Tia laser chiếu vào máy bay gây ảnh hưởng thế nào tới an toàn hàng không?

Hành vi chiếu tia laser vào máy bay có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe của phi công và hành khách trên chuyến bay, đặc biệt trong giai đoạn hạ cánh.

Báo Dân Trí thông tin, nhà chức trách sân bay Nội Bài cho hay, khoảng 20h10 ngày 16/12/2016, khi máy bay mang số hiệu VN266 của Vietnam Airlines, thực hiện hành trình từ TPHCM đi Hà Nội chuẩn bị đi vào khu vực tiếp cận hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, phi công của chuyến bay VN266 đã gửi thông báo tới cơ quan kiểm soát không lưu cho biết đã bắt gặp nguồn sáng chiếu từ dưới đất lên trời và cắt ngang qua buồng lái.

Điểm khởi phát của nguồn sáng cách sân bay Nội Bài khoảng 10km, hướng Việt Trì - tỉnh Phú Thọ (tính theo cự ly đường hàng không - PV). Tổ lái cho rằng đó không phải tia laser mà là tia sáng mạnh của đèn công suất lớn được chiếu từ dưới đất lên trời.

Sự việc này ngay sau đó được báo cáo lên Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia và Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố TP Hà Nội để đơn vị có trách nhiệm thực hiện rà soát, làm rõ nguồn sáng phát ra gây cản trở hoạt động tác nghiệp của phi công và uy hiếp an toàn bay.

Trước đó, nhà chức trách hàng không Việt Nam ghi nhận nhiều vụ máy bay bị chiếu tia laser khi hạ cánh, nhiều nhất xảy ra ở Hà Nội, TPHCM.

Cụ thể, lúc 19h40’ tối ngày 2/6/2016 khi đang thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện, Trung đoàn 921 phát hiện có đèn chiếu tia laser tại xã Mai Đình, phía Tây Nam Cảng Hàng không Nội Bài. Các lực lượng chức năng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài ngay lập tức đã phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra khu vực này nhưng không phát hiện đối tượng sử dụng.

Việc chiếu tia laser vào máy bay khi đang cất hoặc hạ cánh có thể gây tổn thương mắt phi công. (Ảnh: Dân Trí).

Đến 22h40’ tối ngày 11/6/2016, chuyến bay VN7168 của Vietnam Airlines từ Đà Nẵng đến Hà Nội khi đang chuẩn bị hạ cánh, phi công phát hiện có đèn chiếu tia laser hướng 280 độ về phía Tây, cách Nội Bài khoảng 40 km.

Ngày hôm sau, lúc 21h50’, tổ bay VN 1554 của Vietnam Airlines, chặng Cam Ranh - Hà Nội, trong quá trình hạ cánh phát hiện tại vị trí khoảng 5-6 km cách đầu đường cất hạ cánh có hiện tượng đèn laser màu xanh chiếu lên buồng lái.

20h39 phút ngày 14/6, tổ bay VJ174 của Hàng hàng không Vietjet, chặng bay Tp. Hồ Chí Minh - Hà Nội cũng phát hiện đèn laser màu xanh chiếu vào máy bay vị trí hướng 265 độ, cách Đài chỉ huy không lưu Nội Bài khoảng 27 km về phía Tây.

Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia đã gửi văn bản đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố thành phố Hà Nội, Công an tỉnh Vĩnh Phúc triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi sử dụng đèn chiếu laser vào tàu bay, uy hiếp an toàn hoạt động bay tại Nội Bài.

Hành vi chiếu tia laser vào máy bay có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe của phi công và hành khách trên chuyến bay, đặc biệt trong giai đoạn hạ cánh. Vi phạm này được kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Thông tin trên VnExpress, theo một lãnh đạo Cảng vụ hàng không miền Bắc, việc chiếu tia laser vào máy bay khi đang cất hoặc hạ cánh có thể gây tổn thương mắt phi công. Đèn làm phi công mất phương hướng, mất kiểm soát tạm thời máy bay, uy hiếp nghiêm trọng an toàn hàng không.

Thông tin trên TTXVN, ông Phạm Minh Trọng, Phó phòng Tiêu chuẩn an toàn bay, Cục Hàng Không Việt Nam nhận định, khi tia sáng của laser chiếu vào buồng lái, chưa cần biết có ảnh hưởng đến mắt hay không, thì chắc chắn hành động này rất dễ làm phi công bị phân tán tư tưởng.

“Trước tiên chúng tôi nghĩ đó chỉ là trò nghịch ngơm của một vài cá nhân nào đó. Nhưng dù bất kể là với mục đích gì thì hành động này cũng phải được kiểm soát và không để tái diễn.” – ông Trọng nói.

Cũng liên quan tới vấn đề này, Cơ trưởng máy bay Boeing 787 của Hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Đinh Đức Tuấn phân tích, ảnh hưởng của laser đối với phi công là rất nghiêm trọng, dễ gây tổn thương tới vùng mắt. Đặc biệt, vào giai đoạn cần tập trung cao độ vào thời điểm cất/hạ cánh máy bay việc tiếp xúc với nguồn sáng lạ chiếu rọi vào khoang lái sẽ khiến phi công bị xao nhãng.

Cũng theo ông Tuấn, khi gặp phải trường hợp trên, người phi công phải hết sức bình tĩnh, không dụi mắt để bảo vệ mắt, dùng lái tự động để có thêm thời gian đánh giá tình hình và có biện pháp xử lý.

Ngoài ra, trong quá trình tiếp cận, phi công có thể ra quyết định thay đổi phương án dừng cất hạ cánh (bay cao lên hay hạ thấp xuống) tránh tia laser, đồng thời khẩn trương báo cáo nhà chức trách mặt đất về tình huống đang xảy ra để có hướng giải quyết.

chọn
Phiên đấu giá đất huyện ven Hà Nội ế khách
Huyện Phúc Thọ chỉ bán được một lô đất, với giá gần 67 triệu đồng mỗi m2 tại phiên đấu giá mới đây.