Người dân Cần Thơ khổ sở buôn bán ế ẩm vì ngập. (Ảnh: Đình Tuyển)
Kịch bản biến đổi khí hậu được Bộ TN-MT đưa ra mới đây đã khẳng định, trong vòng 1 thế kỉ, nhiệt độ trung bình của ĐBSCL có thể tăng từ 2,5 - 3,7 độ C, nước biển dâng cao 0,8 - 1 m, đồng nghĩa sẽ có khoảng 40% diện tích của ĐBSCL bị nước biển nuốt trọn.
Từ năm 2010 đến nay, diễn biến sạt lở bờ sông, bờ biển có xu thế ngày càng gia tăng. Tốc độ xói mòn đã vượt tốc độ bồi tích làm diện tích ĐBSCL giảm khoảng 300 ha/năm. ĐBSCL hiện có trên 560 điểm sạt lở với tổng chiều dài gần 790 km. Sạt lở bờ sông có 49 điểm, tổng chiều dài lên đến 266 km.
Trong khi đó, theo một tính toán từ Trung tâm chống ngập TP HCM trước đây (nay thuộc về Ban Quản lí dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị), trước năm 1996, diện tích mặt thoáng có thể trữ nước trong các kênh, rạch, khu trũng tại TP HCM là trên 25%. Đến nay, tốc độ đô thị hóa khiến diện tích mặt thoáng có thể trữ nước tại các khu đô thị cũ còn khoảng 4,48% và khu đô thị mới khoảng 10,43%.
Nếu mưa kết hợp với triều cường thì 64% diện tích của TP sẽ chìm trong biển nước. Cộng với tình trạng ồ ạt phát triển các đô thị mới, ngập úng sẽ sâu hơn và thời gian dài hơn.
Nhưng suốt hơn 1 thập niên qua, càng chống lại càng ngập. TSKH Nguyễn Tác An, chuyên gia về biển đánh giá các biện pháp chống ngập, đối phó với sạt lở hiện nay đều mang tính kĩ thuật, chống lại thiên nhiên, không những không hiệu quả mà sẽ càng gây ra hệ lụy kinh khủng. Cưỡng ép tự nhiên, không giải quyết được vấn đề mà còn vô tình khiến trạng thái dòng chảy trở nên mất cân bằng, sẽ tiếp tục phá mạnh hơn hoặc dịch chuyển gây sạt lở vị trí khác.
“Nói vậy để thấy trong quản lí thiên nhiên về cơ bản có 2 giải pháp là thích ứng và thích nghi. Các nước phát triển, kể cả Hà Lan cũng đang phải thay đổi, chủ trương lợi dụng thiên nhiên, nương vào thiên nhiên mà phát triển, thay vì chống chọi, can thiệp một cách thô bạo vào tự nhiên. Đối với những đoạn, những vùng không thể giải quyết được, nếu tiếp tục sạt lở, ngập lụt thì phương án tốt nhất là nên “rút lui”, lùi dân cư vào dần sâu bên trong”, ông An đề xuất.
Đồng tình, TS Lê Xuân Thuyên, Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP HCM, chia sẻ: “Mới đây, chính phủ Indonesia vừa công bố kế hoạch dời thủ đô sang tỉnh Đông Kalimantan vào năm 2024 vì đô thị hiện hữu đã quá chật chội, không còn đủ khả năng đối phó với ngập lụt, kẹt xe, ô nhiễm... Hàn Quốc và Thái Lan cũng có chung ý định.
Điều đó cho thấy các nước đã nhận ra rằng nếu cứ đổ tiền vào các công trình hàng trăm, nghìn tỉ để chống ngập thì cũng coi như đổ xuống sông, xuống biển. Cần có cái nhìn xa hơn, xây dựng nhiều kịch bản ứng phó khác nhau, thích nghi với điều kiện thay đổi khí hậu thực tế. Trong đó, phải tính đến chuyện tích lũy đầu tư xây dựng các khu đô thị mới để lùi lại, nhường bước trước tự nhiên”.