Diễn viên Thùy Dương và con gái. (Ảnh: NVCC) |
Làm mẹ đơn thân từ khi còn rất trẻ với cuộc hôn nhân “thiếu lửa”, Thùy Dương đã dũng cảm chọn lựa một cuộc sống độc lập và tự chủ khi mới 20 tuổi. Một mình nuôi bé Coca, Thùy Dương không nhận mình “vừa làm cha - vừa làm mẹ” cho con mà cô dạy con theo cách “coi con như bạn”.
-Chào Thùy Dương, là một người mẹ, tôi khá ấn tượng với phương pháp dạy con với slogan “coi con như bạn” của bạn. Bạn có thể chia sẻ rõ hơn về cách dạy bé Coca khi ở nhà của bạn không?
Chào chị. Dương thường hay gặp những câu hỏi về cách dạy con, có lẽ bởi nhiều người cho rằng Dương là một bà mẹ “đặc biệt”. Thực ra Dương nghĩ, với tất cả các bà mẹ thì đều có cách dạy con theo suy nghĩ mà họ cho là phù hợp nhất, không quan trọng người mẹ đó ở hoàn cảnh đơn thân hay có chồng. Với Dương, Dương nhìn lại cách mà cha mẹ đã dạy mình và mình “gút” lại những điều đó để dạy Coca. Cuộc sống luôn là những thỏa hiệp, vì vậy cách tốt nhất là đối thoại chứ không đối đầu. Dương dạy con biết chia sẻ và nói ra điều mà con nghĩ, dù điều đó có hợp ý mình hay không.
Thùy Dương dạy con bằng cách coi con như bạn. |
-Bạn gặp khó khăn gì trong việc không đe nẹt Coca mà lại sử dụng biện pháp mà nhiều người cho là khá hiền khi dạy con?
Có lẽ do Dương may mắn. Từ khi Coca còn bé tới giờ, cháu luôn thể hiện là một cô bé “mềm tính”, không quá hiếu động và thích làm trái ý người lớn. Tuy vậy vẫn nhiều lúc cháu thể hiện cá tính của mình, không nghe lời mẹ chứ không phải là cái gì mẹ nói thì cháu cũng nhất nhất nghe theo.
-Vậy những lúc Coca bướng thì bạn nói chuyện với con thế nào?
Dương rèn cho Coca từ bé cách tự lập và dùng cách nói chuyện với con, tức là hai mẹ con sẽ dùng cách nói chuyện chứ không có các biện pháp gì mạnh hơn với nhau. Từ bé Dương đã dạy con cách cư xử bởi nhà chỉ có hai mẹ con, rất may cháu là đứa trẻ hiểu chuyện. Dương nhìn thấy rất nhiều đứa trẻ khóc lóc giãy giụa để đòi một món gì đó mà nó thích nhưng Coca thì chưa bao giờ như vậy, bởi vì Dương chọn cách thỏa hiệp.
-Ví dụ?
Ví dụ với những món đồ chơi hay kể cả đồ ăn ngon đắt tiền, Dương chỉ để cho con thấy đó là những phần thưởng chứ không phải cứ muốn mà có. Mặc dù Dương là người rất chiều con, ai cũng phải nói về điều đó. Hầu như bất cứ thứ gì con muốn Dương đều đáp ứng, nhưng Dương dùng cách thưởng chứ không mua sắm tùy tiện để Coca nghĩ việc đó là đương nhiên.
Nếu như con muốn cái gì con sẽ nói với mình, Dương không mua ngay mà đưa ra một điều kiện gì đó với con ở trường hoặc ở nhà, con đạt được mới mua. Hay con rất thích ăn sushi, Dương cũng nói “Nếu ở trường con chăm ngoan thì cuối tuần mẹ đưa con đi ăn một lần, và một tuần chỉ một lần”.
-Có vẻ như bạn đang có những thỏa thiệp rất ổn vì Coca có vẻ đồng tình, có khi nào hai mẹ con bất đồng quan điểm không?
Có chứ chị! Việc bất đồng quan điểm giữa Dương với Coca cũng có rất nhiều. Ví dụ như việc học đàn. Dương thích con học piano nhưng con thích học violon. Dương không nói gì cả, vì khi đó cháu mới 5 tuổi, chưa biết chơi một loại nhạc cụ gì. Dương dẫn con đến chỗ bán đàn piano cho chơi thử. Chơi xong mình hỏi “Con thấy thế nào?” thì Coca bảo vẫn thích violon hơn. Sau hôm đó, mình theo ý kiến của con, cho cháu đi học violon.
Dù muốn con học piano nhưng khi Coca tỏ ý thích học violon hơn, Thùy Dương quyết định nghe theo ý kiến của con. |
-Có nhiều gia đình hay áp đặt suy nghĩ của mình lên con trẻ, luôn nghĩ rằng tụi trẻ chưa biết nghĩ thấu đáo nên mình nghĩ hộ, làm thay, cứ uốn con sẽ phải theo. Dương nghĩ gì về quan điểm này?
Dương nghĩ bố mẹ nên dùng cách nói chuyện với con, chia sẻ với con ngay từ khi con còn nhỏ để tập cho con một thói quen như thế. Trên góc độ là bạn của con, đôi khi còn phải đặt mình vào địa vị của con vì dù gì cũng sẽ có khoảng cách về thế hệ về sự nhận thức. Mình không thể bắt con nhận thức bằng mình ngay mà phải tập cho quen từ từ. Mọi việc mình xử sự hay quyết định phải để cho đôi bên cùng thấy hợp tình hợp lý thì con mới phục, mới nghe lời, chứ không được cậy mình làm bố làm mẹ để áp đặt con.
