Một cửa hàng bán đồ xách tay trên phố Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội). |
Số lượng khổng lồ các loại thực phẩm, mỹ phẩm, chất kích thích - những mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người - chưa qua kiểm định được bán ồ ạt mỗi ngày, vậy: “Các cơ quan hữu trách đang ở đâu?”.
LTS: Với tâm lý “sính” ngoại, cùng quan niệm của một bộ phận không nhỏ người dân cho rằng, chỉ những sản phẩm được mang trực tiếp từ nước ngoài về mới là hàng chuẩn, hàng “xịn”, đã từ lâu kích thích thị trường hàng xách tay tại Việt Nam không ngừng phát triển.
Chưa kể đến việc ngân sách nhà nước bị hao hụt vì hàng xách tay phần lớn “đi tắt” để trốn thuế, chỉ tính riêng số lượng khổng lồ các loại thực phẩm, mỹ phẩm, chất kích thích - là những mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người - chưa qua kiểm định được bán ồ ạt ra thị trường mỗi ngày, liệu đã đủ bức thiết để đặt câu hỏi: “Các cơ quan hữu trách đang ở đâu?”.
Kỳ 1: Có gì ở “thiên đường” hàng xách tay phố Nguyễn Sơn?
Hình thành và tồn tại từ gần 20 năm nay, dù internet đang cung cấp cho người dùng nhiều giải pháp mua sắm, nhưng có một thực tế ít nghi ngờ, đó là cho đến thời điểm hiện tại, phố Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội) vẫn giữ ngôi vương trong lòng các “tín đồ” hàng ngoại bởi tính lịch sử, giá cả cũng như sự đa dạng các chủng loại hàng hóa.
Và trên con phố còn được gọi là phố hàng xách tay này, có một con ngõ nhỏ mà không nhỏ, ngõ 158...
Bên trong một cửa hàng bán đồ xách tay trên phố Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội). |
Khoảng lặng trước bão
Phố Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội) những ngày này, lượng khách đến xem hàng có phần giảm sút. Trên con ngõ 158 cắt vuông góc phố Nguyễn Sơn - nơi từ lâu được coi là “thủ phủ” của hàng xách tay với hệ thống san sát hàng chục cửa hàng thời trang, mỹ phẩm, tạp hóa… cũng lâm cảnh chợ chiều tương tự.
Và có lẽ, đại diện cho tình cảnh ảm đạm này không gì trực quan hơn quán càphê T.N của một phụ nữ trẻ tên P.
P. năm nay 30 tuổi, hai tháng trước dứt con thơ, cô quyết định mở một tiệm hàng ngay trên mặt ngõ 158 Nguyễn Sơn với niềm tin mãnh liệt rằng, chỉ cần cung cấp dịch vụ đồ uống cho lượng khách đông đảo đến mua sắm tại đây như mọi khi, cô sẽ đủ sống.
Thế nhưng, trong nhiều ngày lê la tại quán để tìm tư liệu cho loạt bài viết này, chúng tôi phần lớn chỉ thấy những cảnh ái ngại.
P. than thở: “Bây giờ người ta có thể mua trên mạng nên cũng không nhất thiết phải đến đây nữa. Các cửa hàng tại đây giờ cũng chủ yếu đổ buôn đi tỉnh. Một đơn hàng (đi tỉnh) hơn tỉ. Bán buôn hơn tỉ thì cần gì bán lẻ đâu…”.
Rồi mắt cô nhìn xa xăm, kể về thời hoàng kim cách đây chưa lâu, khi tứ bề khách khứa tấp nập. Đặc biệt dịp lễ tết, khách thập phương chen nhau như nêm cối. Cả con ngõ râm ran tiếng chào hàng trả giá, toàn người lẫn người, đến đường còn chẳng có mà đi…
Tuy nhiên ở một góc nhìn khác, chị Vân - cựu chủ nhân một cửa hàng xách tay trên phố Nguyễn Sơn - lại không hề lo lắng mà đánh giá sự ảm đạm chỉ là chu kỳ thông thường năm nào cũng diễn ra.
