Tiêu thụ xăng E5 ế ẩm, có nơi bỏ hẳn trụ bơm, doanh nghiệp lại gửi kiến nghị lên Bộ Công Thương

Từ mức tiêu thụ bình quân xăng E5 hơn 30% trong năm 2018, nhưng tháng 3/2019 chỉ còn dưới 20% và có dấu hiệu tiếp tục đi xuống một cách đáng báo động, Saigon Petro gửi kiến nghị lên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính bàn giải pháp cho nhiên liệu này.

Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) gửi kiến nghị đến Bộ Công Thương, Bộ Tài chính về chính sách để phát triển xăng E5 trong thời gian tới, trong bối cảnh tình hình kinh doanh ảm đạm thời gian qua.

Ế ẩm, nhiều cây xăng bỏ luôn trụ E5

Doanh nghiệp dẫn số liệu từ chính hoạt động kinh doanh của mình, cho thấy tỉ trọng xăng E5 tiêu thụ bình quân năm 2018 là 30,06%, nhưng đến năm 2019 đã sụt giảm liên tục và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cụ thể, tỉ lệ tiêu thụ xăng E5 của Saigon Petro trong tháng 1 là 25,58%, đến tháng 2 giảm xuống 22,74%. Tỉ lệ của tháng 3 chỉ còn 19,76% và có chiều hướng giảm tiếp tục trong thời gian tới.

Tiêu thụ xăng E5 ế ẩm, có nơi bỏ hẳn trụ bơm, doanh nghiệp lại gửi kiến nghị lên Bộ Công Thương - Ảnh 1.

Doanh nghiệp cho biết tỉ lệ tiêu thụ xăng E5 giảm mạnh so với năm 2018. (Ảnh minh họa: VnExpress).

Doanh nghiệp này chỉ ra 4 nguyên nhân chủ yếu khiến việc tiêu thụ xăng E5 thấp. Đầu tiên là công tác tuyên truyền còn ít, chưa thường xuyên. Thực tế, nhiều người sử dụng không quan tâm tới xăng E5, vẫn có tâm lí sử dụng xăng khoáng để yên tâm về chất lượng, an toàn.

Nguyên nhân thứ hai là chênh lệch giá giữa xăng A95 và xăng E5RON92 còn thấp, dẫn đến người sử dụng xăng chưa quan tâm đến xăng E5. Hiện chênh lệch giá bán lẻ giữa hai mặt hàng này là 1.530 đồng/lít. 

Nguyên nhân thứ ba, theo Saigon Petro, lượng tiêu thụ xăng E5 thấp đã khiến nhiều đại lí, cửa hàng bán lẻ lơ là việc giới thiệu bán xăng E5. Thậm chí có nơi loại bỏ hẳn trụ bơm bán xăng E5, và chuyển sang bán xăng khoáng RON 95. 

Lí do thứ tư theo doanh nghiệp này, là đối với các đơn vị xăng dầu đầu mối, các doanh nghiệp tiêu thụ mạnh mặt hàng xăng E5, thì quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp sẽ giảm đáng kể (không loại trừ sẽ bị âm), trong khi các doanh nghiệp không có mặt hàng xăng E5 thì quỹ bình ổn giá vẫn được bảo đảm. Điều này đã không khuyến khích doanh nghiệp đầu mối kinh doanh mặt hàng xăng E5.

Giá bán lẻ xăng E5 cần rẻ hơn A95 từ 2.000-2.500 đồng/lít

Từ những phân tích này, Saigon Petro cho rằng giải pháp cơ bản, lâu dài cần áp dụng để phát triển nhiên liệu này là xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng E5 theo số tuyệt đối một cách phù hợp. 

Doanh nghiệp đưa ra ví dụ mức 500-1.000 đồng/lít, đồng thời không tính thuế bảo vệ môi trường xăng E5 theo tỉ lệ Ethanol như hiện nay, vì xăng E5 tốt cho môi trường. Hiện chênh lệch thuế bảo vệ môi trường chỉ 200 đồng/lít. Các biện pháp này nhằm mục tiêu tạo chênh lệch giá bán lẻ giữa xăng E5 và RON95 khoảng 2.000-2.500 đồng/lít. 

