Sau 9 tháng thi công, sản lượng chung của dự án đạt 19,3% tương đương với giá trị 1.375 tỷ đồng. Tiến độ của dự án đang nhanh hơn kế hoạch đề ra 0,9% tương đương 65,5 tỷ đồng; trong đó, gói thầu XL01, đạt 19,4% so với hợp đồng, nhanh 1,3% so với kế hoạch; gói thầu XL02, đạt 19,1% so với hợp đồng, nhanh 0,3% so với kế hoạch.
Đến nay, địa phương đã bàn giao mặt bằng gần 77 km, đạt hơn 92% chiều dài toàn tuyến; trong đó, mặt bằng có thể tiếp cận để thi công được khoảng 90%. Với mặt bằng khoảng 6,51 km chưa bàn giao mặt bằng chiếm 10% và hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa di dời được xem là thách thức cản tiến độ của dự án trong thời gian tới.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, đã thống nhất phương án 164 vị trí hạ tầng kỹ thuật trên toàn tuyến. Nhưng đến nay, địa phương mới triển khai được 52 vị trí đường điện trung hạ thế, ống nước sinh hoạt, đường cáp viễn thông... Các vị trí còn lại đang trong quá trình thẩm định phê duyệt.
Về mỏ vật liệu, Ban Quản lý dự án 7 cho hay, đến nay Khánh Hòa đã cấp phép khai thác 8 mỏ vật liệu đá, cát với trữ lượng 4,68 triệu m3, đáp ứng 75% nhu cầu cho toàn dự án.
Đại diện các nhà thầu cho biết đã có kiến nghị địa phương sớm hoàn thiện khu tái định cư để giải quyết vướng mặt bằng còn lại, đồng thời tập trung di dời hạ tầng kỹ thuật trên tuyến... Đây là 2 điểm nghẽn chính khiến công địa thi công chưa thể đồng bộ.
Ông Trương Lương Phương, Chỉ huy trưởng CTCP Lizen tại dự án Vân Phong – Nha Trang thuộc gói thầu XL01 cho biết, nhà thầu đang gặp khó khăn trong triển khai thi công và mong địa phương sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng để thi công đồng loạt. Bởi hiện tại do mặt bằng "xôi đỗ", không có đường tiếp cận thi công nên việc vận chuyển vật liệu, thiết bị cũng gặp nhiều thách thức.
Trong khi đó, đại diện nhà thầu CTCP Tập đoàn Sơn Hải (thi công gói thầu XL02) cho biết, nhà thầu hiện đang đứng đầu về khối lượng tại dự án, vượt 9% so với hợp đồng. Đơn vị đang huy động trên 170 thiết bị, máy móc và 300 cán bộ, kỹ sư, công nhân chia thành 55 mũi thi công 3 ca, 4 kíp nhưng vừa làm vừa chờ mặt bằng. Nếu giải quyết được mặt bằng “xôi đỗ” sớm, chắc chắn khối lượng thi công sẽ tăng lên rất nhiều. Ngoài ra, việc chưa di dời hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt đường dây 110 kV, 220 kV đã ảnh hưởng tới việc vận chuyển vật tư, tiến độ thi công và gây mất an toàn.
Mặc dù không khó khăn về nguồn vật liệu nhưng đại diện nhà thầu Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex thuộc XL02 cho hay, phạm vi thi công của gói thầu do Vinaconex đảm nhiệm đang vướng việc chuyển đổi đất rừng, việc này đang chuyển biến chậm.
Ông Trần Minh Tân, Chỉ huy trưởng Vinaconex tại dự án Vân Phong – Nha Trang thuộc gói thầu XL02 cho hay, ngoài khó khăn về chuyển đổi đất rừng chậm, hiện việc thi cầu lớn tại gói thầu do Vinaconex phụ trách cũng bị vướng mặt bằng (diện tích cây trầm chưa được di dời do người dân chưa đồng thuận về giá cả bồi thường)
Trong buổi kiểm tra công trường thi công cao tốc Vân Phong – Nha Trang giữa tháng 9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm ghi nhận nỗ lực triển khai dự án của chủ đầu tư, nhà thầu, sự phối hợp hỗ trợ của địa phương. Đến nay, tiến độ dự án tích cực, thậm chí vượt kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho rằng để đáp ứng yêu cầu giải ngân nguồn vốn được giao các nhà thầu thi công phải quyết tâm hơn nữa. Trên công trường có giải pháp thi công linh hoạt hiệu quả. Như tập trung thi công hệ thống thoát nước xong cơ bản trước mùa mưa. Tăng cường nhân sự cho công tác lập hồ sơ nghiệm thu thanh toán...
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đề nghị các địa phương bàn giao mặt bằng đúng tiến độ; trong đó, ưu tiên giải phóng mặt bằng các vị trí có đường công vụ, đường tiếp cận công trường, vị trí cầu và các vị trí đào phá đồi đất, đá để khai thác vật liệu đắp tận dụng nền đường ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công.
Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang nằm trên địa bàn Khánh Hòa, có điểm đầu (Km285+000) kết nối đường dẫn cửa phía Nam hầm Cổ Mã (huyện Vạn Ninh); điểm cuối (tại khoảng Km368+350) kết nối cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.
Tổng chiều dài 83,35 km (qua địa bàn 4 huyện, thị: Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, Diên Khánh và Khánh Vĩnh). Tổng mức đầu tư của dự án là 11.808 tỷ đồng với 2 gói thầu XL01 và XL02.
Trong đó gói thầu XL01 (Km285 – Km337+500) do Liên danh CTCP Lizen,CTCP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, CTCP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C và Công ty Hải Đăng thi công.
Đối với gói XL02 (Km337+500 – Km368+350) do liên danh CTCP Tập đoàn Sơn Hải – Công ty Vinaconex thi công.