Đường vành đai 3 TP HCM nguy cơ chậm tiến độ vì thiếu nguồn cung vật liệu

Khi hoàn thành công tác đấu thầu 6 gói thầu xây lắp còn lại của tuyến vành đai 3 TP HCM (XL1, XL2, XL4, XL5, XL7, XL10) thì nguồn cung về vật liệu sẽ có nguy cơ thiếu hụt, ảnh hưởng đến tiến độ thi công cho dự án thành phần 1 của đường vành đai 3 TP HCM.

Thi công tuyến vành đai 3 TP HCM trên địa bàn huyện Củ Chi hiện nay. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Thông tin từ Cổng TTĐT Chính phủ trang TP HCM, ngày 29/11, lãnh đạo TP HCM đã đi kiểm tra công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư đường vành đai 3 trên địa bàn ba huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi.

Báo cáo với đoàn khảo sát, đại diện Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông TP HCM (gọi tắt là Ban Giao thông) cho biết đến nay dự án thành phần 1 (gồm công tác xây lắp) đã giải ngân được 1.576 tỷ đồng/7.600 tỷ đồng (đạt 21%); dự án thành phần 2 (công tác giải toả, đền bù) đã giải ngân 10.162/14.751 tỷ đồng (đạt 69%).

Về công tác xây lắp, dự án có 14 gói thầu, trong đó 10 gói thầu xây lắp chính, 4 gói thầu phụ trợ phục vụ khai thác vận hành.

Đến nay, có 4 gói thầu xây lắp chính (XL3, XL6, XL8, XL9) đã khởi công từ tháng 6/2023. Ngoài ra, có 6 gói thầu xây lắp chính (XL1, XL2, XL4, XL5, XL7, XL10) đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật, hiện đang lựa chọn nhà thầu và hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu trong năm nay.

Riêng 4 gói thầu phục vụ vận hành khai thác đang thực hiện, dự kiến trình thẩm định trong năm 2023.

Khó khăn hiện nay theo Ban Giao thông là tình trạng khan hiếm vật liệu cát san lấp, hiện một số mỏ đang ngưng cung cấp hoặc chỉ cung cấp cho các dự án cao tốc trục dọc, trục ngang và các dự án của các tỉnh. 

Đặc biệt là khi các dự án cao tốc đồng loạt triển khai, nhất là giai đoạn cuối năm nay, khi hoàn thành công tác đấu thầu 6 gói thầu xây lắp còn lại (XL1, XL2, XL4, XL5, XL7, XL10) thì nguồn cung về vật liệu (đặc biệt đối với cát đắp) sẽ có nguy cơ thiếu hụt, ảnh hưởng đến tiến độ thi công cho dự án thành phần 1.

Ngoài ra, gói thầu XL3 chưa được bàn giao mặt bằng đồng bộ như đoạn từ đầu tuyến (Km17+500) đến cầu Trau Trảu (Km 17+900), hiện khu vực này đã hết mặt bằng thi công cầu cạn, cần sớm được giải phóng mặt bằng để tiếp tục thi công các hạng mục kết cấu phần dưới để thi công các hạng mục khác.

Bên cạnh đó, đoạn từ cầu Trau Trảu đến cầu Gò Công chưa được bàn giao đã ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nền đất yếu.

Để đảm bảo tiến độ toàn dự án, Ban Giao thông tiếp tục kiến nghị UBND thành phố làm việc với UBND các tỉnh có nguồn vật liệu cát san lấp hỗ trợ cung cấp cho đường vành đai 3.

Song song đó, kiến nghị UBND TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 31/12.

Trước đó, lãnh đạo TP HCM đã ký văn bản giao trách nhiệm cụ thể cho Thường trực UBND thành phố và các sở, ngành, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức cùng các ban quản lý dự án, các công ty, tổng công ty trực thuộc thành phố để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Cụ thể, giao Phó Chủ tịch UBND thành phố Bùi Xuân Cường theo dõi, yêu cầu các sở, ngành liên quan khẩn trương tham mưu, đề xuất và xem xét giải quyết các vướng mắc và kiến nghị của các địa phương và chủ đầu tư dự án liên quan đến quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư của các dự án.

Cùng với đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án lĩnh vực giao thông, hạ tầng kỹ thuật (như dự án Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàng - đường Cộng Hòa; đường Hoàng Hoa Thám, công tác bồi thường tuyển metro 2 trên địa bàn quận 3; kênh Hàng Bàng trên địa bàn quận 5; công tác bồi thường vành Đai 3, Nút giao An Phú; Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 50; cầu Xáng Hóc Môn...) đảm bảo hoàn thành đúng cam kết và kế hoạch giải ngân đã đề ra.

Tính đến đầu tháng 11, TPHCM mới giải ngân được 38%. Do đó, áp lực trong các tháng còn lại của năm là cực lớn để có thể đạt mục tiêu giải ngân 95%. Hiện Thành phố đang tập trung toàn lực, cả hệ thống chính trị vào cuộc để có thể tăng tốc trong thời gian còn lại của năm.

Đường vành đai 3 TP HCM có tổng chiều dài khoảng 76 km đi qua 4 địa phương gồm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Tuyến đường được chia thành 8 dự án thành phần vận hành độc lập với tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng.

chọn
Bất động sản tháng 4/2024: Ban hành nghị định về lấn biển; giá chung cư Hà Nội tiếp tục tăng nóng
Trong tháng 4, Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động lấn biển; Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội xử lý hành vi thổi giá chung cư; Long An, Hậu Giang được duyệt chuyển đổi đất lúa làm loạt dự án nghìn tỷ; Bình Dương chấp thuận đầu tư KĐT tỷ USD;...