Thủ tướng nói về điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh các yếu tố rủi ro gia tăng trên thế giới

Tại phiên họp Quốc hội chiều nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo, giải trình một số vấn đề được đại biểu, cử tri quan tâm. Trong đó có vấn đề về điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Chiều ngày 5/11, cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo, giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, lưu ý. 

Cập nhật tình hình kinh tế xã hội, Thủ tướng cho biết, đầu kỳ họp, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về tình hình 9 tháng đầu năm. Đến nay, tình hình thế giới đã có nhiều điểm mới; các yếu tố rủi ro gia tăng cả về mức độ, quy mô, tính chất, phạm vi, nhất là về kinh tế vĩ mô, tài chính, tiền tệ. Số liệu chỉ số giá tiêu dùng cập nhật mới nhất ở một số quốc gia, khu vực: Hoa Kỳ 8,2%, EU 10,9%, Anh 10,1%, Singapore 7,5%, Indonesia 5,71%, Philipines 7,7%, Thái Lan 6,41%…

Hoa Kỳ tăng lãi suất để chống lạm phát, đồng USD tăng giá dẫn đến nhiều đồng tiền chủ chốt khác mất giá (Số liệu tỷ giá cập nhật mới nhất so với tháng 12/2021: Đôla Mỹ tăng 17,4%, Euro giảm 14%, Bảng Anh giảm 17,1%, Franc Thụy Sỹ giảm 10,8%, Yên Nhật giảm 28,6%, Nhân dân tệ Trung Quốc giảm 14,6%, Won Hàn Quốc giảm 19,6%, Bạt Thái Lan giảm 13,5%, Rupiad Indonesia giảm 10,4%…); suy giảm tăng trưởng và nguy cơ suy thoái rõ nét hơn.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 2,89%. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 616 tỷ USD, tăng 14,1%, xuất siêu 9,4 tỷ USD. Xuất khẩu nông sản đạt 45 tỷ USD và xuất khẩu gạo trên 6 triệu tấn. Sản xuất công nghiệp tăng 9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,2%. Trên 178.000 doanh nghiệp được thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 58,3% so với cùng kỳ.

Thời gian tới, Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đề ra; khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; phấn đấu đạt mức cao nhất mục tiêu năm 2022 và tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2023.

Theo Thủ tướng, trước bối cảnh khó khăn, thách thức nêu trên, công tác chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn.

Thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kịp thời điều chỉnh biên độ tỷ giá và nâng lãi suất điều hành ở mức độ hợp lý để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó đã nâng biên độ tỷ giá từ 3% lên 5% và nâng lãi suất điều hành thêm 1%.

Thời gian tới, chúng ta tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, dao động, ngược lại phải luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án thích ứng hiệu quả.

Kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, thận trọng, chủ động, linh hoạt; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác; không chuyển trạng thái đột ngột (điều hành giật cục).

Tập trung nghiên cứu, điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá với lãi suất; giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sát thực tiễn tình hình.

Bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tiền tệ. Trong đó, hoàn thiện quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; giám sát chặt chẽ cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; theo dõi sát và nghiên cứu giải pháp xử lý hiệu quả đối với tín dụng bất động sản.....

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và các chủ thể liên quan theo đúng quy định pháp luật trong bất cứ hoàn cảnh nào; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

"Chúng ta không thể không quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực; làm như vậy không những để phát triển lành mạnh, bền vững các loại thị trường, minh bạch nền hành chính, nền kinh tế; mà còn để bảo vệ các nhà đầu tư, các định chế tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp chân chính hoạt động an toàn, bền vững, đúng pháp luật," Thủ tướng nói.

 

 

 

 

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.