Thạch Thị Bé Trúc kể chuyện nghi án oan

Thạch Thị Bé Trúc, cô công nhân bị truy tố trong vụ án tai nạn giao thông ở Củ Chi, TP.HCM, nói: “Nếu người lái ô tô gây tai nạn không phải là Tùng, đi tù bao nhiêu tôi cũng chịu!”.

Ngày 2-2 (mùng 6 Tết), tôi tìm đến nhà Thạch Thị Bé Trúc ở Long An để nghe thêm câu chuyện về nghi án oan mà Trúc là bị can trong vụ án tai nạn giao thông làm chết người ở Củ Chi, TP.HCM. Trúc là cô gái bị bắt tạm giam sai luật (bắt giam khi đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi) trong nghi án oan mà báo Pháp Luật TP.HCM từng có nhiều bài phản ánh. Sau đó, Trúc được cho tại ngoại ngay trước Tết.

Sum họp sau chín tháng tạm giam

Theo hồ sơ, tối đó Trúc chạy xe máy chở theo cô bạn tên Nguyễn Thị Ngọc, khi đến giao lộ tại xã Tân Thông Hội, Củ Chi thì bị va chạm với ô tô. Tai nạn làm Ngọc tử vong sau đó. Trúc bị khởi tố và bắt giam hơn chín tháng về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Ngày 23-1-2017, Trúc được cho tại ngoại nhưng bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Khi tôi đến thăm Trúc, hai đứa trẻ con Trúc cứ quấn quýt lấy mẹ, bảo thế nào cũng không chịu rời mẹ ra một phút. Có lẽ chúng sợ mẹ nó sẽ bị bắt đi như lần trước.

Trúc kể: “Bữa ra khỏi trại tạm giam em mừng quá, đang đi lang thang chưa biết phải làm sao thì gặp được bác xe ôm. Em mượn điện thoại gọi cho người nhà báo tin rồi nhờ bác ấy chở về luôn. Về tới nhà, thấy hai con đang ngủ, em đánh thức chúng nó dậy. Vừa thấy em, hai đứa nhào tới ôm riết. Cứ thế, ba mẹ con khóc ngất…”.

Trúc chia sẻ đêm nằm ôm con mà vẫn còn lo sợ bị bắt trở lại. Trúc nói dẫu thế nào, cái Tết vừa qua Trúc thấy rất hạnh phúc bởi được ở bên hai con là mong ước lớn nhất của Trúc trong suốt thời gian Trúc bị tạm giam. “Nhưng quan trọng hơn, em muốn vụ án này phải được làm sáng tỏ” - Trúc nói.

thach thi be truc ke chuyen nghi an oan
Thạch Thị Bé Trúc được cho tại ngoại, về với hai con và gia đình trước Tết Nguyên đán. Ảnh: LỆ TRINH

Bị bắt khi đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi

Nhớ lại vụ tai nạn, Trúc kể tối đó Ngọc bị đau bụng, nhờ Trúc chở đi mua thuốc. “Ô tô không mở đèn nên em đâu nhìn thấy, em chạy băng qua bên kia đường rồi bất ngờ ô tô ở đâu lao tới. Vậy mà khi ra tòa họ nói em khai em rẽ phải. Có chết em cũng phải cãi lại. Em không rành chữ, cán bộ cứ viết sẵn biểu em ký. Em không rành chữ chứ vẫn biết sống sao cho phải. Xe máy đó em mượn của nhỏ bạn. Sau tai nạn xe bị công an giữ, nhỏ bạn em không có xe đi làm. Vừa xuất viện, em đi hỏi tiền góp 10 triệu đồng trả cho nó mua xe khác đi làm. Đến giờ công an chưa trả xe máy cho em nhưng ô tô thì được trả rồi. Vậy mà cáo trạng cứ ghi là xe máy đã trả cho em, em thật không thể hiểu nổi!”.

Trước khi bị bắt, Trúc có bầu hơn ba tháng mà vẫn không hay biết. Đến khi đau bụng quá đi khám, bác sĩ nói có thai mà hư rồi. Buộc lòng Trúc phải bỏ thai, xong về vẫn bị đau bụng không đi làm nổi. Mẹ trúc kêu về Trà Vinh để mẹ lo cho. Trúc về Trà Vinh khám lại, bác sĩ báo sót thai, phải nằm lại đó mấy ngày.

Trúc kể trong thời gian đó thì kiểm sát viên gọi điện thoại cho chồng Trúc ở Long An (vì hai vợ chồng chỉ có một cái điện thoại). Người chồng vừa bắt máy nghe thì bị giật mất điện thoại, không biết kiểm sát viên gọi dặn dò gì. Trúc trở lại Long An, nghe chồng kể nên chạy xuống VKSND huyện Củ Chi trình diện thì bị bắt tạm giam dù lúc này Trúc vẫn đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

“Có làm có chịu”

Cáo trạng xác định người lái ô tô trong vụ tai nạn là Huỳnh Nhật Hoài chứ không phải người tên Tùng như Trúc khẳng định. “Em xin cán bộ cho em đối chất với Tùng để hỏi cho ra lẽ. Em phải hỏi tại sao anh Tùng lái xe đụng mà giờ anh Hoài nhận. Nếu không phải Tùng là tài xế, xử em bao nhiêu năm em cũng chịu!”.

