Tiến độ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Quá trình triển khai cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như chỉ tiêu sử dụng đất của dự án trên địa phận Lạng Sơn chưa đủ; có sự sai lệch so với bản đồ chuyển mục đích sử dụng rừng đã được Thủ tướng phê duyệt; một số vị trí đoạn tuyến phải điều chỉnh...

Phối cảnh cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh. (Ảnh: Chủ đầu tư). 

Theo thông tin từ Báo Cao Bằng, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) mới đây đã có buổi họp đánh giá tiến độ triển khai công trình. 

Giai đoạn 1 của dự án được phê duyệt ngày 15/9/2023. Đến ngày 13/12/2023, địa phương có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Cơ cấu nguồn vốn sau điều chỉnh, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 14.252 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước 9.800 tỷ đồng (tăng 3.220 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương). Trong đó, ngân sách địa phương 4.080 tỷ đồng, ngân sách Trung ương 5.720 tỷ đồng (chiếm gần 69%); vốn nhà đầu tư và các nguồn vốn khác gần 4.452 tỷ đồng (chiếm hơn 31%). 

UBND tỉnh giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 cho dự án là gần 1.283 tỷ đồng, năm 2024 gần 1.304 tỷ đồng.

Hiện tại, UBND huyện Thạch An bàn giao cho dự án với chiều dài 2,94 km/21,63 km, diện tích gần 13 ha. Dự kiến ngày 29/2 sẽ bàn giao đoạn xóm Bản Căm, xã Lê Lai (gồm 67 hộ, diện tích 8,2 ha, chiều dài tuyến khoảng 1,8 km) để phục vụ thi công dự án.

Tại huyện Quảng Hòa, hội nghị triển khai công tác GPMB tại 4/4 xã, thị trấn được hoàn thành; kiểm đếm đất đai, tài sản, hoa màu trên đất và lập dự toán sơ bộ được 156/680 hộ. Đến nay, 25 hộ gia đình cụm dân cư xóm Lũng Tao có đất thu hồi cùng đại diện xóm Bản Tin - Lũng Tao ký kết bàn giao mặt bằng.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đang phối hợp cùng các đơn vị được giao nhiệm vụ rà phá bom mìn theo quy định; phối hợp với UBND các huyện Thạch An, Quảng Hòa và Công ty Điện lực Cao Bằng rà soát khối lượng hệ thống đường điện cần di chuyển. 

Quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như chỉ tiêu sử dụng đất của dự án trên địa phận tỉnh Lạng Sơn chưa đủ; có sự sai lệch so với bản đồ chuyển mục đích sử dụng rừng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh lại; một số vị trí đoạn tuyến phải điều chỉnh để đảm bảo phù hợp với địa hình thực tế và giảm thiểu ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân khu vực dự án đi qua.

Đối với kế hoạch triển khai dự án giai đoạn 2, hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 11/2023; công tác GPMB từ quý I - quý IV/2024; hoàn thành lập thiết kế kỹ thuật trong quý II/2024; xây dựng dự án từ quý I/2024 - quý III/2026.  

Trước đó, Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được khởi công vào ngày 1/1. Công trình có chiều dài hơn 93 km, điểm đầu tại tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn và điểm cuối tại nút giao quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.  

Dự án được Chính phủ phân cấp cho tỉnh Cao Bằng làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) - CTCP Xây dựng công trình 568 là nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP, hợp đồng BOT. 

Dự án sẽ tạo ra một tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch mới kết nối giao thương hàng hóa từ cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh - Urumqi (Trung Quốc) - Khorgos (Kazakhstan), sang Trung Á và các nước châu Âu.

chọn
Hai luật lớn về bất động sản có thể hiệu lực sớm từ 1/7
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo nghị quyết cho phép Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực sớm nửa năm.