Nhiều bố mẹ bắt con nói. Xong thấy con nói sai đánh luôn, hoặc thấy con làm sai đánh luôn. Thế là lần sau chúng nó sợ, nói gì làm gì chúng nó cũng sợ sai, sợ bị đánh. Như thế là triệt tiêu đi cái quyền bày tỏ ý kiến, cảm xúc thực của trẻ. Điều này ảnh hưởng không tốt với sự phát triển tính cách của con, chắc chắn là thế.
-Vậy theo bạn, dạy con từ độ tuổi bao nhiêu để bé hiểu được những thỏa thuận của mình là hợp lí?
Từ hơn một tuổi bé đã bắt đầu nhận thức thế giới xung quanh rồi. Lúc này mình chia sẻ dần dần từ chuyện cất đồ chơi, mình hướng dẫn cho bé cách chào người lớn. Làm mẫu cho con xem để “ăn” vào tư duy của cháu. Ví dụ hàng ngày mình cứ thấy người lớn là mình chào “con chào ông bà ạ, chào bác ạ, chào anh chị ạ!” thì con cũng sẽ có phản xạ bắt chước mình. Trẻ con là tấm gương phản chiếu của người lớn mà.
Khi bé lớn hơn, thì mọi thứ đều nên có quy định. Ví dụ: Quy định cho chơi ipad một ngày mấy tiếng, nếu hư thì sẽ phạt bằng cách không cho cho 1 ngày, 1 tuần tùy vào “tội trạng”. Chủ trương của Dương là không mắng chửi, chỉ nhẹ nhàng hỏi: “Con có thấy con hư không? Con có thấy việc con làm là sai không?”. Thường thì bé Coca sẽ tự nhận thấy mình đúng hay sai và tự giác nhận lỗi.Nếu bé bảo có, thì mình sẽ bảo “trong một tuần tới con không được xem ipad”.
Dương luôn nói chuyện, chia sẻ với bé mỗi lần một chút một chút để bé hiểu về hoàn cảnh của mình, của mẹ, của gia đình như thế nào để con xin những món đồ chơi phù hợp.
Với Dương, điểm mấu chốt trong việc dạy con là phải thỏa hiệp và làm mẫu trước cho con thấy ngay từ khi con hơn một tuổi. |
-Nếu con tỏ thái độ không hợp tác thì sao?
Có đôi lần có thái độ hơi khác thì Dương lại hỏi: "Tại sao con thái độ? Con thấy con không sai hay con bị phạt oan phải không?". Nói chung mình luôn dùng cách chia sẻ thẳng thắn, công bằng và quan trọng là cho con nói ra tất cả những điều con nghĩ dù đúng dù sai.
Nếu con sai sẽ phân tích từ từ hoặc tìm một ví dụ hay một câu chuyện nào đấy để con hiểu, vì như Dương đã nói đừng bắt trẻ con nhận thức bằng mình. Đến cả mình bây giờ vẫn còn sai cơ mà (Cười).
-Có vẻ như hai “chị em” rất hòa thuận và hợp tác khi coi nhau như bạn thay vì “trên bảo dưới phải nghe”. Dương có chia sẻ gì với các mẹ khi ở trong hoàn cảnh nuôi con một mình không?
Dương không áp dụng chuẩn mực của riêng mình cho bất cứ ai. Có thể với người này là đúng nhưng với người kia lại chưa hợp lí, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh mà. Tuy thế, là phụ nữ dù đặt mình ở hoàn cảnh nào cũng nên chủ động và độc lập trong công việc, tư duy và hành vi. Đừng “nhồi” vào đầu con cái những tư duy tiêu cực và oán thán số phận của mình. Hạnh phúc của phụ nữ không phải cứ có chồng mới có hạnh phúc, hạnh phúc của một đứa trẻ không phải cứ có cha bên cạnh dạy dỗ mới nên người. Rất nhiều đứa trẻ có cha có mẹ nhưng sống thiếu chuẩn mực bởi cách dạy dỗ sai phương pháp của người lớn.
"Mình muốn ở người khác cái gì thì hãy mẫu mực với chính bản thân mình ở điều ấy". |
Vậy thì, muốn con hạnh phúc thì mình phải hạnh phúc trước, muốn con ngoan thì mình phải ngoan trước, mình muốn ở người khác cái gì thì hãy mẫu mực với chính bản thân mình ở điều ấy. Như vậy, cuộc sống sẽ an yên, dù bạn có đơn thân hay song thân (Cười).
-Cảm ơn Thùy Dương, chúc hai mẹ con luôn an yên, hạnh phúc!
Mẹo trị con tật khóc ăn vạ theo phong cách 'Người phán xử' Các mĩ nhân của “Người phán xử” đã chỉ mẹo cho phụ huynh xử lí những ca khóc ăn vạ của trẻ. Cùng xem Hương ... |
Không loại trừ khả năng có 'Người phán xử' bản điện ảnh? Đúng vào thời điểm phim truyền hình “Người phán xử” chỉ còn 10 tập nữa, bộ phận truyền thông VFC gây bất ngờ với dòng ... |
Giai nhân biết điều Phan Hương bảo cô vừa thích được gọi là giai nhân vừa thích được là “con gái ông trùm”. Lý do tại sao thích thì ... |
Ảnh ngày ấy - bây giờ của dàn diễn viên 'Người phán xử' Chắc chắn các fan của bộ phim Người phán xử sẽ bất ngờ khi nhìn lại những bức ảnh ngày xưa của dàn diễn viên ... |
Hương Phố 'Người phán xử': Mĩ nhân cặm cụi Ở ngoài đời, diễn viên Thúy An thực sự là một người phụ nữ của gia đình, không chỉ chăm con khéo, Thúy An còn ... |