Thời trang H&M mở cửa hàng đầu tiên tại Đà Nẵng

H&M đang chuẩn bị khai trương cửa hàng đầu tiên tại Đà Nẵng vào ngày 28/11 tới. Đây là cửa hàng thứ 8 tại thị trường Việt Nam sau 2 năm từ khi khai trương điểm bán ở TP HCM.

H&M mở cửa hàng đầu tiên tại Đà Nẵng

HM DN

H&M mở cửa hàng đầu tiên tại Đà Nẵng ngày 28/11 tới, và là cửa hàng thứ 8 tại Việt Nam. (Ảnh: Vietnam Economic Times).

Theo thông tin từ H&M, thương hiệu thời trang nhanh nổi tiếng thế giới này sẽ khai trương cửa hàng đầu tiên của mình tại Đà Nẵng vào ngày 28/11, và đây cũng là cửa hàng thứ 8 trong hệ thống cửa hàng H&M tại Việt Nam.

Cửa hàng này tọa lạc tại Trung tâm thương mại Vincom Plaza Ngô Quyền, Đà Nẵng trên tổng diện tích khoảng 1.600 m2. Cũng như các cửa hàng H&M khác ở Hà Nội và TP HCM, tại đây khách hành cũng có thể tìm thấy đầy đủ các sản phẩm nổi tiếng của H&M, bao gồm: thời trang dành cho nam/nữ/trẻ em, giày, đồ lót, đồ bơi, phụ kiện dành cho mọi lứa tuổi, bên cạnh những dòng sản phẩm basics luôn được ưa chuộng của H&M.

Được biết, trong ngày khai trương 28/11, các khách hàng đầu tiên đến trải nghiệm mua sắm sẽ được nhận những gói quà tặng đặc biệt đến từ H&M nhue: bộ túi đeo phiên bản giới hạn, áo thun hay voucher trị giá từ 1-3 triệu đồng để mua sắm tại H&M.

Dự kiến cửa hàng sẽ mở cửa đón khách từ 10h30 sáng đến 10h tối, sau thời gian này H&M Đà Nẵng sẽ mở cửa từ 9h30 sáng đến 10h tối mỗi ngày.

Như vậy sau hai năm tiến vào thị trường Việt Nam, H&M đã có tất cả 8 cửa hàng tại 3 miền, trong đó có 4 cửa hàng tại TP HCM, 3 ở Hà Nội và 1 sắp khai trương tại Đà Nẵng. H&M cho biết, hãng kì vọng sẽ có một mức tăng trưởng doanh thu nhanh chóng sau mỗi cửa hàng được khai trương.

H&M đang làm ăn thế nào tại Việt Nam?

Cua_hang_thu_3_cua_HM_toa_lac_tai_Vincom_Thao_Dien_Q_2_TP_HCM

H&M Việt Nam được cho là có tốc độ mở điểm bán thuộc hàng nhanh nhất của H&M toàn cầu. (Ảnh: Vietnam Economic Times).

Theo số liệu của VIRAC, trong năm 2018, với việc liên tiếp mở các cửa hàng tại Việt Nam đã nâng doanh thu của H&M tại thị trường này tăng 653 tỉ đồng so với năm 2017, tức tăng gấp 4,3 lần đạt 1.800 tỉ đồng.

Sở hữu 7 cửa hàng tại TP HCM và Hà Nội, H&M Việt Nam được cho là có tốc độ mở điểm bán thuộc hàng nhanh nhất của H&M toàn cầu. Ông Fredrik Famm, Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á, từng chia sẻ: "Là một thị trường trẻ trung và phát triển không ngừng, Việt Nam đã mang đến những đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng chung của H&M tại khu vực Đông Nam Á".

Một khảo sát của Nielsen cho thấy, người Việt đứng thứ 3 thế giới về chuộng hàng hiệu, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi, nghiên cứu của Statistics Portal – một công ty nghiên cứu thị trường của Đức, dự báo tốc độ tăng trưởng hàng năm của thời trang Việt Nam giai đoạn 2017 - 2022 là 22,5%.

Đồng thời, theo Vinatex (Tập đoàn Dệt may Việt Nam), tổng nhu cầu nội địa của thị trường may mặc Việt Nam vào khoảng 40 triệu bộ quần áo/năm, với quy mô 4,5 tỉ USD, tức mỗi năm người Việt chi 100.000 tỉ đồng cho quần áo.

Do đó thị trường may mặc Việt Nam là miếng bánh màu mỡ mà các thương hiệu thời trang ngoại không thể bỏ qua. 

Năm 2016, Zara là thương hiệu thời trang nhanh đầu tiên khai phá thị trường Việt Nam. Một năm sau, H&M, Oldnavy cũng có mặt. Vào ngày 6/12 tới, thị trường thời trang Việt lại tiếp tục đón cửa hàng đầu tiên của thương hiệu Nhật Bản Uniqlo.

Tốc độ mở cửa hàng H&M tại Việt Nam ngược với toàn cầu

Tốc độ mở cửa hàng tại Việt Nam của H&M lại đang hoàn toàn trái ngược với thực trạng của doanh nghiệp này trên thế giới, trước sức ép ngày càng lớn đến từ loại hình mua sắm trực tuyến.

Theo thống kê, sau khi đóng cửa khoảng 140 cửa hàng bán lẻ vào năm 2018, H&M điều chỉnh lại kế hoạch mở cửa hàng trong năm 2019, từ 175 giảm xuống 130 cửa hàng trên toàn thế giới.

Để thay đổi tình thế, hãng này bắt đầu đầu tư vào thương mại điện tử, mời hàng loạt ngôi sao tên tuổi về làm đại diện, đẩy mạnh thực hiện các sản phẩm truyền thông hiện đại như TVC, viral clip, tài trợ MV…

Ngoài ra, H&M liên tiếp đưa ra các chương trình thu nhận quần áo cũ, đổi lấy mã giảm giá cho người dùng, để bắt kịp xu hướng thời trang bền vững. 

Hãng này còn tuyên bố sẽ hướng đến việc dùng vải và các chất liệu tái chế để sản xuất quần áo trong tương lai.

H&M thành lập công ty tại Việt Nam từ năm 2017 và hoạt động như một chi nhánh với đội ngũ quản lí, nhân sự riêng. Thương hiệu này đang làm việc với khoảng 30 nhà cung cấp với trên 40 nhà máy Việt Nam. Các nhà cung cấp ở Việt Nam cung ứng cho H&M sản phẩm chủ đạo như phụ kiện thời trang, giày dép, áo khoát, đồ len, dệt kim…

Hennes & Mauritz AB (H&M) thành lập vào năm 1947 tại Thụy Điển và được niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq Stockholm. Các cửa hàng đầu tiên được mở trên các đường phố của Thụy Điển vào năm 1947.

Bên cạnh H&M, Hennes & Mauritz AB còn sở hữu các thương hiệu khác như & Other Stories, Cheap Monday, COS, Monki, Weekday và H&M Home. Hiện công ty có hơn 4.300 cửa hiệu tại 68 quốc gia, bao gồm cả những thị trường nhượng quyền.

chọn
Đất Xanh: Gem Riverside đã xong pháp lý và sắp mở bán
Đại diện Đất Xanh cho biết dự án Gem Riverside đã cơ bản hoàn thiện pháp lý, doanh nghiệp có kế hoạch bán hàng từ quý III/2024.