Tô cháo đậu 5.000 đồng 'bao no' của cụ bà 83 tuổi ở Sài Gòn

Một gánh cháo nhỏ đã tồn tại hơn nửa thế kỉ tại Sài Gòn, gắn với tuổi thơ của nhiều người với cái tên thân thương - bà Bảy.

Trước cửa nhà số 90 Bình Tiên (phường 3, quận 6, TP HCM), đều đặn 4 giờ sáng mỗi ngày có một bà cụ đầu vấn khăn rằn, mặc áo bà ba, tất bật bày hàng cháo đậu. Từ lâu, bà đã trở thành người quen của nhiều cư dân xung quanh. Có người ăn cháo từ nhỏ đến lớn rồi cũng quay lại, dắt con theo để khoe với chúng về gánh hàng tuổi thơ của mình.

TÔ CHÁO ĐẬU 5.000 ĐỒNG CỦA CỤ BÀ 83 TUỔI: ‘BAO NO’ NGƯỜI SÀI GÒN - Ảnh 1.

Gánh cháo tồn tại hơn nửa thế kỉ của bà Bảy. (Ảnh: Minh Quân).

Gia tài của bà chỉ đơn giản là đôi quang gánh với một bên là nồi cháo đậu, một bên là nước cốt dừa kèm đồ chua ăn cùng với cháo. Phía trước, bà đặt một chiếc bàn nhỏ vừa để khách ăn có chỗ ngồi lại, vừa để mấy tô dưa mắm, đồ chua. Gánh hàng nhỏ thôi, cứ hết khách vào lại ra, lai rai như thế, vậy mà gánh cháo đậu này đã tồn tại ngót hơn nữa thế kỉ.

Trước khi bén duyên rồi theo mãi cái nghiệp này, bà Bảy bán trái cây, xôi chè. Trong một lần bà dẫn con đi ăn món này rồi hỏi công thức về nấu thử. Thấy vừa miệng nên bắt đầu bán thêm để kiếm đồng ra đồng vào. Ngày qua tháng lại, gánh cháo đã nuôi lớn 6 người con của bà Bảy và cũng trở thành cái nghiệp mà bà chọn gắn bó cả đời.

TÔ CHÁO ĐẬU 5.000 ĐỒNG CỦA CỤ BÀ 83 TUỔI: ‘BAO NO’ NGƯỜI SÀI GÒN - Ảnh 2.

Ai ăn bao nhiêu, bà Bảy bán bấy nhiêu. (Ảnh: Minh Quân).

Nhiều người ghé lại rồi trở thành khách quen của gánh cháo bởi tính tình cởi mở, hiền hậu của bà. Gánh cháo chẳng có bảng giá cụ thể, khách muốn mua bao nhiêu cứ nói, người bán thì cân đong thêm bớt cho vừa phải. Bà bảo: "Mấy đứa nhỏ không có tiền nhiều mà sáng sớm nhiều khi thèm tô cháo, mình bớt đồng lời lại chút để bán cho tụi nhỏ ấm bụng".

TÔ CHÁO ĐẬU 5.000 ĐỒNG CỦA CỤ BÀ 83 TUỔI: ‘BAO NO’ NGƯỜI SÀI GÒN - Ảnh 4.

Tuổi đã cao nhưng bà vẫn tần tảo cùng gánh cháo.

Khách chủ yếu đến mua mang về nhưng cũng không ít cô cậu bé được cha mẹ chở đến ăn cho kịp giờ học sớm. Thoáng cái từ khi dọn hàng đến 8h sáng là nồi cháo đã cạn veo. Từ khi được nhiều người biết đến, nồi chè của bà bán khoảng 5 kg đậu cùng 2–3 kg nước dừa.

Ở cái tuổi đáng ra đã phải được nghỉ ngơi, bà vẫn tự bươn chải để không trở thành gánh nặng cho con cháu. "Con cái đâu giàu có đâu mà nuôi mình. Giờ làm tới đâu hay tới nấy dù không dư dả nhiều", bà chia sẻ.

Nồi cháo đậu cùng những món ăn kèm hấp dẫn bà tự tay làm. (Ảnh: Minh Quân).

Để có được những phần cháo thơm ngon như thế cũng lắm công phu, bà Bảy phải dậy từ 1h30 sáng để nấu cháo. Sau đó lại tự tay làm nước cốt dừa, lau dọn đến 4h thì bày hàng ra bán. Những món ăn kèm như dưa cải, dưa mắm hay dưa cải chay thì làm từ tận hôm trước để khi bán khách ăn không bị quá mặn hay quá nhạt.

Điểm đặc biệt của tô cháo đậu chính là nước cốt dừa béo béo, mà theo người con gái thì chính tay bà làm chứ không chịu mua máy để giữ lại cái tinh túy, sóng sánh đặc trưng. Bà bật mí hỗn hợp nước cốt dừa gồm bột năng và bột gạo để tạo độ sệt, còn vắt tay sẽ giúp nước dừa sánh lại, chan lên cháo nhìn hấp dẫn hơn.

Ông Hồ Ngọc Hải (62 tuổi, con trai bà Bảy) cho hay: "Bà làm món nước dừa hay lắm! Bà lường được nay bao nhiêu kí gạo thì làm bao nhiêu nước cốt. Thừa nước cốt dừa thì mình cho người ta được, chứ thừa cháo không thì bán cho ai".

TÔ CHÁO ĐẬU 5.000 ĐỒNG CỦA CỤ BÀ 83 TUỔI: ‘BAO NO’ NGƯỜI SÀI GÒN - Ảnh 7.

Món ăn kèm và nước cốt dừa hấp dẫn. (Ảnh: Minh Quân).

Giờ thì bà Bảy đã có những khách quen mới, chính là những cô cậu nhỏ được ba mẹ chở đến ăn mỗi sáng. Và dù chỉ còn vài nghìn đồng, những đứa trẻ này vẫn có thể thưởng thức tô cháo ấm nóng, ngọt lòng giữa thành phố náo nhiệt.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.