Thủ tướng chủ trì họp trực tuyến chống bão Tembin

17h chiều nay 24-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ họp trực tuyến với các bộ ngành và địa phương về ứng phó với bão Tembin. Tuổi Trẻ Online cập nhật diễn biến cuộc họp này.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đang báo cáo về mức độ nguy hiểm và sự bất thường của bão Tembin - Ảnh: Chí Tuệ

Trước đó, tại Philippines, bão Tembin đã làm gần 200 người chết và hơn 160 người mất tích.

Hiện nay, bão Tembin đang ảnh hưởng trực tiếp đến quần đảo Trường Sa.

Sóng cao khoảmg 7m, gió giật cấp 10-11/ 3- Người dân hiện đã được di dời vào nơi trú bão an toàn trên đảo Trường Sa - Ảnh: Minh Tâm

Theo nhận định của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, bão Tembin là cơn bão mạnh, trái quy luật (đổ bộ vào cuối năm), di chuyển rất nhanh, khả năng bão đổ bộ vào vùng ít xảy ra bão, cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm ứng phó với bão còn rất hạn chế, tàu thuyền hoạt động trên sông trên biển nhiều, nhất là tàu thuyền ven bờ và trên sông.

Đối với các nguy cơ trên biển, bão Tembin đi qua khu vực ngư trường truyền thống, đang chính mùa khai thác, tàu thuyền đánh bắt hải sản đông, đồng thời có nhiều tàu vận tải, tàu vãng lai.

Vùng biển phía nam có nhiều đảo với số lượng dân cư sinh sống khá lớn, trong đó có nhiều khách du lịch, nơi có nhiều tàu thuyền trú tránh khi bão xảy ra. Có nhiều hoạt động kinh tế trên biển, nhất là các giàn khoan, nhà giàn.

Về ảnh hưởng trên đất liền, bão Tembin đổ bộ vào vùng có địa hình tương đối bằng phẳng với hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt vùng có nhiều nhà dân ở ven sông, ven biển, trên các cù lao không có khả năng chống chịu với bão, thiếu nơi khu trú; bờ biển, vùng cửa sông có 18 điểm đang có diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Đặc biệt, khu vực dự báo bão đổ bộ ít khi có bão lớn; cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu còn hạn chế; dân cư vùng cửa sông, ven biển đông đúc, ít có kinh nghiệm ứng phó với bão, thậm chí một số nơi có tư tưởng chủ quan; hoạt động kinh tế khá lớn, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản, du lịch.

Một tàu cá Khánh Hòa hư bánh lái, mất liên lạc

Chiều 24-12, phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa Võ Khắc Én cho biết tàu cá 400CV của chủ tàu Huỳnh Thị Luyện, ở phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, đã bị hư bánh lái cách đây bốn ngày ở khu vực gần đảo Tiên Nữ của VN và vùng biển gần giáp với Indonesia.

Trên tàu cá hư bánh lái này có khoảng 10 ngư dân, cho đến nay vẫn đứt liên lạc.

Theo các tàu cùng trong chuỗi khai thác trên biển, khi bị sự cố bánh lái, tàu cá của bà Luyện đã được thả trôi theo hướng xuôi xuống phía nam và vùng biển Malaisia để trú tránh bão.

Cũng theo ông Én, hiện có 8 tàu cá, nằm trong các chuỗi khai thác của ngư dân Khánh Hòa đánh bắt ở khu vực trên đã kịp chạy về các đảo thuộc quần đảo Trường Sa để trú tránh bão số 16.

Đảo Song Tử Tây sóng đang đánh rất mạnh do gió bão

Gần cuối chiều 24-12, thượng tá Nguyễn Đăng Hồng-chính trị viên đảo Song Tử Tây cho biết gió, mưa do bão tại vùng biển đảo này đã mạnh lên rất nhiều so với buổi trưa cùng ngày.

Do gió bão cộng với thủy triều cuối ngày nên sóng đang rất lớn, nhất là ở vùng biển trước cửa vào âu tàu đảo Song Tử Tây.

Trên đảo, bộ đội đã thực hiện các biện pháp chống bão thường quy để đảm bảo an toàn cho các công trình, đồng thời giúp bà con ngư dân giữ an toàn cho tàu thuyền đã vào tránh bão 16 trong âu tàu của đảo và an tâm chờ bão đi qua.

