Để đánh dấu đợt niêm yết trên sàn chứng khoán New York vào tháng 9 vừa qua, Nio – hãng xe điện Trung Quốc, đã căng một biểu ngữ đề: "Blue Sky Comming" (tạm dịch: Bầu trời xanh đang đến). Tuy nhiên kể từ đó đến nay, các nhà đầu tư đổ tiền vào Nio chỉ để chứng kiến những đám mây bão ngày càng ập đến nhiều hơn, với mức thua lỗ khổng lồ mỗi quý.
Từng là niềm hi vọng sáng chói cho các công ty khởi nghiệp xe điện Trung Quốc, giờ đây Nio đang đứng bên bờ vực phá sản, với những khoản lỗ chồng chất, tiền mặt bốc hơi và giá cổ phiếu lao dốc.
Tháng trước, tập đoàn này đã buộc phải huy động 200 triệu USD từ chính giám đốc điều hành William Li và từ Tencent, một trong những cổ đông lớn nhất của nó, để duy trì hoạt động.
Nio, đối thủ chính của Tesla tại thị trường xe điện Trung Quốc. (Ảnh: FT).
Nio vẫn cần nhiều tiền hơn nữa để quay vòng vốn và tồn tại – một nhóm các nhà phân tích cho biết.
Thảm họa Nio là một câu chuyện cảnh báo cho hàng chục "tay chơi" mới muốn chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trong ngành xe điện thế giới, cạnh tranh trực tiếp với hai gã khổng lồ là Volkswagen và Toyota.
"Bạn phải thực sự dũng cảm để dấn thân vào ngành xe điện", Herbert Diess, Giám đốc điều hành Volkswagen cho biết.
Trong vài năm qua, thị trường xe điện thế giới đã xuất hiện hàng chục công ty khởi nghiệp, bởi xe chạy bằng pin có lợi thế là giá thành rẻ, dễ dàng phát triển và sản xuất.
Thực tế, các xe chạy bằng pin thường dễ chế tạo, phát triển hơn so với hàng ngàn bộ phận chuyển động phức tạp trong động cơ đốt trong.
"Trước khi có Tesla, có một quy luật bất thành văn là bạn không thể khởi nghiệp một hãng xe mới mà thành công được. Bởi nó là điều không thể”.
_Peter Rawlinson, nhà sáng lập kiêm CEO của Lucid Motors_
Trung Quốc là thị trường chứng kiến mức "sinh sôi" lớn nhất, và nhanh nhất trong ngành startup xe điện. Các startup này được hỗ trợ bởi các khoản trợ cấp, với lãi suất khá thấp. Ngoài ra, các thị trường khác như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cũng được cho là mảnh đất hứa của các công ty khởi nghiệp xe điện.
Trước khi có Tesla, một quy luật bất thành văn là bạn không thể khởi nghiệp một hãng xe mới mà thành công được. Bởi nó là điều không thể", Peter Rawlinson, nhà sáng lập kiêm CEO của Lucid Motors, một startup xe điện của Mỹ, chia sẻ.
Mặc dù hiện tượng thành công của Tesla đã cổ vũ cho các công ty nhỏ khác tham gia sâu vào thị trường đầy tiềm năng này, nhưng theo Thời báo tài chính, xe điện hiện tại đang có sự cạnh tranh đầy khốc liệt với những điều kiện khó khăn hơn để mang về lợi nhuận trong một sớm một chiều.
Nhiều công ty khởi nghiệp đã không thể lường trước được các chi phí liên quan tới việc tạo ra các chuỗi cung ứng và bán lẻ có thể lên tới hàng tỉ USD.
"Có lẽ thách thức lớn nhất là khoản đầu tư quá lớn", Peter nói.
Các vấn đề của Nio ngày càng trở nên trầm trọng hơn, khi khoản bội chi quá lớn. Tháng 12 năm ngoái, trong một buổi tiệc có tên là Nio Day, công ty này đã bỏ ra một số tiền khổng lồ để thuê Bruno Mars, một ngôi sao đứng đầu bảng xếp hạng, về chiêu đãi khách hàng.
Một giám đốc điều hành cấp cao tại một công ty khởi nghiệp xe điện khác của Trung Quốc, cho biết Nio đã bị bội chi trong nhiều năm.
Thách thức lớn nhất với các công ty khởi nghiệp xe điện là khoản đầu tư quá lớn. (Ảnh: FT).
Ngoài chi phí cao, các công ty khởi nghiệp xe điện cũng phải vật lộn với bài toán khó khăn của quy mô sản xuất.
Đã có những thời điểm Tesla phải sản xuất ra những chiếc xe không có bộ phận máy tính và thậm chí là không có cả ghế ngồi, họ yêu cầu các đại lí phải lắp đặt chúng trước khi giao sản phẩm hoàn thiện cho khách hàng. Điều này một phần là do chuỗi cung ứng khó khăn của nó.
Các công ty khởi nghiệp mới cũng đánh giá thấp các vấn đề như xây dựng thương hiệu để cạnh tranh với những công ty thành lập đã nhiều năm, với một tập khách hàng trung thành.
Doanh số đáng thất vọng của Nio không phản ánh thất bại về mặt sản phẩm của nó, mà là nó không có khả năng thuyết phục người tiêu dùng cân nhắc lựa chọn một chiếc Nio thay vì chiếc Audi hay Tesla.
Những chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong vẫn là nguồn thu nhập duy nhất để các lão làng có đủ năng lực tiếp tục theo đuổi thị trường xe điện. (Ảnh: BMW).
Các hãng xe hơi lâu năm hiện đang có lợi thế từ việc kinh doanh những chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong, cho phép họ có thể bù lỗ từ khoản tiền bỏ ra để phát triển xe điện.
BMW đang tung ra các tùy chọn phiên bản xe lai trên hầu hết các mẫu xe mới của mình, như dòng X7 là đối thủ của Range Rover, dòng 8-Series đặc biệt, để bù đắp cho mức lợi nhuận mỏng manh từ việc kinh doanh các mẫu xe điện chạy có mức giá rẻ hơn.
"Chúng tôi cần phải dựa vào những mẫu xe này để bù lỗ cho những chiếc xe điện giá rẻ", ông Harald Krüger, Giám đốc điều hành của BMW cho biết vào đầu năm nay.
Tuy nhiên, bất chấp những thách thức và rủi ro, con số các công ty khởi nghiệp trong ngành xe điện vẫn tiếp tục tăng lên, sẵn sàng cho một cuộc chơi mạo hiểm.
"Chúng tôi hiểu rõ hành trình này cam go như thế nào. Chúng tôi đã ở đấy và thực hiện điều đó, nhiều cộng sự của tôi đã được trải nghiệm nó. Nhưng chúng tôi không hề ảo tưởng rằng đây là một cuộc đua marathon", Rawlinson tại Lucid Motors thừa nhận.