Tại buổi toạ đàm chiều tối 27/12, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, trong hoạt động hàng không dân dụng, chậm, huỷ chuyến là điều khó tránh khỏi. Với những nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, để có được sự chia sẻ của hành khách, trước tiên hãng hàng không phải thông tin kịp thời về sự chậm trễ đó.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ (mặc áo trẳng bên trái) trong một lần kiểm tra sân bay quốc tế Nội Bài. |
Như vừa qua do ảnh hưởng của cơn bão số 16, Cục Hàng không phải cấm bay trong 24h. Rất nhiều chuyến bay bị huỷ và nhiều chuyến bị chậm dây chuyền. Nhưng nếu hành khách hiểu đó là do bão, để đảm bảo tối đa an toàn, chắc chắn họ đều chia sẻ.
“Hay vừa rồi tôi đi Hàn Quốc, do sương mù, toàn bộ các hãng đến đây chậm 9-10h. Chuyến bay của tôi cũng bị chậm tới 4-5h. Việc chậm chuyến này cũng làm lỡ chuyến bay nối chuyến đi Sài Gòn của tôi theo kế hoạch. Nhưng đây là nguyên nhân khách quan nên mình phải chia sẻ”, Thứ trưởng Thọ cho hay.
Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận, tình trạng chậm, huỷ chuyến bay do nguyên nhân chủ quan ở nước ta có liên quan đến khâu tổ chức, điều hành bay cũng như lỗi kỹ thuật không đáng có...
Tất cả những tồn tại này ngành hàng không cần kiên quyết khắc phục để hạn chế tối đa tình trạng chậm, huỷ chuyến gây bức xúc cho hành khách, nhất là trong dịp cao điểm Tết.
Chậm chuyến chủ yếu do máy bay về muộn
Ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng Phòng Vận tải, Cục Hàng không VN cho biết, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ của 3 hãng hàng không: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air trong 2017 đạt 87,7%. Tỷ lệ này khá cao so với thế giới (75-79%).
Ông cũng nói rõ tỷ lệ chậm huỷ chuyến chủ yếu là do máy bay về muộn, chiếm tới 67-68%.
Thông thường, nếu chuyến bay đầu ngày bị chậm vì lý do nào đó sẽ kéo theo 3-4 chuyến chậm sau đó của chính máy bay này trong ngày.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Jetstar Pacific thừa nhận tỷ lệ chuyến bay đúng giờ của hãng trong 11 tháng qua là 82,5%, thấp hơn mức trung bình của toàn ngành.
Hành khách chờ lên máy bay |
Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này về mặt chủ quan liên quan tới kỹ thuật, do đội tàu bay đòi hỏi kỹ thuật bảo dưỡng mất nhiều thời gian, Hãng cũng gặp khó khăn khi số máy bay ít...
Tuy nhiên, vấn đề này sẽ được khắc phục trong năm 2018 khi Jetstar Pacific đã nhận 10 máy bay Airbus mới.
Phó TGĐ Vietnam Airlines Trịnh Ngọc Thành thông tin, chậm chuyến do nguyên nhân chủ quan còn xuất phát từ chính hành khách.
Có hành khách bỏ chỗ giờ chót khi ra cửa máy bay nhưng hành khách này lại có hành lý ký gửi.
Theo luật, để đảm bảo an toàn, hãng không được phép chuyên chở hành lý ký gửi khi không có mặt hành khách. Trong trường hợp này, hãng phải đi tìm kiện hành lý của khách trên máy bay để đưa ra, sau đó lập lại toàn bộ tài liệu chuyến bay.
Những việc này tốn rất nhiều thời gian, khiến chuyến bay bị chậm giờ và đương nhiên các chuyến bay kế tiếp cũng bị chậm theo.
Hay như trường hợp hành khách gây rối, đánh nhau trên máy bay… buộc cơ trưởng phải lùi giờ bay để giải quyết. Vì thế, các hãng hàng không muốn hành khách chia sẻ với đặc thù của ngành.
Bồi thường hành khách thế nào?
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, theo quy định, nếu chuyến bay chậm 2h, hành khách được phục vụ nước, chậm 3h được phục vụ ăn, chậm 4h trở lên hãng phải đền bù tiền. Từ 6h trở lên, ngoài việc chi trả đền bù, hãng phải lo chỗ nghỉ cho khách, ngược lại về phía khách hoàn toàn có quyền hoàn trả vé cho hãng.
Riêng với Jetstar Pacific, đối với những chuyến bay chậm hoặc hủy chuyến tại sân bay đi, hành khách có thể liên hệ trực tiếp với tiếp viên để nhận chính sách bồi thường. Nếu khách không muốn mất thời gian làm thủ tục chi trả đền bù, hãng sẽ cắt phiếu đền bù.
Khi tới sân bay đến, khách hàng có thể cầm phiếu này để làm thủ tục nhận tiền bồi thường. Ngoài ra, khách có thể liên hệ tổng đài của hãng hoặc phòng vé chính thức trên toàn quốc, cung cấp thông tin danh tính, số vé, chuyến bay để làm thủ tục đền bù.