Bão hoạt động mạnh nhất khi ở Trường Sa

Ông Hoàng Đức Cường, giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, cho biết như vậy khi báo cáo về đường đi của bão số 16.

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 16, ở quần đảo Trường Sa đang có mưa bão, ở Huyền Trân và đảo Trường Sa Lớn đã có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.

Theo ông Cường, lúc 16h ngày 24-12, tâm bão ở cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 100km tính từ vùng tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/giờ), chiều tối và đêm nay bão số 16 duy trì sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15 với sóng biển cao 10m sẽ đi qua khu vực đảo Trường Sa Lớn và Huyền Trân. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão ở huyện đảo Trường Sa cấp 4 (rủi ro thiên tai rất lớn).

Ông Cường cho biết đến 16h chiều mai 25-12, bão ở ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14, sóng biển cao từ 8-10 mét.

Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 180km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 80km tính từ vùng tâm bão.

Về thời điểm bão đổ bộ vào đất liền, ông Cường cho biết với tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h), khoảng tối và đêm mai (25-12) bão sẽ vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 13.

Trên đất liền các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đều nguy cơ có gió mạnh cấp 10, giật cấp 13, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. Trên đất liền các khu vực khác thuộc Nam Bộ có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Theo ông Cường, thời điểm hiện tại, bão Tembin đang đi vào khu vực quần đảo Trường Sa.

Bão sẽ hoạt động mạnh nhất khi hoạt động ở Trường Sa, cấp 12, giật cấp 15, sóng biển tới 10m. Khi bão đến Côn Đảo giảm xuống cấp 11, giật cấp 14, sóng biển cao 5-7m.

"Sau khi bão qua Cà Mau sẽ đi vào biển Tây, cường độ còn cấp 8-9. Khi bão đổ bộ vào, gió mạnh trên đất liền cấp 10, giật cấp 13"-ông Cường cho biết.

"Đây là cơn bão rất đặc biệt, trong lịch sử chưa từng có cơn bão nào hoạt động ở thời điểm này ở cấp độ mạnh như vậy. Vì vậy, việc ứng phó cũng phải ở cấp độ rất đặc biệt.", ông Cường nói.

Về cảnh báo mưa, ông Cường cho biết trong ngày và đêm 25-12, do ảnh hưởng của bão số 16, ở Nam Bộ có mưa to. Từ đêm 25-12 ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm 26-12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.

Bão cấp 4, triển khai ứng phó theo cấp 5

Báo cáo Thủ tướng về mức độ nguy hiểm từ bão Tembin, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cho biết bão số 16 có mức độ rủi ro thiên tai cấp 4. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng, việc ứng phó với bão Tembin đang được triển khai ứng phó tương ứng với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 5.

Ông Cường cho biết theo dự báo, bão Tembin đang hướng vào các tỉnh Nam Trung Bộ. "Đây là cơn bão trái mùa, rất nguy hiểm vì thống kê đến thời điểm này cho thấy bão rất ít vào khu vực này. Bão được dự báo đổ bộ vào nơi có mức độ rủi ro thiệt hại rất cao, toàn bộ khu vực đảo và toàn bộ khu vực ngư trường có nhiều hoạt động kinh tế. Cơn bão này đổ bộ vào thời điểm hết sức nguy hiểm, đó là lúc triều cường cao, vì vậy rất khó khăn và thách thức cho hệ thống đê biển"-ông Cường nêu.

Trước diễn biến của bão Tembin, ông Trần Quang Hoài, tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 9 huy động máy bay trực thăng bay dọc ven biển, hải đảo, khu vực cửa sông nhất là tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, kêu gọi tàu thuyền còn đang hoạt động ven bờ, người dân chủ động phòng tránh, di dời đến nơi an toàn.

Đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông chỉ đạo các nhà mạng tổ chức nhắn tin về dự bão và cảnh báo bão cho cá thuê bao trong vùng bị ảnh hưởng đặc biệt là tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang.

Đặc biệt, trong hai ngày 25 và 26-16, thời điểm dự báo bão Tembin ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh cho học sinh nghỉ học hai ngày nên trên để đảm bảo an toán tình mạng.

