Tiến độ thi công cao tốc Diễn Châu - Bão Vọt đạt 59%, nhiều hạng mục chậm tiến độ

Theo hợp đồng các gói thầu xây lắp, cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt phải hoàn thành tháng 5/2024, tính đến nay dự án đã thực hiện được 29 tháng/36 tháng (đạt khoảng 80% thời gian thực hiện). Song đến giữa tháng 11, luỹ kế sản lượng thi công dự án đạt hơn 5.000 tỷ đồng, đạt hơn 59% sản lượng

Một đoạn cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đang xây dựng. (Ảnh tư liệu: Hoàng Huy).

Thông tin từ Báo Chính phủ, cập nhật tình hình thực hiện cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, theo hợp đồng các gói thầu xây lắp phải hoàn thành tháng 5/2024, tính đến nay dự án đã thực hiện được 29 tháng/36 tháng (đạt khoảng 80% thời gian thực hiện).

Song đến giữa tháng 11, luỹ kế sản lượng thi công dự án đạt hơn 5.000 tỷ đồng, đạt hơn 59% giá trị hợp đồng. Kết quả trên chậm 2,5% so với tiến độ điều chỉnh lần 4 và chậm chậm gần 6,8% so với tiến độ điều chỉnh lần 3.

Các hạng mục đường găng tiếp tục chậm tiến độ như xử lý đất yếu chậm khoảng 5 tháng; hầm Thần Vũ chậm khoảng 2 tháng; Các cầu lớn (Xuân Dương 1, Xuân Dương 2, Thần Vũ 1, Ô Ồ) và nút giao QL 46B... chậm khoảng 2 tháng.

Bộ GTVT cho biết nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu do các nhà thầu chưa huy động bổ sung đủ thiết bị, nhân lực, tăng mũi thi công để bù tiến độ đã chậm, việc huy động trên công trường còn thiếu ít nhất hai mũi thi công theo yêu cầu của tiến độ điều chỉnh.

Mặc dù Bộ GTVT đã thường xuyên kiểm tra hiện trường và có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo nhưng các tồn tại vẫn chưa được doanh nghiệp dự án giải quyết, chưa huy động bổ sung thiết bị, nhân lực, tăng mũi thi công để bù tiến độ đã chậm trễ. 

Nhằm đưa dự án nhanh chóng bù đắp sản lượng bị chậm, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đề nghị nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án chỉ đạo các nhà thầu bố trí đủ nguồn lực để thi công đồng loạt trên toàn tuyến, đặc biệt là thi công hạng mục xử lý đất yếu; thi công cầu lớn Xuân Dương 1, Xuân Dương 2, hầm Thần Vũ, nút giao QL 46B.

CTCP Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) cho biết, tính đến đầu tháng 11, toàn công trường cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đã huy động 101/103 mũi thi công với hơn 1.900 nhân lực, hơn 840 đầu máy, thiết bị.

Hai mũi thi công chưa triển khai thuộc nhà thầu Đại Hiệp (mới tổ chức 8/9 mũi thi công tại gói thầu XL01) và Công ty Thái Sơn (mới tổ chức 10/11 mũi thi công tại gói thầu XL04).

Trước tình hình chậm tiến độ, doanh nghiệp dự án đã thống nhất với các nhà đầu tư, nhà thầu điều chuyển khối lượng và thay thế nhà thầu phụ tại gói thầu XL04 (gói thầu đang có sản lượng thi công thấp nhất).

Doanh nghiệp dự án cũng cam kết sẽ tiếp tục yêu cầu các nhà thầu tiếp tục huy động thêm đủ các mũi thi công theo bảng tiến độ lập, bổ sung thêm các mũi thi công đắp nền đường đối với các vị trí xử lý nền đất yếu và mũi thi công cầu lớn. 

Đồng thời, tăng cường nhân lực, thiết bị thi công chính, thiết bị dự phòng bảo đảm duy trì và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ hầm Thần Vũ và các cầu lớn. 

Cao tốc Bắc – Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng chiều dài khoảng 50 km. Công trình đi qua hai tỉnh Nghệ An (44,4 km) và Hà Tĩnh (4,9 km), có điểm đầu (Km430+000), thuộc địa phận xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; điểm cuối (Km479+300), thuộc địa phận xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Dự án được khởi công từ tháng 5/2021, doanh nghiệp dự án là CTCP Đầu tư Phúc Thành Hưng. Liên danh các nhà đầu tư gồm Công ty TNHH Hòa Hiệp - CTCPTập đoàn Cienco4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - CTCP Đầu tư và Xây dựng VINA2.

Giai đoạn 1 của dự án được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe (bề rộng nền đường 17 m); vận tốc thiết kế 80 km/h. Tổng vốn đầu tư khoảng 11.157 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỷ đồng, nguồn vốn nhà nước khoảng 6.068 tỷ đồng. Thời gian xây dựng khoảng ba năm, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 10 năm 6 tháng. 

chọn
TP HCM chốt phương án điều chỉnh quy hoạch chung
Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 vừa được thông qua, thành phố dự kiến hình thành và phát triển thành 5 phân vùng.