Gần 10 năm trong nghề và 4 năm “bám” đất Nguyễn Sơn, chị Vân gọi quãng thời gian này là “khoảng lặng trước cơn bão”. “Khách hàng trực tiếp thì có thể giảm, nhưng tổng hàng bán ra chẳng xê dịch là bao bởi nhắc đến hàng xách tay, người dùng hoặc các mối buôn ở tỉnh vẫn khắc cốt ghi tâm tên phố Nguyễn Sơn” - chị khẳng định.
Một góc “thiên đường” hàng xách tay Nguyễn Sơn. |
Rồi người phụ nữ này giải thích: “Thời điểm này, các đầu nậu đang rục rịch vốn liếng, chuẩn bị đánh các mẻ hàng lớn nhằm phục vụ nhu cầu tăng vọt dịp Tết. Từ giờ đến cuối năm, lực lượng chức năng cũng sẽ ra quân gắt gao nên vẻ im ắng này chỉ là bề nổi giả tạo.
Chưa kể gần đây cạnh tranh tăng cao, liên tục là các trường hợp nhà này “xì” nhà kia bán hàng giả, hàng lậu để liên ngành vào bắt phạt nên giải pháp chung được lựa chọn lúc này là nằm im vài bữa để ồ ạt bung hàng vào dịp Tết”…
Ri rỉ rì ri, cái gì cũng có
Không phải đến khi nhận nhiệm vụ thực thi tuyến đề tài này, chúng tôi mới để tâm đến phố Nguyễn Sơn và những biệt danh nức tiếng của nó. Do quanh khu phố còn tập trung nhiều các cơ quan thuộc ngành hàng không nên con phố này ngoài tên gọi quen thuộc là phố hàng xách tay, còn có tên khác là phố hàng không.
Ở nơi này, đặc biệt tập trung trong con ngõ 158 là dày đặc các cửa hàng có cách bài trí và quy mô như những siêu thị mini, diện tích mặt sàn có cái lên tới hàng trăm mét vuông, bày bán đủ chủng loại như: Mỹ phẩm, sữa tắm, socola, quần áo, bàn chải đánh răng, đũa, nồi, xoong chảo, bia, rượu ngoại, thuốc lá, kính mắt, dao, đũa…
Do được tiếng là hàng xách tay, nên giá thành các mặt hàng đều không rẻ nếu so với hàng phổ thông nhưng lại mềm hơn so với hàng nhập khẩu chính ngạch. Đặc biệt, các sản phẩm như nước hoa, thuốc lá, rượu… vốn bị đánh thuế cao lại nhiều hàng giả nên trong vỏ bọc hàng xách tay vẫn luôn được săn đón dù giá bán nhiều khi chỉ thấp hơn một chút so với thị trường.
Theo chia sẻ của những người có kinh nghiệm, từ nhiều năm trước, khởi nguồn từ chất lượng cuộc sống của người dân thủ đô được cải thiện kéo theo nhu cầu dùng hàng “xịn” tăng cao, những gia đình có người thân làm trong ngành hàng không đã nhanh nhạy tận dụng triệt để lợi thế này để “xách” các mặt hàng nước ngoài về bán tại thị trường trong nước kiếm lời. Ban đầu, việc mua hàng thường chỉ giới hạn quanh các cửa hàng miễn thuế nội khu vực sân bay nước bạn rồi sau đó dần mở rộng ra cả bên ngoài.
Theo quy định, mỗi nhân viên hàng không được mang khoảng 30kg hành lý và một vali nhỏ. Nếu tận dụng triệt để quyền lợi này, tiếp viên hoặc phi công có thể xách về cho người nhà đến 40-50kg hàng hóa/chuyến bay mà không bị tính thuế.
Tuy nhiên, tiếp viên vẫn có thể mang nhiều hơn bằng cách gửi bạn bè hoặc “đi đêm” với một số nhân viên của ngành chức năng khác để tăng được số lượng hàng mang về sau đó ăn chia. Do lợi thế về mặt địa lý, phố hàng xách tay Nguyễn Sơn từ đó được hình thành và tồn tại đến tận bây giờ.
Những chai rượu ngoại không tem kiểm định, nhập khẩu... được bày bán công khai. |
Không chỉ lãi cao nhờ hàng “né” thuế, để tăng lợi nhuận, các chủ hàng thường chờ cơ hội mua hàng khuyến mãi, các đợt giảm giá, kích cầu tiêu dùng lớn tại nước ngoài để tranh thủ “ôm” hàng về nước bán lẻ.
