Theo thông tin mà phóng viên tổng hợp được từ FiinPro, tài khoản của nhà đầu tư tổ chức trong nước đã bán ròng 24,734 triệu cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) trong thời gian từ ngày 28/4 đến ngày 16/5. Tổng giá trị bán ròng là 1.338 tỷ đồng, tương đương mức giá bình quân trên 54.000 đồng/cp.
Theo dõi giao dịch cổ phiếu DIG tại tài khoản tổ chức trong nước cho thấy, nhóm này bán ra 25.145.300 cp trong khi chỉ mua vào 410.400 cp. Lệnh bán thường trực với khối lượng xả hàng triệu đơn vị mỗi phiên. Phiên bán mạnh nhất ghi nhận vào ngày 10/5 với khối lượng bán ròng hơn 7,3 triệu cp. Đây là phiên cổ phiếu DIG hồi phục tăng 5,16% lên 53.000 đồng/cp và khớp lệnh khủng 14,1 triệu đơn vị.
Tổ chức trong nước tiếp tục bán ròng gần 4 triệu cp khi mã này tăng trần lên 56.700 đồng/cp. Hai phiên sau đó, hơn 4,7 triệu cổ phiếu bị xả bất chấp việc giảm sàn. Lực cung cổ phiếu có tín hiệu yếu đi khi khối lượng bán ròng ngày 16/5 chỉ còn 52.000 đơn vị.
Trong lần báo cáo giao dịch gần đây nhất, Him Lam thông báo còn nắm giữ 24.929.077 cổ phiếu DIG cuối ngày 27/4, tương đương 4,987% vốn điều lệ của DIC Corp. Với việc không còn là cổ đông lớn, tổ chức này không phải công bố thông tin khi bán ra như lần trước đó.
Sự tương đồng về khối lượng và phương thức giao dịch khớp lệnh đặt nghi vấn về việc Him Lam tiếp tục xả cổ phiếu DIG trên sàn. Nếu đúng như vậy, động thái giao dịch của Him Lam hoàn toàn trái ngược với những chia sẻ của Tổng Giám đốc và Chủ tịch của DIC Corp trong cuộc họp đại hội cổ đông vừa qua.
Câu chuyện Him Lam thoái vốn tại DIC Corp khi nhà đầu tư cá nhân FOMO cổ phiếu của công ty làm nóng hội trường kỳ đại hội tổ chức ngày 22/4. Ông Hoàng Văn Tăng, Tổng Giám đốc của DIC Corp chia sẻ với cổ đông rằng ngày ngày liên hệ với bên bán, Him Lam xin lỗi và cam kết không bán nữa cho tới khi thị trường ổn định trở lại.
Còn theo ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT của DIC Corp, công ty có thể bàn lại với Him Lam và mua lại một phần để tránh ảnh hưởng tới các cổ đông trong ngắn hạn. Song, thực tế những ngày qua thị trường không xuất hiện giao dịch thỏa thuận, tổ chức trong nước xả toàn bộ cổ phiếu khớp lệnh trên sàn.
Tới đây, DIC Corp mất đi sự đồng hành của Him Lam, ông Nguyễn Thiện Tuấn sẽ đồng hành cùng hơn 48.000 cổ đông, trong đó đa phần là NĐT cá nhân trong nước.
Trở lại câu chuyện nửa năm về trước, bất động sản là nhóm cổ phiếu nóng thu hút sự quan tâm đặc biệt là dòng tiền từ cá nhân trong nước. Nhà nhà người người “đếm cua” quỹ đất của doanh nghiệp thổi giá cổ phiếu lên cao vút. Cảnh tượng cổ đông tham dự đại hội cổ đông đông chưa từng có phần nào cho thấy sức nóng của nhóm cổ phiếu này.
Cổ phiếu bất động sản tăng phi mã khiến nhiều NĐT dễ dàng lãi bằng lần với những khoản tiền bạc tỷ thu về chỉ trong ít tháng. Đây cũng là niềm vui của những nhà đầu tư tổ chức, trong đó có cả những bên vừa mới mua vào hay những quỹ ngoại “kẹp hàng” dài hạn. Điển hình khi DIG và CEO nổi sóng, Him Lam và Pyn Elite Fund (Phần Lan) là hai tổ chức đã tích cực xả hàng nhất và lực cầu không ai khác chính là những nhà đầu tư cá nhân.
Nói về Him Lam, cổ đông tổ chức này chi ra khoảng 1.500 tỷ đồng để mua 67,7 triệu cổ phiếu DIG trong tháng 12/2020. Đây chính là thời điểm DIC Corp có sự thay đổi lớn về cổ đông khi các cổ đông tổ chức như Bản Việt, Khánh Hội, Dragon Capital, TaeKwang Vina Industrial thoái vốn. Phía mua vào là Him Lam và các cá nhân tổ chức khác.
Sau hai đợt DIG Corp chia cổ tức vào tháng 4 và 6 năm 2021, lượng cổ phiếu mà Him Lam nắm giữ tăng lên hơn 87 triệu đơn vị. Ước tính giá vốn cổ phiếu DIG của khoảng 16.710 đồng/cp. Khi lãi bằng lần, Him Lam nhanh chóng chuyển mình từ một cổ đông chiến lược đồng hành phát triển các dự án sang nhà đầu tư tài chính.
Chưa đầy một năm, Him lam bắt đầu đặt lệnh bán vào tháng 8/2021. Thời điểm đó DIG đang giao dịch trên 32.000 đồng/cp và tổ chức này đã lãi gấp đôi. Trước khi công bố không còn là cổ đông lớn, thống kê của người viết cho thấy Him Lam đã có 14 đợt bán cổ phiếu DIG với khối lượng gần 62,2 triệu đơn vị.
Thời điểm Him Lam bán DIG được giá nhất là nửa đầu tháng 1 với giá trên 90.000 đồng/cp, đỉnh điểm trên 110.000 đồng/cp. Trong ba tuần đầu tháng 4, tổ chức này bán ra DIG với giá trên 70.000 đồng/cp.
Nguồn: Lợi Hoàng.
Theo ước tính của phóng viên, số tiền mà Him Lam thu về nếu như thoái toàn bộ vốn tại DIC Corp vào khoảng 5.500 tỷ đồng, gấp hơn 3,5 lần số tiền đầu tư ban đầu. Khoản đầu tư này đã đem về khoản lãi 4.000 tỷ đồng cho Him Lam.
Nói thêm, không chỉ Him Lam được hưởng lợi khi giá cổ phiếu DIG lên phi mã. Một cách ngẫu nhiên, trong khoảng thời gian Him Lam bán ra, một tổ chức trong nước là CTCP Đầu tư phát triển Thiên Tân cũng thoái vốn tại DIC Corp, tập trung tháng 8 và 9/2021. Tổng khối lượng bán ra là hơn 22 triệu đơn vị. Động thái chốt lời diễn ra ngay trước thời điểm Thiên Tân được duyệt mua 38 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ của DIC Corp với giá 20.000 đồng/cp.
Trong tháng 11/2021, khi giá cổ phiếu DIG lên vùng giá 6x, vợ ông Nguyễn Thiện Tuấn tranh thủ bán gần hết 1,6 triệu cổ phần tại công ty.