Chiều 10/3, TAND Cấp cao tại TP HCM đã ra phán quyết đối với vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) với Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam.
Hội đồng xét xử cho rằng, tại toà phúc thẩm, nguyên đơn kháng cáo tiếp tục đòi bồi thường 42 tỉ đồng ngoài hợp đồng nhưng không đưa ra được chứng cứ mới. Trong khi đó, toà cũng xác định phía bị đơn là một trong những nguyên nhân dẫn đến thua lỗ của Vinasun.
Từ đó, toà cấp phúc thẩm quyết định không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, bác kháng cáo của cả Grab và Vinasun, giữ nguyên bản án sơ thẩm tuyên Grab bồi thường cho Vinasun 4,8 tỉ đồng.
Ngay khi kết thúc phiên xử, Phó Tổng giám đốc Vinasun Trương Đình Quý bày tỏ: "Mặc dù kháng cáo của Vinasun không được chấp nhận nhưng phán quyết cuối cùng của toà án cũn đã xác định rõ những thiệt hại của chúng tôi".
Về phía Grab, CEO Grab Việt Nam, bà Nguyễn Thái Hải Vân, chia sẻ sau phiên tòa: "Đây là một ngày rất buồn cho công nghệ sáng tạo ở Việt Nam. Chúng tôi đã bám sát, tuân thủ Đề án 24 từ những ngày đầu thực hiện. Việc chính phủ gia hạn thêm 2 năm thực hiện có nghĩa chúng tôi đã làm rất tốt đề án này".
Song, nữ CEO của Grab khẳng định phán quyết này không làm ảnh hưởng đến hoạt động của Grab tại Việt Nam. Với hành lang pháp lí được hợp thức hoá từ Nghị định 10 có hiệu lực từ ngày 1/4, Grab hi vọng chính thức mở rộng phạm vi đề án thí điểm tại Việt Nam.
Trước đó, kết thúc phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP HCM đưa ra quan điểm về vụ án. Theo đó, cơ quan công tố xét thấy Grab kinh doanh do đơn vị có thẩm quyền cấp phép, là loại hình công nghệ mới được thí điểm trên 5 địa bàn. Cơ sở pháp lí để định danh Grab là Đề án 24.
"Hoạt động kinh doanh của Grab là hợp pháp. Vì vậy việc toà cấp sơ thẩm nói Grab là đơn vị kinh doanh vận tải là sai phạm nghiêm trọng, không có cơ sở", Viện kiểm sát nhấn mạnh.
Viện còn cho rằng, sự sụt giảm doanh thu của Vinasun đến từ nhiều yếu tố, như hoạt động quản trị, điều hành, chất lượng dịch vụ, công nghệ, sự thay đổi nhu cầu của khách hàng… Từ đó, không có căn cứ cho rằng hoạt động của Grab và sự thua lỗ của Vinasun có mối quan hệ nhân quả.
Từ những lập luận trên, đại diện cơ quan công tố nhận thấy việc toà sơ thẩm tuyên Grab phải bồi thường thiệt hại do xe nằm bãi của Vinasun 4,8 tỉ đồng là không có cơ sở. Viện đề nghị HĐXX không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Vinasun, chấp nhận yêu cầu của Grab và kháng nghị của Viện kiểm sát.
Trước đó, hồi tháng 6 năm năm 2018, Vinasun khởi kiện Grab vì cho rằng doanh nghiệp này vi phạm Đề án 24 của Bộ GTVT, gây náo loạn thị trường. Theo nguyên đơn, Grab chỉ đăng kí cung cấp ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lí và kết nối hoạt động vận tải, nhưng thực tế hoạt động như doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi – lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun.
Ngoài ra, Grab còn thực hiện nhiều hành vi vi phạm trong pháp luật về cạnh tranh khiến doanh thu, lợi nhuận của Vinasun giảm sút nghiêm trọng. Cụ thể, trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017 Vinasun bị thiệt hại gần 76 tỉ đồng, trong đó do Grab gây ra là gần 42 tỉ.
Sau nhiều lần mở phiên tòa nhưng tạm ngưng để xem xét, cuối năm 2018, TAND TP HCM xét xử sơ thẩm, tuyên Grab bồi thường cho Vinasun 4,8 tỉ đồng (chi phí do xe của Vinasun nằm bãi). Bởi toà cho rằng Grab có mối quan hệ nhân quả với thiệt hại của Vinasun. Tuy nhiên, tòa cũng cho rằng Grab không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến thua lỗ của Vinasun.
Không chấp nhận bản án này, Grab kháng cáo toàn bộ bản án. Vinasun cũng kháng cáo, yêu cầu tòa phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện. VKSND Cấp cao tại TP HCM cũng kháng nghị không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.
Kinh doanh 17:39 | 10/03/2020
Kinh doanh 14:28 | 10/03/2020
Pháp luật 00:10 | 17/01/2019
Thời sự 04:40 | 21/11/2018
Kinh doanh 00:57 | 01/11/2018
Thời sự 23:10 | 29/10/2018
Kinh doanh 11:00 | 29/10/2018
Kinh doanh 07:05 | 24/10/2018