Thanh Hóa quy hoạch 4 trung tâm kinh tế động lực, 6 hành lang kinh tế

Theo quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Thanh Hóa sẽ có 4 trung tâm kinh tế động lực và 6 hành hang kinh tế.

Một góc tỉnh Thanh Hóa hiện nay. (Ảnh: Báo Xây dựng).

Tháng Hai vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo quy hoạch, dự kiến đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao.

Đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới. có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước; quốc phòng, an ninh đảm bảo vững chắc; giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội. 

Cùng với đó, Thanh Hóa định hướng quy hoạch 4 trung tâm kinh tế động lực,  Trung tâm động lực phía Bắc (Bỉm Sơn - Thạch Thành): Phát triển khu vực Bỉm Sơn, Thạch Thành trở thành trung tâm kinh tế động lực phía Bắc của tỉnh gắn với khu công nghiệp Bỉm Sơn.  đến năm 2030.

4 trung tâm kinh tế động lực bao gồm: Trung tâm động lực phía Nam (khu kinh tế Nghi Sơn) sẽ phát triển khu kinh tế Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm đô thị, công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước; một khu vực phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là công nghiệp nặng, công nghiệp cơ bản, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo, dịch vụ gắn với khai thác hiệu quả cảng biển Nghi Sơn.

Trung tâm động lực TP Thanh Hóa - Sầm Sơn sẽ phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực, chú trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao; phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển du lịch biển, du lịch văn hóa, đưa đô thị du lịch Sầm Sơn thành một trong những trọng điểm du lịch biển của cả nước.

Trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng) sẽ phát triển khu vực Lam Sơn - Sao Vàng trở thành vùng kinh tế động lực mới của tỉnh gắn với Cảng hàng không Thọ Xuân và khu công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hình thành đô thị Lam Sơn - Sao Vàng; phát triển du lịch di sản gắn với Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Lê Hoàn.

Trung tâm động lực phía Bắc (Bỉm Sơn - Thạch Thành) sẽ phát triển khu vực Bỉm Sơn, Thạch Thành trở thành trung tâm kinh tế động lực phía Bắc của tỉnh gắn với khu công nghiệp Bỉm Sơn.

6 hành lang kinh tế bao gồm hành lang kinh tế ven biển, đây là hành lang kết nối Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố ven biển phía Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình) và tỉnh Nghệ An qua tuyến đường bộ ven biển và quốc lộ 10.

Hành lang kinh tế Bắc Nam, đây là trục trung tâm của tỉnh theo hướng Bắc Nam, giữ vai trò liên kết chính giữa Thanh Hóa với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ, thông qua tuyến đường quốc lộ 1A và đường cao tốc Bắc Nam.

Hành lang kinh tế trung tâm, đây là trục trung tâm của cả tỉnh theo hướng Đông - Tây; giữ vai trò chủ đạo trong việc điều tiết các hoạt động kinh tế, đô thị và dịch vụ của cả tỉnh. Kết nối thành phố Sầm Sơn - thành phố Thanh Hóa - huyện Thọ Xuân thông qua Đại lộ Nam sông Mã, Đại lộ Lê Lợi, đường từ thành phố Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân.

Hành lang kinh tế quốc tế, đây là tuyến hành lang kết nối Cảng biển Nghi Sơn - Cảng hàng không Thọ Xuân với các tỉnh vùng Tây Bắc và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, thông qua tuyến đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi khu kinh tế Nghi Sơn, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 15, quốc lộ 217 và Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo.

Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh (Xa lộ nông nghiệp), đây là trục kết nối Thanh Hóa với Hà Nội, các tỉnh phía bắc và Nghệ An; đặc biệt là các huyện khu vực trung du và miền núi của tỉnh.

Hành lang kinh tế Đông Bắc, đây là tuyến hành lang kết nối Cảng Lạch Sung - Nga Sơn - Bỉm Sơn - Thạch Thành với các tỉnh phía Bắc thông qua quốc lộ 217B, quốc lộ 217 và đường Hồ Chí Minh.

chọn
Cận cảnh khu đô thị hơn 5.890 tỷ đang mời đầu tư ở Nam Đồng, Đông Anh
Hà Nội đang mời đầu tư dự án Xây dựng Khu đô thị mới G17 tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh với tổng chi phí thực hiện gần hơn 5.890 tỷ đồng.