Thu phí tác quyền âm nhạc ở bãi đỗ xe, bệnh viện, quán cà phê, nhà hàng karaoke: Khó hơn… lên trời! | |
Phó Đức Phương: 'Không dừng thu tác quyền nhạc ở quán cà phê' |
Các “ông lớn” như Facebook có bị thu phí tác quyền?
Trong câu chuyện xoay quanh vấn đề thu phí tác quyền này có lẽ các đơn vị đưa ra đề nghị còn bỏ sót nhiều chi tiết. Ví dụ: thay vì bật nhạc Việt, các cơ sở kinh doanh chỉ sử dụng các bản ghi âm, ghi hình ngoại quốc hoặc các nghệ sĩ không nằm trong danh sách uỷ quyền cho các đơn vị thì sao?
Rõ ràng không có các nghệ sĩ nước ngoài nào “gửi gắm” các đơn vị trong nước thu tiền hộ và là cách “lách luật” hữu hiệu.
Hay Facebook liệu có được tính là một cơ sở kinh doanh khi mạng xã hội này cũng thu tiền từ người dùng, vô số nhãn hàng qua các hoạt động chạy quảng cáo và để các sản phẩm âm nhạc được đăng tải tràn lan trên nền tảng của mình mà không hề có sự kiểm soát nào?
Về bản chất, nó không hề khác biệt so với một nhà hàng phát nhạc nền để khách hàng thưởng thức thậm chí, khách hàng của “ông lớn” này còn được tự do lựa chọn việc không chỉ nghe gì, xem gì mà còn đăng lên cái gì để tự phục vụ bản thân.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương - người vô cùng quyết liệt trong vấn đề thu phí tác quyền âm nhạc. |
Thu phí tác quyền cơ sở kinh doanh: chặn bớt “đường sống” của nghệ sĩ?
Phải nói rằng, trên thực tế, việc các cơ sở kinh doanh phát các bản nhạc được thu âm, thu hình nhằm phục vụ khách hàng là một kênh truyền thông vô cùng hữu hiệu và không hề tốn kém đối với nghệ sĩ.
Giữa thời đại công nghệ số lẫn tính cạnh tranh khốc liệt của thị trường âm nhạc nói riêng và văn hoá – nghệ thuật nói chung, việc đưa sản phẩm tiếp cận được đến số đông khán giả lại là một bài toán khác cũng cực kì hóc búa đối với nghệ sĩ.
Từ lâu, việc kinh doanh sản phẩm nghệ thuật và bản thân nghệ sĩ cũng không còn trông chờ gì vào việc thu doanh số về nhằm bù lỗ phần nào cho số tiền bỏ ra thực hiện sản phẩm chứ đừng nói đến thu lời.
Trong khi ấy, việc các kênh giải trí mở hay mạng xã hội lại là con đường nhanh nhất, ngắn nhất để nghệ sĩ gửi tác phẩm đến công chúng và khán giả thì được thưởng thức miễn phí, từ đó tên tuổi và bản thân các sản phẩm cũng dễ dàng được đón nhận hơn. Còn nói riêng về các cơ sở kinh doanh, đó lại là “thiên đường” dành cho các nghệ sĩ khi muốn sản phẩm đến gần với khán giả ít có điều kiện tiếp xúc internet hoặc ở tỉnh.
Việc bỗng dưng bị thu phí mà không có sức thuyết phục cao dễ dẫn đến tình trạng các cơ sở kinh doanh sẽ ngừng phát nhạc hoặc lựa chọn các thể loại, sản phẩm không bị tính phí và từ đó bản thân các nghệ sĩ nếu đã trót kí kết với đơn vị thi hành sẽ tự chặn “đường sống” của chính mình. Như vậy, nghệ sĩ liệu có nên mạo hiểm?
Nhập nhằng, tính khả thi không cao
Không chỉ thời gian gần đây, khi những nhập nhằng trong việc đề nghị phương thức thu phí tác quyền đối với các bản nhạc nền thông qua việc thu âm, thu hình ở các cơ sở kinh doanh phát sinh thì câu chuyện về thu phí tác quyền mới làm “điên đầu” những người làm văn hoá.
Rất nhiều các câu hỏi được đặt ra về tính khả thi, sự hợp lí, độ minh bạch… nhưng thường các câu trả lời từ phía một số đơn vị quản lí hoặc liên quan đều mập mờ, không thuyết phục.
Nó dường như là một bài toán khó mà những người đang cố gắng tìm ra lời giải đáp lại không đáp ứng được hoàn toàn điều kiện cần và đủ. Họ cho ra hàng loạt các cách tính toán nhưng bản thân họ lại loay hoay không biết thực hiện lối tính toán thế nào cho đúng nên kết quả đến nay vẫn chỉ là con số 0.
Thu phí tác quyền âm nhạc đối với cơ sở kinh doanh vẫn là một bài toán hóc búa chưa có lời giải đáp nào hợp lí. |
Riêng việc thu phí tác quyền đối với các cơ sở hoạt động kinh doanh thôi đã mang đến biết bao trăn trở không chỉ với những người thực thi mà còn gây ra sự hoang mang, bức xúc lẫn nghi ngại từ cả phía nghệ sĩ và chủ của các cơ sở ấy như: bãi xe; bệnh viện; nhà hàng; karaoke…
Những câu hỏi được đặt ra là: Việc kiểm soát cũng như xác định chính xác số lần phát nhạc để thu tiền dựa vào đâu? Sự phân chia về chức năng, quản lí, thực hiện việc thu tác quyền sẽ được giải quyết thế nào giữa Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) – Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) và Hội Bảo vệ Quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA)? Với các cơ sở chống đối ngầm hay chỉ sử dụng nhạc dân gian thì (các) đơn vị thu tác quyền sẽ thực hiện thế nào?
Hầu hết với những thắc mắc nêu trên đều chưa có câu trả lời hợp tình hợp lí, đủ sức thuyết phục nào cả.
Có lẽ, các tổ chức, đơn vị cần nghiên cứu kĩ hơn cũng như trưng cầu dân ý đối với các bên liên quan như: nghệ sĩ, các cơ quan quản lí văn hoá và cả chủ hộ kinh doanh để thấy rõ mong muốn của họ cũng như xem xét kĩ càng về cơ chế, phương thức hoạt động tránh gây mất thời gian, tiền bạc lẫn tinh thần của nhiều người.
Chỉ với ngần đấy câu hỏi được nêu ra trong suốt nhiều ngày qua, có thể dễ dàng thấy được việc thu phí tác quyền đối với cơ sở kinh doanh không hề đơn giản dù mục đích hoàn toàn không sai.
Tuy nhiên, để thực hiện làm sao khiến “cả nhà cùng vui” lại cần sự cứng rắn lẫn hợp lí, đủ để khiến người nộp tiền thấy rằng đó là việc họ nên làm nhằm đảm bảo quyền lợi lẫn sự trân trọng đối với chất xám dành cho người nghệ sĩ.