Người dân Cà Mau chưa tin bão sẽ vào Cà Mau

Nguyễn Tiến Hải, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh đã dừng tất cả các cuộc họp để tập trung cho công tác phòng chống bão. Trước mắt, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho 17.000 hộ nghèo mua dây chằng chống nhà cửa.

Tỉnh cũng đã chuẩn bị các điều kiện là cứu hộ, cứu nạn. Đã di dời người già, trẻ em đến nhà người thân. Đã có chủ trương cho học sinh nghỉ học từ sáng 25-12 đến hết ngày 26-12.

Ông Hải cũng cho biết các lực lượng của tỉnh đã kiểm đếm được 3.465 tàu thuyền, đã kêu gọi 3002 tàu vào nơi đậu đỗ an toàn, còn 463 tàu chưa vào bờ nhưng đều đã liên lạc được.

Với những tàu thuyền hoạt động gần bờ, ông Hải cho biết có 803 phương tiện hoạt động gần bờ đều đã vào nơi neo đậu an toàn.

Về di dời dân, ông Hải cho biết toàn tỉnh có tổng số người dân 98.535 người thuộc diện phải di dời. "Trong ngày hôm nay tỉnh đã di dời người già, trẻ em. Số còn lại tiếp tục thực hiện di dời khi có lệnh của chính quyền địa phường vào ngày 25-12".

Ông Hải cũng nói tỉnh lo nhất là tình trạng người dân vẫn còn chủ quan, thờ ơ trước bão số 16. "Tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, tuyên truyền nhiều lần nhưng nhưng người dân vẫn chưa tìn bão sẽ vào Cà Mau"-ông Hải nói.

Sau báo cáo của tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói ông hoan nghênh tỉnh Cà Mau có nhiều biện pháp chủ động.

"Cả bí thư, chủ tịch tỉnh cùng dự họp hôm nay cho thấy sự quan tâm của chính quyền. Còn có tỉnh trung tâm vùng bão mà chỉ có phó chủ tịch dự thôi, như vậy là chủ quan, coi thường cơn bão này rồi" - Thủ tướng phê bình.

Bạc Liêu ưu tiên giải pháp di dời dân

Ông Dương Thành Trung, chủ tịch UBND tỉnh tỉnh Bạc Liêu báo cáo địa hình của tỉnh có nhiều cửa sông, cửa biển, hạ tầng nhà cửa kém chống chọi với thiên tai. Do đó Bạc Liêu chọn giải pháp ưu tiên di dời dân là chính.

"Bão cấp 9-10 mà vào Bạc Liễu thì với hạ tầng nhà cửa hiện có là thiệt hại hết. Vì vậy, Bạc Liêu đã di dời hơn 26.000 người trong kế hoạch hơn 350.000, người. Chúng tôi cố gắng sẽ di dời xong trước 10h ngày mai 25-12"-ông Trung cho biết.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cũng thừa nhận ngay ở cấp cơ sở vẫn còn chuyện chính quyền chủ quan.

"Chiều nay trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã xuống cơ sở kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 16"-ông Trung nói.

TP.HCM: Học sinh Cần Giờ được nghỉ học 2 ngày 25 và 26-12

Ông Hứa Ngọc Thuận, phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết trước nhận định bão số 16 là cơn bão mạnh, ảnh hưởng đến các tỉnh Nam Bộ, từ ngày 23-12, lãnh đạo thành phố TP.HCM đã chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống.

"Cho đến hôm nay, đã cơ bản hoàn thành di dời khoảng 5.000 dân ở những khu vực được xác định bị ảnh hưởng"-ông Thuận báo cáo.

Ông Lê Thanh Liêm, phó chủ tịch UBND TP.HCM, vừa yêu cầu cho học sinh trên địa bàn huyện Cần Giờ được nghỉ học trong ngày 25 và 26-12 trước diễn biến bão Tembin.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/.

chọn
Nhiều doanh nghiệp bất động sản về đích sau 9 tháng
Nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết như Vạn Phát Hưng, Nam Hà Nội, Long Hậu... đã công bố vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2024 sau 3 quý đầu năm.