Trúc kể hôm đó khoảng 11 giờ trưa thì cán bộ kêu Trúc ra gặp Tùng. “Vừa gặp em hỏi ngay: “Trước tóc anh dài hơn, hôm nay anh mới hớt đầu đinh nè. Bữa đó anh xỉn, mặc áo trắng, quần jean…”. Anh Tùng nói đêm đó có say thiệt nhưng anh ta chỉ nhậu ở gần đó thôi, khi Hoài gây tai nạn gọi điện thoại kêu thì anh chạy tới. Em nói: “Ủa, mình làm mình chịu chứ! Em đàn bà đây nè, ngày Ngọc mới chết, chính mẹ Ngọc đến kêu em nói dối là Ngọc lái xe vì bà lo em không có bằng lái. Nhưng em không nói dóc được, chính em chạy thì em phải nhận, em thấy bản thân mình cần phải có trách nhiệm với Ngọc nữa. Nếu tai nạn do lỗi của em làm Ngọc chết thì bị tù bao nhiêu em cũng chịu”.

Vẫn là lời của Trúc: “Rồi em hỏi tiếp: “Bữa em thấy anh trên xe muốn lui lại, định bỏ chạy hay tính cán cho Ngọc chết luôn?”. Tùng nói: “Đâu có, anh tính đưa em và Ngọc đi bệnh viện”. Em hỏi ngay: Vậy lúc đó Ngọc nằm ở đâu nhưng anh Tùng im lặng. Em hỏi tiếp: “Trong xe có ba người đều say xỉn hết, không ai chịu bước xuống. Người dân đến đập xe anh mới chịu bước xuống, đúng không?”. Anh Tùng không trả lời…”.

Trúc tâm sự: “Bị giam chín tháng trời, đêm nào em cũng khóc vì nhớ con. Có lần uất quá, em đập đầu vô tường để tự tử mà không chết được… Em cám ơn báo Pháp Luật TP.HCM và các anh chị báo khác đã đến thăm hỏi, động viên em. Em nằm mơ cũng không dám nghĩ mình được về đón Tết với con. Giờ em chỉ mong tìm được việc làm kiếm tiền nuôi con và vụ án này được phán xử trắng đen rõ ràng”.

Ai lái ô tô lúc gây tai nạn?

Theo cáo trạng của VKSND huyện Củ Chi, TP.HCM, lúc 22 giờ ngày 27-3-2015, Thạch Thị Bé Trúc (công nhân) chạy xe máy chở bạn là Nguyễn Thị Ngọc đi trên đường nông thôn số 9. Đến ngã tư, Trúc cho xe băng qua đường Trần Văn Chẩm, xe của Trúc va chạm với ô tô do ông Huỳnh Nhật Hoài điều khiển. Vụ tai nạn làm Ngọc tử vong tại bệnh viện do chấn thương sọ não.

Cáo trạng xác định: Hoài có phần lỗi phụ là điều khiển xe khi đến ngã tư không làm chủ tay lái; Trúc có lỗi chính điều khiển xe máy không có giấy phép lái xe, lưu thông từ đường nhánh ra đường chính không nhường quyền ưu tiên cho ô tô đang đi trên đường chính, vi phạm khoản 9 Điều 8 và khoản 3 Điều 24 Luật Giao thông đường bộ.

Tháng 3-2016, Trúc bị bắt tạm giam. Tháng 5-2016, TAND huyện Củ Chi mở phiên tòa sơ thẩm lần đầu nhưng trả hồ sơ, yêu cầu CQĐT trưng cầu giám định tốc độ của ô tô vào thời điểm xảy ra tai nạn, lấy lời khai của người làm chứng (trong cáo trạng không có người làm chứng - NV).

Tháng 9-2016, TAND huyện Củ Chi mở phiên xử lần hai và tiếp tục trả hồ sơ vì các yêu cầu của lần trả hồ sơ trước chưa được CQĐT và VKS đáp ứng. Đến phiên tòa sơ thẩm lần ba mới đây, CQĐT và VKS vẫn chưa trưng cầu giám định tốc độ ô tô, chưa lấy lời khai nhân chứng theo yêu cầu của tòa nên tòa lại trả hồ sơ. Lần này tòa có thêm một yêu cầu là CQĐT phải làm rõ người lái ô tô gây tai nạn có đúng là Huỳnh Nhật Hoài hay không (ngoài năm sinh 1979 thì cáo trạng không nêu thông tin nào khác về nhân thân ông này - NV); tại sao CQĐT không đo nồng độ cồn tài xế ô tô...?

Mới đây, CQĐT đã có kết luận điều tra bổ sung và giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố Trúc. Theo đó, CQĐT khẳng định hiện trường không có vết thắng nên không giám định được tốc độ ô tô. Tài xế là Hoài, không phải là Tùng. Sau tai nạn, Hoài đến công an xã trình báo sự việc rồi về. Ba ngày sau Hoài mới đến công an huyện trình báo nên không thể đo được nồng độ cồn.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.