Khám và tư vấn cho người nhiễm HIV tại Bệnh viện đa khoa Hải Dương (tỉnh Hải Dương). |
Nhằm ngăn chặn tình hình dịch, Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay (từ ngày 10-11 đến 10-12) Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đưa ra chủ đề hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam. Đây là năm thứ hai liên tiếp, Bộ Y tế tiếp tục chọn chủ đề này là do xuất phát từ tình hình thực tế: Dịch HIV/AIDS tuy đã khống chế ở mức dưới 0,3% trong cộng đồng dân cư được tám năm trở lại đây và đạt được "ba giảm": giảm số người mới nhiễm HIV; giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Tuy nhiên, số người mới phát hiện nhiễm HIV hằng năm vẫn còn nhiều. Mặt khác, mô hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam đang có sự thay đổi từ lây truyền chủ yếu qua đường máu (tiêm chích ma túy) sang quan hệ tình dục không an toàn.
Những người nhiễm HIV mới trong giai đoạn hiện nay không còn tập trung trong nhóm có hành vi nguy cơ cao như trước đây, mà sự lây nhiễm HIV đã và đang xảy ra trong nhóm những người dễ bị tổn thương như vợ, bạn tình của người nhiễm HIV, người tiêm chích ma túy. Như vậy, mặc dù chúng ta đã làm giảm được tốc độ lây lan của HIV nhưng dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến khó lường và tiềm ẩn các yếu tố có thể gây bùng nổ dịch, nếu chúng ta không có những biện pháp ứng phó toàn diện và quyết liệt hơn.
Mục tiêu 90-90-90 nhằm hướng tới năm 2020 có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) và 90% số người được điều trị bằng ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp (dưới ngưỡng ức chế để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác). Mục tiêu 90-90-90 là những dấu mốc quan trọng có tính chiến lược cần đạt được trong phòng, chống HIV/AIDS nói chung, cũng như để có thể kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Khi thực hiện thành công các mục tiêu trên, thì 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình. Nếu một người nhiễm HIV mà không biết mình nhiễm thì có thể vô tình làm lây truyền HIV cho người thân và cho người khác trong cộng đồng. Hơn nữa sẽ không thể tiếp cận và cung cấp được các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho họ, nhất là điều trị bằng thuốc ARV, bởi điều trị bằng ARV hiện nay còn được coi là biện pháp dự phòng có hiệu quả. Không nắm được số người nhiễm HIV thực tế trong cộng đồng cũng sẽ gây khó khăn trong việc lập kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS.
Trong khi đó, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV sẽ giúp cho người nhiễm HIV tiếp tục kéo dài cuộc sống khỏe mạnh, giảm các nhiễm trùng cơ hội. Việc điều trị sớm bằng thuốc ARV và điều trị đúng sẽ làm giảm khả năng lây truyền HIV qua quan hệ tình dục và giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. 90% số người được điều trị bằng ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp (dưới ngưỡng phát hiện) là chỉ số cho thấy người nhiễm HIV đang sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác. Việc kiểm soát tải lượng HIV ở mức thấp còn là chỉ báo quan trọng đánh giá chất lượng, hiệu quả và sự tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng vi-rút.
Nói chung, các mục tiêu này có liên quan mật thiết với nhau. Từ tiếp cận với những người có hành vi nguy cơ cao để tư vấn, dự phòng lây nhiễm HIV và tạo cơ hội cho họ tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm HIV. Khi một người được chẩn đoán nhiễm HIV cần được kết nối ngay với dịch vụ điều trị ARV và duy trì tốt việc tuân thủ điều trị và chất lượng điều trị. Nếu đạt được cả ba mục tiêu quan trọng này thì chúng ta có thể phát hiện được phần lớn những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được phần lớn những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây truyền HIV cho người khác. Người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, học tập và làm việc bình thường, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội, từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Để thực hiện tốt "Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS", ngoài việc tổ chức mít-tinh và diễu hành, tại từng địa phương, sẽ áp dụng các hình thức tuyên truyền khác nhau cho phù hợp nhưng vẫn bảo đảm được nội dung cần tuyên truyền. Quảng bá, giới thiệu địa chỉ các cơ sở cung cấp các can thiệp dự phòng lây truyền HIV tại địa phương; áp dụng các hình thức khác nhau phù hợp với từng địa phương (như truyền thông đại chúng, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh sẵn có, tổ chức truyền thông trực tiếp...).
Tại những nơi người nhiễm HIV khó tiếp cận với cơ sở y tế sẽ tăng cường hình thức khám, xét nghiệm lưu động, truyền thông về lợi ích tiếp cận sớm các dịch vụ nhất là tư vấn xét nghiệm HIV sớm cho nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao; phụ nữ mang thai trong ba tháng đầu của thai kỳ. Thực hiện cung ứng thuốc ARV liên tục nhằm bảo đảm phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV sớm, phòng lây truyền HIV sang con. Chương trình cũng tăng cường cơ chế phối hợp giữa các địa phương với cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, bảo đảm 100% số trường hợp nhiễm HIV phải được điều trị ARV sớm nhất để dự phòng lây truyền HIV; bảo đảm việc cung ứng thuốc ARV liên tục, sử dụng phác đồ điều trị phù hợp, hỗ trợ tuân thủ điều trị giảm tối đa tình trạng nhiễm HIV ra cộng đồng.
Mục tiêu 90-90-90 hoàn toàn có thể đạt được khi mỗi thành viên trong gia đình có kiến thức hiểu biết về dịch HIV và sự thông cảm, sẻ chia của toàn xã hội.