Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Thủy điện Sơn La, để nhường đất cho nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á, số dân phải di chuyển, bố trí tái định cư lớn nhất từ trước tới nay với 20.340 hộ và 93.201 người của 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Sau 15 năm thực hiện, đến nay Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La đã cơ bản hoàn thành, góp phần đưa nhà máy thủy điện Sơn La vào hoạt động vượt tiến độ 3 năm. Về đời sống người dân tái định cư, thu nhập bình quân (đạt hơn 1,2 triệu đồng/người/tháng) tăng gấp 3,92 lần so với thời điểm trước khi di chuyển. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,56 lần.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nghiêm túc, nhìn thẳng vào mặt tồn tại, bất cập để tập trung khắc phục.
Đó là đời sống người dân tái định cư tại một số điểm chưa ổn định, khó phát triển bền vững. Nguyên nhân là thiếu đất, nước phục vụ sản xuất, đặc biệt là đất cho trồng lúa nước chưa đạt yêu cầu. Cho rằng một số huyện, xã chậm cấp sổ đỏ cho người dân tái định cư, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần ban hành ngay chỉ thị để khắc phục. Chính sách bồi thường còn một số hạn chế, chưa tạo việc làm, thu nhập cho người dân và gắn người dân với mảnh đất của họ. Công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển đổi ngành nghề còn bất cập.
Bên cạnh đó, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu tái định cư chưa đạt yêu cầu. Nhiều công trình hạ tầng mới sử dụng đã bị hư hỏng, xuống cấp. Sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách đối với dự án Thủy điện Sơn La chưa kịp thời. Tiến độ thực hiện một số dự án thành phần chậm so với yêu cầu, đến nay còn 6 dự án chưa hoàn thành. Việc xây nhà ở còn chưa phù hợp với tập quán của người dân, một số công trình chất lượng thấp. Một tồn tại lớn là số xã đạt chuẩn nông thôn mới ở khu tái định cư còn thấp, hiện mới có 6/95 xã.
“Trong báo cáo của các đồng chí có một ý là thu nhập sau tái định cư năm 2015 tăng gần 4 lần so với năm 2005 tại nơi ở cũ thì thực tế có như vậy không hay chỉ một bộ phận thôi”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị ngày 1/10/2016 |
Thủ tướng lưu ý việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở tái định cư, phải tận dụng đội ngũ cán bộ từ cộng đồng di cư đến để có sự chia sẻ, đồng cảm, đoàn kết dân tộc. Phải ưu tiên trực tiếp cho việc giảm nghèo bền vững, thoát nghèo sớm cho vùng tái định cư.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quan tâm hơn nữa về hạ tầng xã hội, nhất là đào tạo lao động, giải quyết việc làm, tư vấn, hỗ trợ đồng bào sản xuất, kinh doanh, giữ gìn văn hóa, bản sắc dân tộc tốt đẹp, chứ không chỉ quan tâm về kinh tế, lo cơm ăn ba bữa. “Trao cần câu chứ không không trao con cá” bởi nếu đưa một khoản tiền, gạo, xây hạ tầng nhưng không tổ chức sản xuất, tạo việc làm thì khi người dân hết gạo, hết tiền sẽ tái nghèo. Xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở khu tái định cư, trung tâm khuyến công, khuyến nông, hỗ trợ cách làm du lịch cộng đồng.
Thủ tướng nêu rõ, không chấp nhận công trình xây dựng rồi bỏ không, người dân không dùng. “Anh làm nhiều công trình mà do ý chủ quan của cấp trên đưa xuống không phải xuất phát từ yêu cầu cộng đồng, người dân, của đồng bào dân tộc ở đây thì làm xong có sử dụng không. Cả nước gặp tình trạng này nhiều”, Thủ tướng than phiền và yêu cầu các tỉnh xây dựng, phê duyệt, thực hiện quy chế quản lý, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng công trình công cộng tại các khu, điểm tái định cư. “Nếu không duy tu, bảo dưỡng thì ổ gà thành ổ voi mà chỉ cần một xe đất là xong. Muốn vậy, các đồng phải sát dân, chứ không thể ngồi tại hội trường, ngồi trong thành phố mà có thể chỉ đạo được các việc cụ thể”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Khu tái định cư thuỷ điện Sơn La, ảnh tư liệu |
Đặt vấn đề nghiên cứu cơ chế chia sẻ một phần lợi nhuận từ thủy điện Sơn La để dành cho công tác phát triển, cho những người dân đã hy sinh lợi ích của mình vì thành công của công trình, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và đặc biệt là EVN giải quyết.
Thủ tướng yêu cầu 3 tỉnh nghiên cứu các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế, hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liều với đất cho các hộ chưa được cấp; hoàn thành 6 công trình đang thi công; tăng cường khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân tái định cư.