Thiếu mặt bằng, 7 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang chậm tiến độ

7 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đang chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra do thiếu mặt bằng, thiếu nguồn cung ứng vật liệu, thời tiết bất lợi...

Công trường thi công cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt những ngày cuối năm 2023. (Ảnh: Báo Giao thông).

Cập nhật tiến độ các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, về mặt bằng, diện tích mặt bằng đã bàn giao đến nay đạt 682,6/721,2km (94,6%); tổ chức thi công được trên phạm vi khoảng 656,9/721,2km (91,1%). 

Ngoài 3 khu tái định cư đã có sẵn, đến nay mới hoàn thành 76/147 khu, các địa phương đang lập dự án và triển khai thi công 71/147 khu tái định cư.

Mặc dù Bộ GTVT có nhiều Công điện, văn bản gửi UBND các tỉnh đề nghị đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư, tuy nhiên, việc triển khai vẫn chậm do chủ yếu là đất ở, ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của người dân, cần bố trí tái định cư trong khi các khu tái định cư chưa hoàn thành; các công trình hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là đường điện cao thế có thủ tục triển khai liên quan đến nhiều cơ quan nên mất nhiều thời gian.

7/12 dự án thành phần chậm tiến độ

Về tiến độ, sản lượng thực hiện của 12 dự án được khoảng 18.548/98.372 tỷ đồng, đạt 18,85% hợp đồng, chậm 3,89% so với kế hoạch. 

Trong đó, chỉ 5/12 dự án thành phần đáp ứng kế hoạch (gồm Vũng Áng-Bùng, Bùng-Vạn Ninh, Vạn Ninh-Cam Lộ, Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, Vân Phong-Nha Trang vượt trên 1,5% so với kế hoạch).

7 dự án thành phần còn lại chậm so với kế hoạch (gồm Bãi Vọt-Hàm Nghi chậm 1%; Hàm Nghi-Vũng Áng chậm 2%; Hoài Nhơn-Quy Nhơn chậm 1,2%; Quy Nhơn-Chí Thạnh chậm 1,5%; Chí Thạnh-Vân Phong chậm 6,3%; Cần Thơ-Hậu Giang chậm 12,76%; Hậu Giang-Cà Mau chậm 19,76%).

Hết năm 2023, tổng vốn đầu tư dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 đã giải ngân 41.637,92/47.856,07 tỷ đồng, đạt 87%.

Thiếu mặt bằng, thời tiết không thuận lợi, nguồn cung vật liệu còn bấp bênh...

Nguyên nhân chậm tiến độ các dự án cao tốc trên được Bộ GTVT xác định do các địa phương chưa thực hiện chuyển đổi rừng với các diện tích tăng thêm; công tác triển khai xây dựng các khu tái định cư chậm so với tiến độ đề ra; chưa di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật phức tạp (nhất là hệ thống điện cao thế).

Nhiều nhà thầu gặp khó khăn trong việc thỏa thuận với các chủ sở hữu đất khu vực mỏ về chi phí chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất; thiếu nguồn cát để thi công nền đường (công suất chưa đáp ứng đủ, thủ tục mở các mỏ cát mới chậm).

Để cùng địa phương tháo gỡ khó khăn này, Bộ GTVT đã yêu cầu các Ban Quản lý dự án chỉ đạo thầu lập, cập nhật tiến độ triển khai chi tiết, rút ngắn thời gian thực hiện để chủ động, có phương án, giải pháp quản lý, điều hành hiệu quả cho từng dự án, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ.

Một nguyên nhân khách quan phải kể đến là do khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ hiện đang là mùa mưa, do đó, Bộ GTVT đề nghị các đơn vị thi công triển khai các hạng mục không bị ảnh hưởng bởi thời tiết cần chuẩn bị kế hoạch triển khai ngay các công tác khác khi thời tiết thuận lợi.

Về vấn đề thanh toán, Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và nhà thầu phối hợp chặt chẽ trong quá trình hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, thanh toán đảm bảo không quá 10 ngày để đảm bảo dòng tiền cho các nhà thầu thi công; giám sát chặt chẽ biện pháp tổ chức thi công, đảm bảo an toàn lao động; kiên quyết xử lý các nhà thầu yếu kém, vi phạm tiến độ hợp đồng theo quy định…

Gần 2.000 kỹ sư, công nhân của các nhà thầu thi công dự án Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt thi công xuyên dịp nghỉ tết Dương lịch 2024. (Ảnh: Báo Giao thông).

2 tuyến cao tốc hoàn thành trong năm 2024

Đối với các dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đến nay, Bộ GTVT đã đưa 9 dự án thành phần với tổng chiều dài 526km thông xe đưa vào khai thác gồm: Cao Bồ-Mai Sơn (dài 15,2km) và Cam Lộ-La Sơn (98,3km) đã đưa vào khai thác năm 2022; Mai Sơn-Quốc lộ 45 (63,37km), Nha Trang-Cam Lâm (49,1km), Vĩnh Hảo-Phan Thiết (108,8km) và Phan Thiết-Dầu Giây (99km) đã đưa vào khai thác trong quý 2/2023; Quốc lộ 45-Nghi Sơn (43,28km); Nghi Sơn-Diễn Châu (50km) đã đưa vào khai thác 1/9/2023); Cầu Mỹ Thuận 2 (6,61km) đưa vào khai thác ngày 24/12/2023.

Trong đó, 7 dự án thông xe đưa vào khai thác trong năm 2023 sản lượng trung bình đạt 99,1% giá trị hợp đồng. 

Còn lại 2 dự án thành phần là Diễn Châu-Bãi Vọt và Cam Lâm-Vĩnh Hảo với tổng chiều dài là 128km đang tiếp tục triển khai thi công và sẽ hoàn thành trong năm 2024 này. 2 dự án này có sản lượng trung bình đạt 76% giá trị hợp đồng, chậm 3,5% so với kế hoạch xây dựng.

Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu tập trung triển khai thi công đảm bảo hoàn thành các hạng mục còn lại. Riêng các hạng mục mới bổ sung theo kiến nghị của địa phương tại Dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây phải hoàn thành trước ngày 30/6/2024.

Đồng thời, thực hiện hoàn trả các tuyến đường của địa phương sử dụng làm đường công vụ phục vụ thi công theo đúng cam kết với địa phương và quy định của hợp đồng; phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị bảo hiểm để giải quyết việc bồi thường các hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình thi công…

Các chủ đầu tư chủ động làm việc với Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng để hoàn tất thủ tục kiểm tra điều kiện hoàn thành công trình và hoàn thành các thủ tục bàn giao công trình cho đơn vị quản lý khai thác.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.