Trận lũ kéo qua 3 ngày, đã có 15 người chết, 9 người mất tích, gần 100.000 ngôi nhà bị tàn phá, thiệt hại khó kể hết.
Những con số này sẽ không gợi nhiều ám ảnh nếu không có những bức ảnh chạm tới lương tri, như những cánh tay người kêu cứu từ những mái nhà, một con bò cố ghếch mũi lên trời để tìm sự sống trong vô vọng khi mà cả cơ thể đã bị nhấn chìm trong nước, hay hai chú gà con lẩy bẩy đứng trên chiếc dép tông trôi dật dờ giữa dòng nước ác…
Lâu nay, miền Trung được ví như khúc ruột nối liền Nam – Bắc, như chiếc đòn gánh trĩu nặng sứ mạng địa lý, lịch sử. Nay chiếc đòn gánh lại kẽo kẹt oằn cong vì những thảm họa thiên tai, nhân tai.
Cũng lâu nay, ngoài yếu tố địa hình dốc tự nhiên, những cơn lũ dữ ở miền Trung thường được gắn với hai nguyên nhân.
Một là tình trạng phá rừng đầu nguồn - điều mà cách đây hàng thập kỷ đã có một câu tổng kết trở thành giai thoại: “Về cơ bản, chúng ta đã phá xong rừng”.
Hai là nạn xả lũ ồ ạt của các đập thủy điện, hồ chứa nước - điều luôn được giải thích rất “đúng quy trình” rằng việc xả lũ rất… đúng quy trình, và bất khả kháng để bảo vệ sự an toàn cho các hồ, đập.
Lần này, với tốc độ xả lũ lên tới 1.800 m3/giây của thủy điện Hố Hô, hồ Bộc Nguyên, các hồ đập ở Đồng Hới, khiến nước lũ dâng với tốc độ nhanh như Thủy Tinh cướp vợ, lá bùa “quy trình” có vẻ như không còn đủ thuyết phục cho sự chịu đựng.
Thủy điện Hố Hô xả lũ (Ảnh: Tuổi trẻ) |
Chủ tịch huyện Hương Khê Lê Ngọc Huấn nổi giận.
Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh “không chấp nhận được”.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh lập tổ điều tra về hoạt động xã lũ tại Hố Hô.
Một luật sư có gốc gác miền Trung lên tiếng rằng ông đang cân nhắc khởi kiện công ty thủy điện có cái tên trêu ngươi này.
Nổi giận, không chấp nhận được, điều tra, khởi kiện. Đó là những phản ứng manh nha cho niềm tin rằng các thủy điện sẽ không thể dễ dàng xả nước và phó mặc những hậu quả khủng khiếp của nó với đời sống của hàng triệu con người.
Nếu thực sự rừng “về cơ bản đã phá xong”, thì điều đó không thay đổi được nữa. Nếu thực sự các thủy điện trên sông dốc là một sai lầm về chiến lược quy hoạch, thì điều đó cũng không thay đổi được nữa.
Điều có thể thay đổi, là tư duy và hành động của chúng ta đối với môi trường, và trách nhiệm với người dân, bao gồm cả việc khởi kiện dân sự và các hành động pháp lý khác để bảo vệ lợi ích cộng đồng.
Để không còn những thảm họa Formosa, những chiếc nút bấm xả lũ “đúng quy trình”, để khúc ruột miền Trung bớt quằn quại giữa những đoạn trường…