Tiến độ mặt bằng tuyến vành đai 3 TP HCM đạt 87%

Toàn dự án vành đai 3 TP HCM đã bàn giao mặt bằng 571/658 ha đạt 87%, trong đó TP HCM và Long An đã đạt 98%, Bình Dương đạt 86%, riêng Đồng Nai mới đạt 6,2%.

Cầu Nhơn Trạch trên tuyến vành đai 3 TP HCM. (Ảnh: Hải Quân).

Theo Báo Chính phủ, ngày 13/2 hôm nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra tiến độ đường vành đai 3 TP HCM trên địa bàn TP HCM.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải và UBND TP HCM, đường vành đai 3 TP HCM có tổng chiều dài khoảng 76 km, quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 8 làn xe cao tốc; đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe); giai đoạn phân kỳ 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe) đầu tư không liên tục.

Dự án đi qua địa phận 4 địa phương gồm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, sơ bộ tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Dự án được chia thành 8 dự án thành phần bao gồm 4 dự án thành phần xây dựng và 04 dự án thành phần giải phóng mặt bằng, giao UBND TP HCM, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An làm cơ quan chủ quản, triển khai đầu tư theo hình thức đầu tư công.

Toàn dự án đã bàn giao mặt bằng 571/658 ha đạt 87%, trong đó TP HCM và Long An đã đạt 98%, Bình Dương đạt 86%, riêng Đồng Nai mới đạt 6,2%.

Về công tác lựa chọn nhà thầu, khởi công, triển khai thi công, các dự án tại Long An vượt tiến độ, tại TP HCM, Bình Dương cơ bản triển khai đáp ứng tiến độ, Đồng Nai chậm so với kế hoạch. Toàn dự án thi công đạt sản lượng 1.526 tỷ đồng/13.577 tỷ đồng (11,2%).

Song dự án vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là nhu cầu vật liệu cát đắp nền của dự án khoảng 9,2 triệu m3, trong khi nguồn cung về vật liệu cát có nguy cơ thiếu hụt, chưa xác định được đầy đủ nguồn cung cấp. Tỉnh Đồng Nai hiện mới bàn giao 6,2% mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Lưu ý đường vành đai 3 TP HCM có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với kết nối vùng, kết nối với các tuyến cao tốc huyết mạch hướng tâm TP HCM, Thủ tướng đề nghị các cơ quan xác định năm 2024, 2025 là năm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Giao thông vận tải cùng với Chủ tịch UBND TP HCM hằng tháng giao ban kiểm điểm tiến độ dự án vành đai 3. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải (chủ đầu tư) và tỉnh Đồng Nai (thực hiện giải phóng mặt bằng) thúc đẩy tiến độ dự án cầu Nhơn Trạch.

Về các vấn đề liên quan nguyên liệu cát đắp nền cho tuyến vành đai 3 TPHCM, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, triệu tập ngay cuộc họp với các bộ liên quan ngay sau chuyến công tác để xử lý dứt điểm, khẩn trương, hoàn thành trước ngày 28/2.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phải tích cực xử lý vấn đề liên quan các mỏ nguyên vật liệu xây dựng thông thường, các bộ, ngành liên quan sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp; các địa phương cũng phải phối hợp.

Báo cáo thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, các cơ quan đã thống nhất việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cao tốc với một số yêu cầu kỹ thuật; dự kiến trong tháng 4 có thể triển khai rộng việc sử dụng cát biển đắp nền cao tốc.

Về cao tốc TP HCM - Mộc Bài (Tây Ninh) (kết nối với cả hai đường vành đai 3, 4 TP HCM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư; nỗ lực khởi công trước ngày 30/4.

Về dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần có ý kiến chỉ đạo, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến các nhà khoa học trên tinh thần bảo đảm giữ gìn môi trường, nhất là khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Đường vành đai 3 TP HCM có tổng chiều dài khoảng 76 km đi qua 4 địa phương gồm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Tuyến đường được chia thành 8 dự án thành phần vận hành độc lập với tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng.

Cao tốc TP HCM - Mộc Bài có chiều dài toàn tuyến khoảng 51 km, trong đó đoạn qua TP HCM là 24 km, đoạn qua địa phận tỉnh Tây Ninh là 26 km. Giai đoạn 1 thực hiện đầu tư quy mô 4 làn xe.

Tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) cũng được đề xuất tăng lên 21.527 tỷ đồng, phần vốn Nhà nước tham gia dự án là 9.827 tỷ đồng, tương đương 46% tổng mức đầu tư dự án; Phần vốn nhà đầu tư BOT là 11.700 tỷ đồng, tương đương 54% tổng mức đầu tư dự án.

Đối với cảng Cần Giờ, theo tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND TP HCM, thành phố đặt mục tiêu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong giai đoạn 2024 - 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Vị trí xây dựng cảng là khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. 

Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7 km và bến sà lan dự kiến khoảng 2 km; tổng diện tích ước tính khoảng 571 ha. Cảng sẽ tiếp nhận tàu có tải trọng lên đến 250.000 DWT (24.000 Teu), tàu trung chuyển có tải trọng từ 10.000 – 65.000 tấn và sà lan trọng tải tới 8.000 tấn. Kế hoạch đầu tư cảng được chia thành 7 giai đoạn; trong đó, phấn đấu đưa vào khai thác cảng (giai đoạn 1, 2) trước năm 2030.

chọn
Cao tốc CT 08 qua Nam Định - Thái Bình cần giải phóng 509 ha đất, xây 9 cầu và 5 nút giao, hoàn thành vào năm 2027
Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua hai tỉnh Nam Định và Thái Bình có chiều dài hơn 61 km, đi qua 4 huyện của Nam Định, hai huyện của Thái Bình. Tuyến cao tốc này dự kiến được hoàn thành vào năm 2027.