Theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, hiện nay có nhiều nguồn vốn dành cho thị trường bất động sản nhưng thời gian gần đây dư luận đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng. Hiện các nguồn vốn này đang được kiểm soát để thị trường phát triển theo hướng lành mạnh chứ Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định không có chủ trương "siết" vốn vào bất động sản, nhất là các phân khúc nhà ở phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân.
"Trước động thái này, tốc độ tăng giá của thị trường bất động sản đã chậm lại nhưng có "hạ" hay không thì chưa thể khẳng định được. Tuy nhiên, thị trường cũng nên trở về mức giá hợp lý", Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhận xét.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Xây dựng đã ban hành kế hoạch thực hiện và thành lập Tổ công tác đi kiểm tra 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, trong đó có chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, cả nước đã hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; đang tiếp tục triển khai 339 dự án, quy mô xây dựng khoảng 372.000 căn, với tổng diện tích khoảng 18.600.000 m2.
Trong số đó, nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đến nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 122 dự án với quy mô xây dựng khoảng 54.400 căn hộ có tổng diện tích 2.721.500 m2.
Hiện có 116 dự án đang tiếp tục triển khai với quy mô xây dựng khoảng 152.160 căn hộ, tổng diện tích 7.608.000 m2.
Nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị hiện đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 153 dự án với quy mô 92.490 căn hộ có tổng diện tích khoảng 4.624.000 m2. Hiện có 223 dự án đang tiếp tục triển khai với quy mô xây dựng khoảng 219.300 căn hộ có tổng diện tích khoảng 10.967.000 m2.
Như vậy, tính từ đầu năm 2022 đến nay, tổng số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã khởi công là 11 dự án với tổng số 25.675 căn có tổng diện tích xây dựng khoảng 1.282.850 m2 tại nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ cũng đang được các địa phương đẩy nhanh tốc độ thực hiện kiểm định, kế hoạch cải tạo...; trong đó, ưu tiên triển khai các khu chung cư nguy hiểm, thuộc diện phải phá dỡ. Điển hình như Hà Nội đã thực hiện kiểm định được 401/1.579 nhà chung cư; trong đó có 8 nhà chung cư nguy hiểm. Cùng với 2 dự án đã hoàn thành năm 2020 thì hiện có 2 dự án đang triển khai và 4 dự án chưa lựa chọn chủ đầu tư.
Quang cảng buổi họp báo. (Ảnh: TTXVN).
TP HCM cũng đã thực hiện kiểm định được 474 nhà chung cư (573 lô) được xây dựng trước năm 1975; trong đó có 14 chung cư cấp D, đã cải tạo, sửa chữa 199 chung cư với tổng mức đầu tư 275 tỷ đồng.
Liên quan đến điều hành, quản lý thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1767 ngày 21/12/2021 về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và báo cáo Thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội tại Văn bản số 591 ngày 8/3 về tác động của kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cao bất thường đến thị trường bất động sản, kiến nghị một số giải pháp liên quan đến việc sửa đổi chính sách, pháp luật về đấu giá và tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương.
Cùng đó, Bộ Xây dựng đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước để đánh giá cụ thể tình hình, diễn biến dòng vốn vào thị trường bất động sản, đề xuất giải pháp xử lý phù hợp.
Bộ đã có Báo cáo số 48 ngày 13/5 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đánh giá toàn diện thị trường bất động sản năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, dự báo tình hình và đề xuất các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững...
Tại cuộc họp, Bộ Xây dựng đã làm rõ một số nội dung được quan tâm như việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đề xuất thời hạn chung cư...
Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, giữa thị trường vốn và thị trường trái phiếu có liên hệ mật thiết với nhau và quan hệ khăng khít với thị trường bất động sản. Khi điều chỉnh thị trường trái phiếu và vốn thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản.
Thời gian qua, khi thị trường trái phiếu nóng thì bất động sản cũng nóng theo, dẫn đến sự phát triển bất bình thường, thiếu sự ổn định. Do đó, cần điều chỉnh việc phát hành trái phiếu theo hướng sửa Nghị định số 153/2020 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để việc phát hành đúng mục đích, quản lý có hiệu quả. Việc kiểm soát dòng vốn cần ưu tiên cho các dự án có tính khả thi cao, cung cấp nguồn cung ra thị trường nhanh, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp.
Bộ Xây dựng đề xuất, tăng cung cho thị trường, tăng cường công khai minh bạch thông tin, nhất là về dự án, quy hoạch, nguồn hàng, tránh hiện tượng câu kết tăng giá; tăng nguồn vốn đầu tư - ông Khởi cho hay.
Một trong những nội dung được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm là đề xuất của Bộ Xây dựng bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong nội dung chính sách về sở hữu nhà ở thay cho quy định thời hạn sở hữu lâu dài như hiện nay.
Liên quan đến nội dung này, ông Khởi chia sẻ, phương án một là bổ sung quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng. Phương án hai là thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng đất xây dựng nhà chung cư theo quy định của pháp luật đất đai.
Đề xuất này dựa trên nhiều cơ sở, cả về yêu cầu trong quản lý, sử dụng nhà chung cư vì có liên quan đến tài sản và tính mạng của nhiều người. Cùng đó là căn cứ vào thực tế các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Khởi, nội dung này sẽ phải đồng bộ với hệ thống quy định và luật liên quan. Theo quy trình xây dựng luật, đây cũng mới chỉ là trình chủ trương, đề xuất chính sách để Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật.
Trong quá trình xây dựng luật, cơ quan chức năng còn phải nghiên cứu, lấy ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng điều chỉnh mà cụ thể ở đây là người dân. Trong hướng xử lý khi nêu vấn đề này, Bộ Xây dựng cũng đưa đề xuất xử lý từng phương án cụ thể.