Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có buổi kiểm tra công trường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông vào chiều 12/7, theo Báo Chính phủ.
Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài gần 111 km (trong đó đoạn Cần Thơ - Hậu Giang gần 38 km; Hậu Giang - Cà Mau hơn 73 km), đi qua 5 tỉnh, thành phố gồm Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
Tổng mức đầu tư là 27.523 tỷ đồng (đoạn Cần Thơ - Hậu Giang hơn 10.370 tỷ đồng; Hậu Giang - Cà Mau hơn 17.152 tỷ đồng). Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thuộc Bộ Giao thông vận tải. Dự án khởi công ngày 1/1/2023 và dự kiến cơ bản hoàn thành vào tháng 12/2025.
Các địa phương đã bàn giao mặt bằng 110,68 km/110,85 km (đạt hơn 99,8%), về hạ tầng kỹ thuật còn 6/7 vị trí đường dây cao thế chưa di dời.
Về thi công, luỹ kế sản lượng đến nay là 6.432/18.842 tỷ đồng, đạt gần 34,2% hợp đồng. Trong đó, tổng khối lượng cát đắp tuyến chính (phần đường) đạt 5,4 triệu m3/14,5 triệu m3 (đạt 37,2%). Phần cầu đã triển khai thi công được 108/117 cầu, giá trị sản lượng đạt 70%. Riêng năm 2024, đã giải ngân 2.416/4.997 tỷ đồng, đạt 48% kế hoạch vốn năm nay.
Theo các ý kiến tại cuộc họp, tiến độ hoàn thành dự án phụ thuộc rất lớn vào tiến độ huy động cát về công trường (khối lượng và công suất). Để hoàn thành dự án trong năm 2025 thì từ nay đến cuối năm 2024 phải hoàn thành công tác đắp cát gia tải, nhu cầu cát cần đến cuối năm 2024 là gần 9,6 triệu m3 (cát sông gần 5,6 triệu m3, cát biển 4 triệu m3).
Sau khi rà soát công suất các mỏ cát sông địa phương đã cấp, thì đến tháng 12/2024 có thể cấp được 4 triệu m3 cát sông, còn thiếu gần 1,6 triệu m3 cát sông.
Đối với khối lượng cát còn thiếu, Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã có giải pháp là rà soát phạm vi có thể dùng cát biển, tăng tối đa khối lượng dùng cát biển cho đoạn tuyến từ Bạc Liêu đến Cà Mau, ưu tiên cát sông cho đoạn tuyến từ Cần Thơ đến Hậu Giang.
Đồng thời, làm việc với tỉnh An Giang để điều phối 1,4 triệu m3 cát từ cao tốc trục ngang sang; làm việc với tỉnh Tiền Giang, Bến Tre để cấp bổ sung khối lượng cát sông cho dự án (2 địa phương cam kết cấp 4 triệu m3). Các thủ tục đang triển khai, dự kiến trong tháng 7 có thể lấy cát từ các nguồn này.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đang chỉ đạo các nhà thầu trên tuyến huy động nguồn lực, bổ sung thiết bị để mang cát về công trường, đáp ứng mục tiêu hoàn thành toàn bộ công tác gia tải trong năm 2024. Các nhà thầu cũng đang huy động nguồn cấp phối đá dăm về dự trữ để phục vụ thi công kết cấu mặt đường.
Kế hoạch tiếp theo là sẽ hoàn thành các cầu trong năm 2024; hoàn thành phần tuyến chính trong tháng 11/2025, hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông trong tháng 12/2025.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, việc triển khai các dự án cao tốc tại miền Bắc và miền Trung có nhiều thuận lợi khi nền đất không yếu và thuận lợi về nguyên vật liệu. Còn khi triển khai các dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long thì sẽ khó khăn hơn nhiều do nền đất yếu và vấn đề nguyên vật liệu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu dứt khoát phải hoàn thành dự án chậm nhất vào 31/12/2025. Để thực hiện mục tiêu này, các địa phương cần hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng còn lại trong tháng 7. Vấn đề nguyên vật liệu đến nay cơ bản đã được tháo gỡ, có đầu ra, song phải tiếp tục điều phối, khai thác cho phù hợp, đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương.
Đối với người dân trong vùng dự án, phải bảo đảm nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, bảo đảm sinh kế cho nhân dân. Các địa phương cùng Ban Quản lý dự án triển khai xây dựng các nút giao, khai thác tối đa hiệu quả không gian phát triển mới từ tuyến cao tốc, quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp, khu dịch vụ, khu đô thị mới.