Thủ tướng đề xuất Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam làm đường sắt cao tốc Bắc Nam

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, phát triển đường sắt cao tốc Bắc Nam.

Sáng ngày 22/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) Maeda Tadashi, thông tin từ Báo Chính phủ.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng đề nghị phía Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam triển khai các dự án hạ tầng chiến lược, gồm các dự án đường bộ cao tốc đang được đẩy mạnh trên cả nước và nghiên cứu, phát triển đường sắt cao tốc Bắc - Nam có thể theo tinh thần làm từng đoạn, dễ trước khó sau, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị Nhật Bản và JBIC thúc đẩy chương trình hợp tác ODA thế hệ mới mà Thủ tướng hai nước đã trao đổi, hỗ trợ hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng chuyển đổi số; nâng cao năng lực y tế; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị Nhật Bản và JBIC giúp đỡ Việt Nam tiếp cận khoản hỗ trợ 10 tỷ USD mà Thủ tướng Nhật Bản đã cam kết tại Hội nghị COP26 để thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 năm 2050. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Maeda Tadashi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC). (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Chủ tịch JBIC nhất trí cao với các đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính, chia sẻ nhiều ý tưởng, giải pháp, nội dung hợp tác cụ thể, khẳng định JBIC mong muốn hợp tác cùng Việt Nam về nhiều mặt trong nhiều lĩnh vực.

Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm có thiết kế đường đôi, khổ 1.435 mm, chiều dài khoảng 1.545 km.

Trong giai đoạn đến năm 2030, dự án ưu tiên triển khai đoạn Hà Nội - Vinh (281 km) và đoạn Nha Trang - TP HCM (370 km).

Dự kiến giai đoạn đến 2050 đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang (894 km), trong đó đoạn Vinh - Đà Nẵng hoàn thành năm 2040, đoạn Đà Nẵng - Nha Trang hoàn thành năm 2050. 

Bộ Giao thông vận tải đề xuất tốc độ thiết kế đoàn tàu 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h, được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách. Dự án có tổng mức đầu tư 1.334.459 tỷ đồng, tương đương hơn 58,71 tỷ USD.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.