Thủ tướng yêu cầu người dân 'tỉnh nào ở tỉnh đó, nhà nào ở nhà đó' để phòng dịch Covid-19

Thủ tướng nói: "Tinh thần là tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó". Ông yêu cầu các địa phương lo cân đối nguồn lực, không để tình hình xấu rồi mới đặt vấn đề.

Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều nay (30/3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: "Tinh thần là tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó", trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay.

Theo Thủ tướng, tình trạng di chuyển qua lại các tỉnh còn quá đông, còn tình trạng ở một số nơi người dân di chuyển, ra đường nhiều, có thể gây nguy cơ lây nhiễm lớn. 

Thủ tướng yêu cầu tỉnh nào ở tỉnh đó, nhà nào ở nhà đó để phòng dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh nào ở tỉnh đó, nhà nào ở nhà đó để phòng Covid-19. (Ảnh: VGP).

Do đó, trừ trường hợp đặc biệt, công vụ đặc biệt, hoặc là các bệnh viện, cửa hàng, siêu thị, cơ sở sản xuất phục vụ nhân dân, còn lại, nói chung là ở nhà, làm việc trực tuyến. 

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan bố trí cán bộ làm việc ở nhà qua máy tính, hạn chế đến cơ quan, trừ các trường hợp trực quan trọng, không thể vắng mặt…

Người đứng đầu Chính phủ còn nhấn mạnh tinh thần tiếp tục thần tốc trong công việc, cương quyết dồn mọi nguồn lực để dập các ổ dịch, nhất là ổ dịch đã phát hiện, như Công ty Trường Sinh, bệnh viện Bạch Mai, quán bar Buddha, không để rơi vào thế bị động. 

Nhấn mạnh việc bảo đảm an sinh xã hội cần thiết, người đứng đầu Chính phủ đề nghị các địa phương lo cân đối nguồn lực, không để tình hình xấu rồi mới đặt vấn đề. 

"Chúng ta không có biện pháp mạnh thì không thể thực hiện được 'giờ vàng', thần tốc là ở chỗ này, không thể chủ quan", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, để tập trung cho công tác phòng chống dịch, Thủ tướng quyết định dừng tổ chức hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với địa phương, dự kiến vào ngày mai, 31/3.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị thảo luận một số vấn đề quan trọng khác, như có cần thành lập thêm bệnh viện dã chiến hay không, huy động sẵn sàng là bao nhiêu, các phương án đối với Thủ đô Hà Nội…

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia, tính đến 12h ngày 30/3, cả nước có 142 bệnh nhân đang được điều trị tại 22 cơ sở khám, chữa bệnh. Đáng chú ý, 3 bệnh nhân trong tình trạng nặn, đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đã có tiến triển tốt lên. Ngoài ra, 78 bệnh nhân xét nghiệm âm tính lần 1. 

Tính đến hết ngày 29/3/2020, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 65.271 người, trong đó có 711 người cách li tập trung tại bệnh viện, có 32.752 người cách li tập trung tại cơ sở khác và 31.808 người cách li tại nhà, nơi lưu trú.

Về bệnh viện Bạch Mai, theo báo cáo của lãnh đạo bệnh viện, hiện nay có khoảng 100 bệnh nhân nặng có nhu cầu phải chuyển từ tuyến dưới lên bệnh viện mà không thể chuyển sang các bệnh viện khác. Trong đó có khoảng 30% rất nặng, nếu không được cứu chữa kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao (trên 80%).

Ban Chỉ đạo kiến nghị Chính phủ cho phép Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân nặng để cứu chữa kịp thời, dù trong điều kiện dịch bệnh và bệnh viện đang phải cách li. 

Nguyên tắc tiếp nhận phải có sự trao đổi chuyên môn trước với tuyến dưới, việc vận chuyển bệnh nhân như với đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao, khi vào bệnh viện phải áp dụng biện pháp phân luồng khu cấp cứu, cử cán bộ y tế riêng để điều trị các trường hợp này…

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.