Đấy là chưa kể, đối với những mối hàng nhập số lượng lớn của các đại lý nước ngoài, các mối này cũng được chiết khấu cao (từ 20-30%) và đưa ra thêm dịch vụ hậu mãi như tặng hàng, free ship… nên lợi nhuận lại càng chồng chất.
Do vậy, hình thức kinh doanh đồ xách tay “một vốn, bốn lời” ngày càng thu hút đông đảo người tham gia kể cả cánh nhân viên công sở hoặc các bà mẹ “bỉm sữa”.
Tưởng vậy mà không vậy
Sau nhiều nỗ lực thuyết phục, cuối cùng chị Vân - người từng có 4 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng xách tay - cũng đồng ý chia sẻ với nhóm PV Báo Lao Động những chuyện “thâm cung bí sử” mà chỉ những người lăn lộn đủ lâu mới có thể tận tường.
Để giúp chúng tôi dễ hiểu, chị hệ thống: Hàng hóa xách tay về Việt Nam từ thượng vàng đến hạ cám rất đa dạng nhưng nhiều nhất vẫn là nhóm hàng may mặc, phụ kiện thời trang, mỹ phẩm, đồ dùng trẻ em và thực phẩm chức năng.
Top các quốc gia thường có hàng hóa được nhập về gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Hồng Kông…; hoặc các nước phương Tây như: Anh, Pháp, Đức, Ý, Mỹ…
Nói về cách các mặt hàng này về nước, chị Vân cho biết, phổ thông nhất và dễ dàng nhất vẫn là theo chân các nhân viên hàng không như đã đề cập. Ở phương pháp này, vai trò của đội ngũ tiếp viên, phi công thường đơn thuần chỉ là… cửu vạn, xách thuê hưởng công.
Cũng có trường hợp họ phải tự chạy đi chạy lại gom hàng nhưng không nhiều bởi phần lớn các chủ buôn đều đã có sẵn chân rết làm việc đó rồi mang ra sân bay. Việc của tiếp viên chỉ là “xách” về.
Khi hàng đã về an toàn, nguyên tắc ăn chia được thực hiện theo hướng hàng có giá trị càng cao, thương hiệu càng xịn thì tiếp viên sẽ được hưởng càng nhiều. Ví dụ, với một lọ nước hoa khi mang về đến nơi có giá khoảng 2 triệu đồng, tiếp viên được chia khoảng 200-300 nghìn đồng.
Đối với một số mặt hàng có giá trị thấp, tiền trả cho tiếp viên tính theo số lượng kilôgam hàng hóa mang về.
“Một thỏi son gió mang từ Tokyo về Hà Nội, có mác Nhật là hàng xách tay thì giá gấp rưỡi. Một vali nhỏ của tiếp viên có thể chứa tới vài hộp, mỗi hộp vài chục thỏi. Chai Chivas, chai John Label, đủ loại rượu mạnh trên thế giới, rồi xì gà Cohiba Cuba… cứ mang ra khỏi cửa ga T2 Nội Bài là lời vài chục đôla…
Thu nhập đã cao rồi nhưng vẫn có thể kiếm thêm mỗi tháng mấy chục triệu nữa thì tội gì chối từ?…” - chị phân tích.
Những tưởng mớ thông tin vừa được cung cấp sẽ giúp chúng tôi tiến gần hơn nữa đích đến muốn tìm hiểu, nhưng mọi việc hóa ra lại không hề đơn giản đến như vậy. Trong nỗ lực khám phá những góc tăm tối nhất của thế giới buôn bán hàng xách tay đầy cám dỗ, nhóm PV Báo Lao Động đã liên tục trải qua những cung bậc bất ngờ.
Thời thế đã thay đổi. Trăm mưu ngàn kế cũng đã hình thành. Những gì người ta vẫn biết về lĩnh vực này giờ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khổng lồ…
(Còn tiếp)
* Tên người cấp tin đã được thay đổi.
Rất nhiều thể loại mỹ phẩm 'ngoại nhập' hay 'xách tay' đi ra từ xưởng sản xuất kinh hoàng như thế này!
Nhìn những hình ảnh kinh hoàng trong xưởng sản xuất mỹ phẩm nhái dưới đây, có lẽ nhiều người sẽ không dám tin tưởng hoàn ... |