Tết buồn của tiểu thương

Nhiều chủ cửa hàng quần áo, thực phẩm cho biết, doanh số mùa Tết giảm một nửa so với năm ngoái.

Lần đầu tiên trong 10 năm mở cửa hàng quần áo, mùa Tết năm nay chị Hạnh trên đường Thống Nhất (Gò Vấp, TP HCM) phải trưng biển "sale 50%".

"Nếu năm ngoái, hàng mới về đến đâu được khách online và offline mua tới đó thì năm nay dù đẹp cỡ nào cũng ít khách ghé. Nhiều khách quen được nhắn tin chào mời giảm giá 10% từ khá sớm nhưng cũng không ghé lựa chọn. Nhiều khách thân thiết cho biết khoảng cách giữa Tết dương và âm lịch chỉ có khoảng hơn 20 ngày, nên quần áo đã được sắm một vài bộ từ Tết dương lịch", chị Hạnh  cho biết. 

Tổng doanh số trong 10 ngày cuối năm của cửa hàng chị giảm tới 50% so với năm ngoái.

Cũng giảm 2/3 doanh thu so với năm ngoái, chị Kim Anh, chuyên kinh doanh thực phẩm quê ở quận Thủ Đức (TP HCM), cho biết mặc dù không dám tăng giá mạnh các mặt hàng giò chả, bánh chưng, nem và củ kiệu phục vụ mùa Tết nhưng năm nay lượng khách đặt mua khá lẻ tẻ. Với những khách hàng thân quen nếu năm ngoái họ lấy cả 2 triệu tiền hàng ăn Tết thì năm nay giảm còn một triệu đồng.

"Năm ngoái, mới chỉ 20 âm lịch nhưng đơn đặt thực phẩm Tết lên đến 200 khách. Tuy nhiên, năm nay đến 25 Tết chốt sổ tôi chỉ nhận được khoảng 100 đơn đặt hàng với tổng số tiền 120 triệu đồng. Cũng chính vì doanh số bán hàng mùa Tết giảm nên gia đình năm nay cũng cắt giảm chi tiêu và chỉ sắm những đồ dùng thiết yếu", chị Kim Anh bộc bạch.

Tết buồn của tiểu thương - Ảnh 1.

Giới buôn giò bê năm nay cũng giảm doanh số mạnh. (Ảnh: TP).

Chuyên kinh doanh giò bê – đặc sản Nghệ An, chị Hoa ở TP HCM cho biết năm ngoái trong vòng một tháng cận Tết, chị bán được 8 tạ giò bê thì năm nay số lượng bán ra chỉ ở mức 3 tạ.

"Hầu hết khách hàng cho biết thu nhập giảm. Do đó, thay vì mua hàng để ăn Tết và biếu họ hàng thì năm nay họ cắt giảm phần quà biếu, chỉ dành tiền để mua đủ cho gia đình sử dụng", chị Hoa nói. 

Một số khách của chị năm ngoái đặt mua vài chục kg một lần để ăn và biếu thì năm nay họ giảm đơn đặt hàng xuống còn 2-4kg.

Theo chị Hoa, không chỉ khách lẻ giảm số lượng đặt hàng mà ngay cả khách sỉ năm nay cũng "than" ế vì lượng khách đặt mua thấp. Nhiều mối lẻ của chị năm ngoái bán cả 2-3 tạ cho vụ Tết thì năm nay số lượng chỉ còn khoảng vài chục kg.  Nguyên nhân được các khách sỉ cho biết là do Tết đến quá nhanh, người tiêu dùng bận rộn và giảm mua sắm. Mặt khác, thu nhập của nhiều khách bị giảm sút nên họ hạn chế chi tiêu.

Đồng cảnh ngộ với những chủ cửa hàng trên, tiểu thương kinh doanh hàng hóa tại các chợ TP HCM cũng cho biết, mùa Tết năm nay doanh số của họ giảm 30-50% so với năm ngoái.

Chị Oanh, bánh kẹo ở chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình, TP HCM,) cho biết lượng bánh kẹo bán ra chỉ bằng một nửa năm ngoái, với các loại khô hải sản đa phần chỉ khách quen đặt hàng nên sản lượng bán ra thấp.

"Lượng hàng bán ra thấp mà khách còn xin nợ sang năm sau. Cũng vì lo ế ẩm nên tôi lại tiếp tục cho khách nợ để bán được hàng. Chưa có năm nào mà Tết buồn như năm nay", chị Oanh bộc bạch.

Sở hữu cửa hàng tạp hóa lớn trên đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp), bà Lan cho biết 20 khách sỉ của bà đều đồng loạt giảm doanh số 30% so với năm ngoái. Đặc biệt, lượng bánh kẹo, bia, hàng tiêu dùng tết quay đầu giảm so với mọi năm.

Còn với khách lẻ, theo bà Lan họ chỉ mua đủ cho 7 ngày Tết. "Các năm trước dù lượng khách mua giảm thì sản lượng bán ra cũng không thê thảm như năm nay. Có lẽ do Tết đến quá nhanh trong khi người dân không còn đủ thời gian để chuẩn bị, nên sức mua đi xuống mạnh nhất trong 5 năm qua", bà Lan chia sẻ. 

Sau Tết có thể bà thể thực hiện các chương trình khuyến mãi và quay số trúng thưởng lớn để kích cầu nhu cầu tiêu dùng cho năm mới.


chọn
Con trai chủ tịch Tân Hoàng Minh: 'Không ngờ hậu quả lớn đến vậy'
Bị cáo Đỗ Hoàng Việt, Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh, khai thực hiện các "biện pháp huy động vốn" để gỡ khó cho công ty nhưng "không lường được hậu quả lớn vậy".