Karaoke gánh phí 2.000 đồng/bài: Việc thu phí có đúng luật? | |
Quán karaoke lo đóng cửa nếu phải gánh phí 2.000 đồng một bài |
Nhiều ý kiến cho rằng, việc thu phí 2.000 đồng/bài hát đối với các cơ sở kinh doanh Karaoke là không hợp lý. Ảnh minh hoạ. |
Hiện nay, ở Việt Nam có 3 tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc, bao gồm: Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) với mục đích hoạt động là bảo vệ quyền lợi của các tác giả tác phẩm âm nhạc; Hiệp hội Công nghiệp Ghi Âm Việt Nam (RIAV) với mục đích hoạt động là bảo vệ quyền lợi của các nhà sản xuất bản ghi (bao gồm bản ghi âm và bản ghi hình) và Hội Bảo vệ quyền của Nghệ sĩ Biểu diễn Âm nhạc Việt Nam (APPA) với mục đích hoạt động là bảo vệ quyền lợi của người biểu diễn tác phẩm âm nhạc.
Theo luật sư Tuấn, cần phải khẳng định rằng, RIAV chỉ có quyền đại diện cho các nhà sản xuất bản ghi (nhấn mạnh là chỉ nhà sản xuất bản ghi) trên cơ sở được ủy quyền. Theo đó, số lượng các hội viên ủy quyền cho RIAV còn rất ít ỏi (tính đến thời điểm cuối năm 2015 chỉ có 59 hội viên), đặc biệt hoàn toàn không có những nhà sản xuất nổi tiếng đang được thị trường quan tâm hiện nay như Viết Tân, Wepro,…
“Điều này cũng đồng nghĩa phạm vi quyền mà RIAV được phép thực hiện là rất ít. Nếu RIAV không làm rõ vấn đề này, không công khai thông tin các nhà sản xuất bản ghi đã ủy quyền cho RIAV cũng như phạm vi được ủy quyền, thì việc công bố thông tin và thực hiện thu phí 2.000đồng/bài/đầu máy đối với cơ sở kinh doanh karaoke sẽ gây ra sự nhầm lẫn rất lớn, đặc biệt là đối với chủ thể phải trả tiền”, ông Tuấn nhận định.
Luật sư Phan Vũ Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ TPHCM - Luật sư điều hành Phan Law Vietnam. Ảnh: NVCC |
Không những vậy, luật sư Tuấn cho rằng cần phải lưu ý, quyền mà RIAV được ủy quyền là quyền của nhà sản xuất đối với bản ghi. Trong khi đó, với cùng một tác phẩm âm nhạc, có thể có nhiều bản ghi khác nhau, do nhiều nhà sản xuất khác nhau thực hiện, RIAV cũng cần phải làm rõ bản ghi mà họ được ủy quyền là bản ghi nào, do nhà sản xuất nào thực hiện, chứ không đơn giản chỉ là những cái tên và con số.
Về số tiền 2.000 đồng/bài/đầu máy RIAV đưa ra để thu các cơ sở kinh doanh karaoke theo luật sư Tuấn đây là vấn đề cần phải xem xét. Bởi nguyên tắc hoạt động của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan là phải có biểu phí, cơ chế thu và phân phối tiền bản quyền được thống nhất ban hành và công khai cho tất cả các chủ thể có liên quan được biết. Số tiền 2.000đồng/bài/đầu máy hiện nay, theo thông tin được biết là không được dựa trên bất cứ biểu phí hay quy định pháp luật nào.
“Điều đó cũng đồng nghĩa RIAV đã tự đặt ra một mức phí thiếu cơ sở, không những không tuân theo nguyên tắc hoạt động của tổ chức đại diện tập thể, mà còn đang có dấu hiệu thay chủ sở hữu (các nhà sản xuất bản ghi) định giá tài sản sở hữu trí tuệ của họ”, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ TPHCM cho biết .
Một vấn đề khác được luật sư Tuấn đặt ra là với mức phí 2.000đ/bài/đầu máy mà RIAV đặt ra, các cơ sở kinh doanh sẽ trả cho những quyền nào và của ai. Ông Tuấn cho rằng, đây chỉ là mức phí trả cho việc sử dụng quyền của nhà sản xuất, việc này đương nhiên phù hợp với phạm vi hoạt động của RIAV thế nhưng, lại gây ra sự khó khăn, nhập nhằng.
Bởi lẽ, các cơ sở kinh doanh karaoke ngoài trả phí cho quyền của nhà sản xuất thì còn phải trả phí cho quyền của tác giả, quyền của người biểu diễn. Vậy, việc thu phí sẽ tiến hành rất nhiều lần, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các cơ sở này. Điều này đi ngược lại với chủ trương của các cơ quan Nhà nước về việc phối hợp hoạt động giữa các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan nhằm hoạt động hiệu quả và hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các chủ thể có liên quan.
Ngược lại, nếu mức phí 2.000đ đã bao gồm cả quyền của nhà sản xuất, quyền của tác giả và quyền của người biểu diễn, câu hỏi đặt ra là RIAV có “lấn quyền” của VCPMC và APPA không? Câu trả lời là có. Vì trên thực tế, chưa hề có uỷ quyền nào từ 2 tổ chức kia để RIAV đi thu tiền bản quyền thay họ.
“Trầm trọng hơn, bằng việc đi thu 2000đ, RIAV đã phá vỡ cam kết phối hợp giữa ba tổ chức đại diện tập thể được ký kết bởi sự chủ trì của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Cục Bản quyền. Cụ thể, theo chương trình phối hợp này, VCPMC sẽ đại diện, thay mặt RIAV và APPA tổ chức đàm phán cấp phép, thu tiền bản quyền đối với trường hợp bản ghi âm, ghi hình được khai thác sử dụng; phân phối khoản tiền bản quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc được ủy quyền”, luật sư Tuấn nhấn mạnh.
Đánh giá vấn đề này dưới tất cả các vấn đề được nêu ra ở trên, ông Tuấn đúc kết, việc RIAV hay bất cứ chủ sở hữu quyền nào thu phí đối với các cơ sở kinh doanh karaoke là đúng nếu nằm trong phạm vi được ủy quyền. Tuy nhiên, RIAV cần phải thực hiện theo đúng trình tự, đặc biệt phải công khai và minh bạch và đúng pháp luật.