Nhiều lao động thu nhập thấp vẫn phải đóng thuế TNCN. (Ảnh: Gia Khiêm).
Quy định từ ngày 1/7/2013, cá nhân có thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng trở lên bị khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 10% khi nhận. Thu nhập vãng lai được hiểu là khoản thu nhập, tiền công, thù lao được nhận ở các nơi không thông qua hợp đồng lao động.
Mức thù lao này hiện đã quá thấp so với thu nhập nói chung và chi tiêu của nhiều người lao động nhưng vẫn chưa được chỉnh sửa.
Chị Kim Ngọc (quận 8, TP HCM) là một người chuyên đi giúp việc nhà để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Chị có lương tháng cố định ở 2 gia đình tổng cộng khoảng 7 triệu đồng/tháng và chưa thuộc diện phải đóng thuế TNCN. Thỉnh thoảng hai ngày cuối tuần chị Ngọc tranh thủ làm thêm việc dọn dẹp ở một số đám tiệc, công ty khác để tăng thu nhập.
Chị Ngọc kể có lần được giới thiệu đến dọn văn phòng cho một công ty ở quận 3, TP HCM trong hai ngày liên tiếp và được thỏa thuận sẽ nhận tiền công 2 triệu đồng. Thế nhưng khi nhận tiền kế toán nói chị bị trừ thuế hết 200.000 đồng và chỉ còn thực nhận 1,8 triệu đồng.
“Trời đất ơi tui quá bất ngờ và thấy xót xa vì xưa giờ có biết đóng thuế là cái chi. Tui thuộc dạng người nghèo mới đi làm giúp việc và 200.000 đồng đó đủ mấy buổi chợ cho cả nhà ăn. Làm thêm có chút xíu tiền đó mà cũng bị chặt bớt. Trước giờ nếu tui làm cho gia đình khác thì được lãnh đủ. Từ đó về sau nếu có làm cho công ty là tui cứ thỏa thuận trước thôi trả cho tui 1,9 triệu đồng là được rồi, còn hơn trả 2 triệu đồng mà thực tế còn thấp hơn”, chị Kim Ngọc nói.
Chị Kim Ngọc không phải là trường hợp cá biệt và do ngưỡng chịu thuế quá lạc hậu, rất nhiều trường hợp sẽ lách luật với sự thỏa thuận giữa người chi trả và người nhận. Chẳng hạn các nơi đều thống nhất sẽ chi trả cho người lao động thù lao là 1,9 triệu đồng/lần hoặc 1,99 triệu đồng/lần để khỏi bị trừ thuế.
Từ năm 2017, Bộ Tài chính đã đề nghị tăng mức khấu trừ đối với thu nhập vãng lai từ mức 2 triệu đồng lên 5 triệu đồng mới khấu trừ thuế 10% nhưng đến nay vẫn chưa được nâng lên. Điều này khiến số lượng người lao động dù chưa đến thu nhập chịu thuế vẫn phải đóng thuế. Đặc biệt đối với những người lao động phổ thông, người nghèo cũng bị đóng thuế TNCN khi có những thu nhập khác.
Theo các chuyên gia kinh tế, ngưỡng chịu thuế thấp không những khiến người chịu thuế bị thiệt mà bộ máy cơ quan thuế cũng sẽ quá tải, trong khi nguồn thu không được bao nhiêu.
Thống kê từ Tổng cục Thuế cho thấy đã có hơn 50 triệu người nộp thuế TNCN. Số thu từ thuế TNCN ngày càng tăng. Nếu như năm 2010 số thuế này thu chỉ đạt khoảng hơn 26.000 tỉ đồng, hiện đã tăng lên tới 97.800 tỉ đồng (gần 4 lần). Dự kiến cả năm nay, nguồn thu này có thể đạt hơn 113.000 tỉ đồng.
Đô thị 08:29 | 13/07/2020
Nhà đất 08:06 | 13/07/2020
Kinh doanh 08:03 | 13/07/2020
Đô thị 08:03 | 13/07/2020
Kinh doanh 09:07 | 29/06/2020
Đô thị 06:02 | 29/06/2020
Du lịch 06:00 | 29/06/2020
Tiêu dùng 20:34 | 28/06/2020