Ngoài ra, Saigon Petro còn kiến nghị Bộ Công Tthương và Bộ Tài chính nên có các biện pháp cần thiết để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5, cũng như các thương nhân trong hệ thống kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là doanh nghiệp đầu mối đầu tư hệ thống phối trộn xăng E5 lớn, để sử dụng đại trà xăng E5, giảm tối đa việc sử dụng xăng khoáng không cần thiết.

Từ ngày 1/1/2018, xăng khoáng A92 chính thức bị xóa bỏ, thay bằng xăng E5. Tuy nhiên, thị trường vẫn tồn tại mặt hàng xăng khoáng A95, và phần đông người tiêu dùng đã lựa chọn sử dụng xăng A95, dù giá cao hơn xăng E5.

Chi thêm 400 tỉ không cần thiết mỗi tháng vì người tiêu dùng xài xăng A95

Trước đó, tháng 3/2018, sau 3 tháng thí điểm kinh doanh xăng E5 thay thế xăng A92, Saigon Petro đã gửi kiến nghị đến Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, về việc nên cho sử dụng lại xăng A92 để không bị lãng phí xã hội, trong trường hợp đã áp dụng các biện pháp khuyến khích nhưng sản lượng tiêu thụ xăng E5 thấp. 

Tiêu thụ xăng E5 ế ẩm, có nơi bỏ hẳn trụ bơm, doanh nghiệp lại gửi kiến nghị lên Bộ Công Thương - Ảnh 2.

Theo Saigon Petro, mỗi tháng xã hội phải chi thêm 400 tỉ đồng, do người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xăng A95 một cách không cần thiết. (Ảnh: Zing).

Theo tính toán của Saigon Petro, mỗi tháng xã hội phải chi thêm 400 tỉ đồng, do người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xăng A95 một cách không cần thiết, trong khi xe chỉ cần sử dụng xăng E5.

Khi đó, lãnh đạo Saigon Petro cho biết sau khi bỏ xăng A92, tỉ lệ bán xăng E5 chỉ đạt 30%, trong khi xăng A95 chiếm đến 70%. Nếu không có các giải pháp tăng tỉ lệ tiêu thụ xăng E5 thì nên cho phép xài xăng A92 trở lại, để tránh lãng phí xã hội vì việc tiêu thụ xăng A95 không đạt mục tiêu bảo vệ môi trường. 

Lãnh đạo doanh nghiệp này cũng nhấn mạnh giá xăng A95 ở thời điểm chỉ cao hơn E5 khoảng 8%, trong khi chênh lệch cần thiết phải là 20% mới khuyến khích người tiêu dùng.

Saigon Petro cũng đề nghị nên áp dụng thu thuế bảo vệ môi trường trên giá trị tuyệt đối cho từng loại xăng, và không tính thuế bảo vệ môi trường xăng E5 theo tỉ lệ ethanol. 

Cụ thể, nên tăng thuế bảo vệ môi trường xăng A95 từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít, giảm thuế bảo vệ môi trường xăng E5 xuống còn 2.500 đồng/lít. Mục tiêu là tạo ra chênh lệch giá bán lẻ giữa xăng E5 và A95 khoảng 2.000-2.500 đồng/lít để hấp dẫn người tiêu dùng.

Tại cuộc họp báo định kì quý I/2019, do Sở Công Thương TP HCM tổ chức ngày 19/4, đại diện sở cho hay lượng xăng tiêu thụ hàng tháng trên địa bàn là 171.570 m3/ngày, trong đó lượng tiêu thụ xăng E5 là 61.770 m3 (tỉ lệ 36%), còn lại là xăng A95.

Về tình trạng một số cửa hàng không bán xăng E5, Sở Công Thương TP HCM cho biết việc phân phối xăng E5 trên địa bàn TP HCM tùy thuộc nhu cầu thị trường. TP HCM không can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.