Công nhân thi công đường hầm metro nối ga Ba Son và ga Nhà hát TP. |
Đại công trường trong lòng đất
Suốt 5 tháng qua, dưới lòng đất Sài Gòn, một cỗ máy khổng lồ nặng 300 tấn lần lượt đào hầm xuyên qua đường Tôn Đức Thắng, Ngô Văn Năm, Nguyễn Siêu, Hai Bà Trưng, đi giữa Nhà hát thành phố và khách sạn Caravelle, băng qua đường Đồng Khởi đến ga Nhà hát thành phố. Phía trên, dòng xe cộ vẫn lưu thông bình thường, không cảm nhận được rung chấn hay tiếng ồn.
Cỗ máy khổng lồ trên chính là thiết bị đào hầm TBM (robot TBM) được liên danh nhà thầu Shimizu-Meada (Nhật Bản) dùng để thi công đoạn ngầm từ ga Ba Son đến ga Nhà hát thành phố nằm trong gói thầu số 1b (thuộc dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên). Gói thầu trị giá hơn 5.000 tỉ đồng và hoàn thành sau 54 tháng thi công.
Robot TBM gồm một đầu khoan có đường kính 6,8 m kéo theo một dàn máy thiết bị dài 70 mét, trọng lượng khoảng 300 tấn. Robot TBM được sản xuất tại Nhật Bản, đến tháng 2.2017 được đưa về nhà ga Ba Son.
Các kỹ sư và công nhân đã mất gần 3 tháng để lắp đặt robot TBM và ngày 26.5.2017 bắt đầu mũi khoan đầu tiên vào lòng đất, xây dựng tuyến metro ngầm từ nhà ga Ba Son về nhà ga Nhà hát thành phố.
Ông Phan Hữu Duy Quốc - Giám đốc Bộ phận phát triển kinh doanh tập đoàn Shimizu, cho biết, trước khi tiến hành khoan hầm, nhà thầu đã tìm hiểu và khảo sát rất kỹ địa chất khu vực đào hầm nên đảm bảo robot trong quá trình hoạt động sẽ không bị chướng ngại vật.
Do hoạt động trong lòng đất nên robot TBM không bị ảnh hưởng bởi thời tiết bên ngoài. Đồng thời, robot TBM hoạt động sâu và có khoảng cách an toàn với hành lang bảo vệ công trình phía trên nên ít gây rung chấn, bụi và tiếng ồn.
Khi đào hầm, tùy điều kiện địa chất robot TBM sẽ được gắn mũi khoan thích hợp. Các loại đất, đá trong quá trình khoan sẽ được xoay nhuyễn và đưa ra ngoài bằng một hệ thống ống khép kín. Do vậy, trong đường hầm khổng lồ này luôn sạch sẽ, không bụi bặm, không mùi.
Cứ 1,2m hầm được khoan, công nhân sẽ điều khiển “cánh tay” robot TBM lắp 6 tấm bê tông làm vách hầm đường kính 6,8m - nghĩa là hoàn thiện ngay đường hầm. Tất cả được lập trình chính xác tuyệt đối đến từng milimet, đáp ứng chuẩn thông số kỹ thuật để đường hầm khi đi vào vận hành không bị thấm nước, chịu được áp lực va đập.
Việc thi công đường hầm từ ga Ba Son - ga Nhà hát thành phố được công nhân làm việc liên tục 24/24 giờ. Các kỹ sư, công nhân được chia thành 3 ca, mỗi ca làm việc 8 giờ. Số lượng lao động dao động từ 10-20 người/ca.
Phần lớn công việc đều tự động nên nhân công ít, chủ yếu để vận hành. Không khí được bơm xuống hầm bằng một đường ống lớn giúp công nhân làm việc dưới hầm dễ thở. “Ống thông khí này cùng với hệ thống quạt thông gió bố trí đều khắp đường hầm khiến nhiệt độ, áp suất trong hầm không khác mấy với trên mặt đất” – một kỹ sư công trường - nói.
Theo thiết kế, ga Nhà hát thành phố dài 190m, nằm sâu dưới lòng đất 27m, còn ga Ba Son dài 240m và sâu 17m. Ga Ba Son kết nối với ga Nhà hát TP bằng 2 ống ngầm.
Trong đó, đoạn trong trung tâm thành phố thì 2 ống ngầm sẽ chạy dưới đường Nguyễn Siêu và được thiết kế kiểu ống trên, ống dưới nên hạn chế ảnh hưởng đến hạ tầng kỹ thuật và tòa nhà bên trên. Khi về gần ga Ba Son 2 ống ngầm sẽ chạy lên cao dần song song với nhau.
5 tháng thi công được 781m hầm dưới lòng đất
Sau hơn 5 tháng thi công liên tục, ngày 31.10, Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM cùng Liên danh nhà thầu Shimizu – Maeda tổ chức lễ đón máy khoan hầm TBM về ga Nhà hát thành phố - hoàn tất công tác khoan hầm phía Đông của đoạn ngầm Ba Son.
Theo ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM, qua hơn 5 tháng thi công, robot TBM đã khoan hoàn tất 781 m, lắp ghép 3.900 tấm vỏ hầm của tuyến hầm phía Đông.
Theo kế hoạch, robot TBM sẽ được tháo rời tại ga Nhà hát thành phố và đưa về ga Ba Son lắp ráp lại trong thời gian 3 tháng. Sau đó, robot này tiếp tục vào khoan đường hầm thứ 2 phía Tây về ga Nhà hát TP và dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2018. Với hai đường hầm metro này, mỗi đường hầm sẽ cho một chiều metro đi và một chiều vào trung tâm TP.
Ông Akito Takahashi - Phó đại diện Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết đây là lần đầu tiên công nghệ khiên đào tiên tiến của Nhật Bản sử dụng máy khoan ngầm TBM được ứng dụng trong thi công công trình đô thị ở Việt Nam, giúp giảm thiểu ảnh hưởng đến giao thông và đời sống sinh hoạt của người dân.
“Cùng với việc khởi công lắp đặt hệ thống đường ray trước đó, chúng tôi vui mừng nhận thấy các hạng mục của tuyến metro số 1 đang tiến triển tốt. Chúng tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam xem xét tới hoàn cảnh đặc thù của dự án và có các biện pháp hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề bổ sung kế hoạch vốn càng sớm càng tốt, giúp dự án có được khai thác vào cuối năm 2020” - ông Akito Takahashi nói.
Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nói rằng đây là một sự kiện hết sức ý nghĩa đối với tuyến metro số 1. Với sự nỗ lực của các chuyên gia Nhật Bản cũng như kỹ sư phía Việt Nam đã đưa một công trình ngầm đầu tiên của cả nước đến thành phố với tiến độ xuất sắc vượt kế hoạch một tháng.
“Trong thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn cũng như các thủ tục nhưng với sự hỗ trợ của các bộ ngành, Chính phủ cũng như phía Thành ủy, HĐND thành phố tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ đưa tuyến metro số 1 vào hoạt động vào cuối năm 2020” - ông Tuyến nói.
Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn đầu tư 2,49 tỉ USD (hơn 47.000 tỉ đồng) và khởi công tháng 8.2012. Tuyến metro này dài 19,7km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TPHCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó 2,6km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17,1km trên cao (11 nhà ga). Đến nay tổng khối lượng dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đã đạt khoảng 43% tiến độ và dự kiến hoàn thành vào năm 2020. |