Tết Nguyên Tiêu là gì?
Tuy đã được nghe đến cụm từ "Tết Nguyên Tiêu" nhưng nhiều người vẫn thắc mắc không biết Tết Nguyên Tiêu là gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc về ngày Tết Nguyên Tiêu.
Tết Nguyên Tiêu là ngày lễ hội cổ truyền tại Trung Quốc. Theo tiếng Hán Việt, “nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm, vì vậy Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. Ngoài cái tên là Tết Nguyên Tiêu thì nhiều người Việt còn biết đến ngày này với tên gọi là Tết Thượng Nguyên.
Truyền thuyết Trung Quốc kể rằng, ngày xưa có một con thiên nga từ trên thiên đình bay xuống hạ giới và không may đã bị một người thợ săn bắn chết. Ngọc Hoàng rất tức giận nên đã sai một đội quân thiên đình đúng ngày 15/1 xuống hỏa thiêu toàn bộ con người và động vật dưới hạ giới để trả thù. May thay, có một số vị thần trên thiên đình không đồng ý với quyết định của Ngọc Hoàng nên đã liều mình xuống hạ giới để hiến kế cho chúng sinh. Vào ngày 15/1, khắp nơi đều treo đèn lồng và bắn pháo hoa để trên thiên đình tưởng rằng nhà cửa của họ đã bị phóng hoả. Từ đó mà loài người thoát khỏi cảnh diệt vong. Để tạ ơn vị thần tiên, ngày 15/1 Âm lịch (rằm tháng Giêng) được chọn làm ngày Tết Nguyên Tiêu.
Dân gian có câu “Giỗ Tết cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng", cho thấy Tết Nguyên Tiêu là một trong những ngày lễ vô cùng quan trọng. Vì vậy, vào ngày này, người ta thường lên chùa cúng sao giải hạn để mong cầu một năm mới với nhiều sức khoẻ, bình an, may mắn và phát tài. Bên cạnh đó, các gia đình thường làm mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên để bày tỏ lòng thành kính và sự biết ơn trong dịp này.
Lễ hội trăng rằm tháng Giêng thường bắt đầu từ giữa đêm 14 (đêm trước trăng rằm) và diễn ra cho đến nửa đêm 15 (đêm trăng rằm). Vậy năm nay, Tết Nguyên Tiêu là ngày nào?
Năm Tân Sửu 2021, Tết Nguyên Tiêu rơi vào ngày Thứ 6, tức ngày 26 tháng 2 Dương lịch. Tuy nhiên, nhiều gia đình bận rộn có thể sắp xếp cúng rằm tháng Giêng vào ngày 14/1 Âm lịch.
Tết Nguyên Tiêu còn được coi là "Tết muộn" vì diễn ra ngay sau kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khoảng một tuần. Đây là cơ hội để thành viên bất kỳ trong nhà vắng mặt vào ngày Tết Nguyên đán có thể đoàn tụ cùng gia đình vào ngày Tết này.
Tuy có nhiều truyền thuyết khác nhau về nguồn gốc nhưng nhìn chung ngày Tết Nguyên Tiêu đều mang ý nghĩa về sự sum họp, đoàn tụ bên gia đình. Vào ngày này, bên cạnh dâng một mâm cơm cúng tổ tiên, các thành viên trong nhà sẽ có cơ hội quây quần bên bữa cơm gia đình, cùng chuyện trò, thưởng trà, ăn bánh trôi nước và ngắm trăng.
Ngoài ra, vào ngày Tết Thượng Nguyên, người người nhà nhà đều đi chùa lễ Phật, mong cầu, hy vọng một năm mới bình an, mọi việc hanh thông, thuận lợi và an khang thịnh vượng.
Sau nhiều thế kỷ du nhập vào Việt Nam, ngày Tết Nguyên Tiêu hay rằm tháng Giêng đã dần trở thành một ngày lễ mang đậm bản sắc của người Việt và là dịp để người dân bày tỏ lòng thành kính với các vị thần linh và ông bà tổ tiên.