa cân còn hơn 25 thì béo phì. Và muốn biết có bị béo bụng hay không thì đo vòng eo: nam > 90cm; nữ > 80cm.
Khỏe ở đây là nói sự thoải mái về thể chất, không nói đến thoải mái về tinh thần và xã hội theo định nghĩa đầy đủ về sức khỏe của WHO.
Điều rất nguy hại là khi gan bắt đầu nhiễm mỡ thì hầu hết không cảm thấy bất thường gì cả, ngoại trừ một số ít có thể cảm thấy đau tức mạn sườn bên phải, mệt mỏi…
Tại buổi tọa đàm tư vấn “Để không bị gan nhiễm mỡ và tăng cân trong ngày Tết” do Phòng khám Bác sĩ gia đình thuộc Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (Tp. Hồ Chí Minh) tổ chức ngày 03/02/2018, chuyên gia dinh dưỡng Ts.Bs. Đào Thị Yến Phi và chuyên gia về nhiễm Ths. Bs Vũ Thị Thúy Hà đều đưa ra lời khuyên đối với phòng tránh và chữa trị bệnh gan nhiễm mỡ là phải ăn uống điều độ và vận động thể lực hợp lý.
“Điều chỉnh chế độ ăn và vận động là biện pháp điều trị nền tảng và hiệu quả cho mọi trường hợp gan nhiễm mỡ”, Ths. Bs Vũ Thị Thúy Hà khẳng định.
Ts.Bs. Đào Thị Yến Phi: “Những ngày Tết là những ngày không giống mọi ngày: ăn khác, sinh hoạt khác, có nhiều niềm vui… Nhưng cũng lắm nguy cơ.” |
Chuyên gia dinh dưỡng Ts.Bs. Đào Thị Yến Phi đưa ra lời khuyên cho từng đối tượng, rất cụ thể:
Với chị em phụ nữ: mua vừa đủ thực phẩm dùng trong 1 tuần, bảo quản thực phẩm đúng quy tắc;
Với người khoẻ mạnh và trẻ lớn: duy trì ăn uống càng gần bình thường càng tốt, không lạm dụng thức uống có cồn (1-2 đơn vị), điều chỉnh bữa ăn tiếp theo để tránh ăn quá nhiều hay quá ít trong ngày, đừng bỏ qua những niềm vui khác ăn uống;
Với trẻ nhỏ: ăn thức ăn của mình; sữa, bột và trái cây cho bữa không kịp chuẩn bị, đảm bảo giấc ngủ, tránh những nơi đông người.
Với người có bệnh mạn tính, người cao tuổi: tuân thủ chính xác khẩu phần ăn điều trị, thời gian sinh hoạt và giấc ngủ không xáo trộn nhiều, thuốc: đúng giờ, đủ liều theo phác đồ điều trị, tốt nhất là đừng “thử” hoặc “nghĩ là”.
Và mọi người nên cẩn thận với các dấu hiệu bất thường: nôn ói, đau bụng, mẩn ngứa, sốt cao, chóng mặt…
Đưa trẻ đi khám bệnh cúm ở viện: 'Cẩn thận nguy cơ bị lây nhiễm chéo'
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, khi trẻ bị cúm thì cần theo dõi các biểu hiện để ... |