Tuần trước, Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ tổ chức một buổi hội thảo tại thành phố San Francisco. Tại đây, có khoảng 10,000 bác sĩ nhi khoa tham dự và thảo luận các vấn đề liên quan đến sức khỏe trẻ em. Thời lượng trẻ tiếp xúc, sử dụng các thiết bị điện tử thông minh là một trong những chủ đề nổi bật tại buổi hội thảo.
Mọi thiết bị điện tử thông minh đều nên hạn chế sử dụng với trẻ ở mọi độ tuổi. |
Theo đó, các chuyên gia, bác sĩ đưa ra hướng dẫn cụ thể về thời lượng trẻ được sử dụng các thiết bị này, theo từng độ tuổi. Tiến sĩ Yolanda Reid Chassiakos, tác giả của cuốn sách “Trẻ nhỏ và những thiết bị điện tử” khuyến nghị trẻ 2-5 tuổi, không nên xem ti vi, điện thoại thông minh, máy tính bảng quá 1 giờ một ngày. Với trẻ 6 tuổi và lớn hơn, bố mẹ có thể tự quy định thời gian xem cho con em mình và giám sát việc sử dụng đó.
Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi màn hình của các thiết bị điện tử. Trẻ dưới 18 tháng tuổi không nên tiếp xúc với bất cứ loại thiết bị nào.
Tuyệt đối không cho trẻ nhỏ dưới 18 tháng tuổi tiếp xúc với các thiết bị điện tử. |
Trẻ nhỏ dưới 18 tháng tuổi: Tuyệt đối không sử dụng thiết bị điện tử
Với những bố mẹ nuôi con nhỏ, việc “cai” sử dụng thiết bị điện tử dường như là nhiệm vụ bất khả thi. Thế nhưng đây là điều nên làm bởi những thiết bị này ảnh hưởng rất xấu đến sự phát triển não bộ của trẻ. Mặt khác nó cũng tác động tiêu cực đến mối quan hệ gắn kết giữa bố mẹ và con cái.
Tiến sĩ Chassiakos nói: “Âm thanh, hình ảnh từ màn hình của các thiết bị này kích thích trẻ. Cho dù trẻ không trực tiếp nhìn vào màn hình, ví dụ trong trường hợp mẹ vừa cho con bú vừa dùng điện thoại hoặc xem ti vi, thì trẻ vẫn bị ảnh hưởng. Nó sẽ gây nên rối loại giấc ngủ và cản trở quá trình phát triển của trẻ”.
Thời gian mẹ cho bé bú là thời gian quý giá, tăng sự gắn kết mẹ con. Khi này mẹ cần nhìn âu yếm bé và nói chuyện với bé. Nếu như người mẹ sử dụng các thiết bị điện tử mà bỏ qua thời gian gắn kết quý giá này, não bộ bé sẽ kém phát triển hơn.
Nếu bố mẹ cứ mải mê vào những thiết bị đó, trẻ sẽ cho rằng mình không được chú ý, quan tâm, ảnh hưởng đến sự phát triển hành vi bình thường sau này.
Cần nhớ “ti vi không phải là người giữ trẻ, nên nói chuyện hoặc đọc sách cho trẻ nghe, thay vì nhờ cậy vào những thiết bị vô tri đó”, tiến sĩ cho biết thêm.
Trẻ 2-5 tuổi chỉ được sử dụng các thiết bị này tối đa 1 giờ/ ngày. |
Trẻ 2-5 tuổi: Sử dụng 1 giờ/ ngày
Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đưa ra khuyến cáo: "bố mẹ nên ưu tiên thời gian vui chơi sáng tạo, chơi ngoài trời cho trẻ".Trẻ ở độ tuổi 2-5 tuổi có thể được phép tiếp xúc với các thiết bị điện tử, nhưng không quá 1 giờ/ ngày. Bố mẹ cũng cần giám sát và chọn lựa chương trình xem có ích cho trẻ. Không xem những chương trình vô nghĩa, bạo lực, kích thích trẻ.
Về việc xem phim hoạt hình, các chuyên gia cũng cho rằng không nên cho trẻ xem. Trẻ ở độ tuổi này chưa phát triển đầy đủ kỹ năng để hiểu được những hình ảnh trong phim hoạt hình. Có nghĩa là trẻ 2-5 tuổi chưa thể phân biệt được hình ảnh thật và hình ảnh hư cấu trong phim hoạt hình.
Thay vì phim hoạt hình, các chương trình tương tác được khuyến nghị như nói chuyện qua mạng xã hội hoặc công cụ nào đó. Trẻ có thể nói chuyện với người thân và phát triển khả năng giao tiếp qua đó.
Với trẻ trên 6 tuổi, bố mẹ tự quy định thời lượng xem ti vi, điện thoại, máy tính bảng cho con. |
Trẻ trên 6 tuổi
Với trẻ trên 6 tuổi, bố mẹ phải có trách nhiệm đưa ra giới hạn xem ti vi và các thiết bị điện tử. Thời lượng xem phụ thuộc vào từng gia đình. Nhưng trẻ cần ưu tiên thời gian học và chơi ngoài trời hơn so với thời gian ngồi dán mắt vào các thiết bị này.
Ở giai đoạn này, hoạt động trong ngày của trẻ bao gồm “thời gian ở trường, thời gian làm bài tập, thời gian tập thể thao (ít nhất một tiếng), thời gian giao lưu xã hội và thời gian ngủ”. Do đó bố mẹ cần dựa vào đó để đưa ra giới hạn xem các thiết bị điện tử thích hợp cho trẻ.
Các chuyên gia cũng đồng ý những thiết bị này không thể thay thế các hoạt động lành mạnh như ngủ, giao tiếp xã hội, tập thể thao. Tiến sĩ Jenny Radesky nói: “Điều quan trọng là bố mẹ phải giám sát trẻ, dạy trẻ cách sử dụng theo hướng lành mạnh, học mà chơi, chơi mà học”.
Trẻ có thể tiếp cận với hàng ngàn ứng dụng. kho phim ảnh, video game và các mạng xã hội bất cứ lúc nào.
Những thiết bị này có mặt lợi và hại. Bố mẹ phải nói chuyện với trẻ về những rủi ro và tác hại. Khi trẻ có định hướng và nhận thức rõ ràng, thì các thiết bị này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho trẻ hơn.