Việt Nam vừa ghi nhận thêm 17 ca mắc Covid-19. Đây là công dân Việt Nam trở về nước trên chuyến bay VN0088 từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Ngay sau khi nhập cảnh, những người này được đưa về cách li tập trung tại kí túc xá sinh viên tỉnh Bạc Liêu.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho hay nước ta đã thành công trong việc khống chế dịch bệnh.
Tuy nhiên, theo chính sách bảo hộ công dân, chúng ta tiếp tục đón nhiều người Việt Nam trở về nước. Từ đó, tiếp tục phát hiện bệnh nhân dương tính trong số người nhập cảnh này là điều có thể xảy ra.
Về những trường hợp này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay: "Chúng ta phải khẳng định những bệnh nhân này dương tính từ khi còn ở nước ngoài. Khi nhập cảnh vào Việt Nam, họ đều được cách li ngay nên nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng là không có".
Đồng quan điểm, PGS Trần Đắc Phu đánh giá: "Không đáng ngại nếu Việt Nam tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc từ người nhập cảnh".
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cũng nhận định 10 ca phát hiện ở khu cách li không đáng sợ bằng 1-2 ca ngoài cộng đồng. Bởi số người ở khu cách li đã được kiểm soát ngay từ đầu. Các ca ngoài cộng đồng nguy hiểm bởi chúng ta rất khó xác định được nguồn lây, thời gian ủ bệnh, lây cho bao nhiêu người.
Ông cũng cho rằng hiện nay tín hiệu đáng mừng là nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng của nước ta vẫn có nhưng không còn quá nguy hiểm như một số quốc gia khác.
Đối với các nước ở Bắc bán cầu có thời tiết ôn đới, bác sĩ Khanh đánh giá đến khoảng tháng 6, tháng 7 khi nền nhiệt cao hơn cùng với khả năng chống dịch nội tại, tình hình dịch và khả năng chống chế virus có thể ổn định hơn.
Hiện nay tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đã có nhiều dấu hiệu tích cực, 3 tuần không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, ThS.BSCKII Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) khẳng định: "Người dân không nên có tâm lý chủ quan khi cho rằng dịch bệnh đang được đẩy lùi và không ảnh hưởng đến mình".
Sau thời gian dừng giãn cách xã hội, nhiều người dân bắt đầu tụ tập đông người, không mang khẩu trang khi ra đường.
“Nếu như nói hiện nay chúng ta không có nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng thì không đúng. Nhưng khẳng định là có nguy cơ thì lại chưa có bằng chứng, số liệu rõ ràng. Theo dõi từ đầu mùa dịch đến nay và tình hình dịch bệnh trên thế giới, rõ ràng, thời điểm này chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều mối nguy cơ có thể làm bùng phát dịch bệnh”, bác sĩ Nam nói.
Ngoài những ca bệnh từ người nhập cảnh, bác sĩ Nam khuyến cáo virus SARS-CoV-2 đang có nhiều biểu hiện bất thường. Đây là một loại virus mới, chúng ta vẫn chưa có những kiến thức rõ ràng về chúng.
Giới chuyên môn cũng đang trong quá trình phân tích để tìm hiểu rõ hơn về virus này. Đối mặt với một “kẻ thù” quá mới và chưa hiểu rõ là thách thức lớn trong việc phòng ngừa, ngăn chặn triệt để.
“Các ổ dịch trên thế giới cũng đã ghi nhận nhiều dấu hiệu bất thường của SARS-CoV-2. Theo thời gian, chúng càng bộc lộ nhiều vấn đề mà chúng ta chưa hiểu được hết, chẳng hạn như gây ra nhiều biểu hiện tổn thương khác ngoài phổi, thời gian ủ bệnh khác thường”, bác sĩ Nam chia sẻ.
Một yếu tố khác cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong nước chính là những ổ dịch chưa được báo cáo từ các nước láng giềng. Trong khi đó, Việt Nam lại có chung đường biên giới dài với các nước lân cận.
"Nếu chúng ta không duy trì tinh thần cảnh giác, dễ dàng chủ quan, những ổ dịch nhỏ lẻ có thể bùng phát trong cộng đồng. Lúc này, lần theo dấu vết của các đối tượng nghi ngờ cũng là vấn đề khó khăn cho ngành y tế", bác sĩ Nguyễn Trần Nam khẳng định.
"Chúng ta cần xác định sống chung với virus SARS-CoV-2 và sống an toàn với chúng trong thời gian chờ vaccine. Tuy nhiên, tâm lý chủ quan khi cho rằng mùa dịch đã qua là không nên, bằng chứng là số lượng bệnh nhân mắc mới tại thế giới vẫn đang tăng. Dịch bệnh ở nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp”, bác sĩ Nam nói.
Do đó, chuyên gia này cho rằng Việt Nam phải tiếp tục làm tốt việc cách li những công dân từ nước ngoài trở về. Khi ngừng giãn cách xã hội và mở cửa nhiều hơn, chúng ta cũng phải tiếp tục ngăn chặn những ca nhập cảnh, người về từ biên giới để ngăn dịch bùng phát rộng.
“Dù đến bất cứ đâu, làm gì và tiếp xúc với người khác, việc phòng hộ cá nhân, tránh tụ tập đông người, đeo khẩu trang, rửa tay là luôn luôn cần thiết”, bác sĩ Nam khuyến cáo.
Thị trường 00:14 | 21/09/2021
Kinh doanh 23:48 | 23/07/2021
Kinh doanh 20:07 | 18/07/2021
Kinh doanh 18:43 | 18/07/2021
Quy hoạch 22:32 | 18/05/2021
Đấu giá - Đấu thầu 20:31 | 18/05/2021
Kinh doanh 15:26 | 18/05/2021
Kinh doanh 15:13 | 18/05/2021