Mua 0 đồng là gánh nặng cho Nhà nước
Ngày 29/9, TAND TP Hà Nội tuyên bản án sơ thẩm đối với 51 bị cáo trong vụ thất thoát 2.000 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank). Theo đó, HĐXX xác định từ năm 2008 - 2014, tại OceanBank đã xảy ra nhiều vi phạm gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Tính đến 2015, OceanBank có lợi nhuận trước thuế lỗ hơn 10.000 tỷ đồng tức âm vốn chủ sở hữu 2,5 lần. Tháng 5/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) buộc phải mua lại OceanBank với giá 0 đồng nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng nhưng cũng tạo gánh nặng với ngân sách Nhà nước.
Tòa sơ thẩm xác định, năm 2012, Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch OceanBank cho Phạm Công Danh vay 500 tỷ đồng bằng tài sản của Hứa Thị Phấn, gây thiệt hại 343 tỷ đồng. Ngoài ra, từ 2008, PVN trở thành cổ đông, đối tác chiến lược của OceanBank, góp 20% vốn điều lệ. Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được cử sang làm TGĐ OceanBank và gợi ý cho Hà Văn Thắm nếu muốn huy động vốn từ các đơn vị thuộc PVN phải chi lãi ngoài khoảng 1%/năm. Thắm đồng ý và đã chi hơn 1.576 tỷ ngoài hợp đồng cho các khách hàng. Bên cạnh đó, Thắm, Sơn và các đồng phạm còn dựng lên Cty BSC để thu tiền dịch vụ từ khách hàng của OceanBank rồi trả lãi ngoài cho các đơn vị thuộc PVN. Qua đây, các bị cáo chiếm đoạt hơn 69 tỷ đồng.
Theo bản án, việc làm trái pháp luật của các bị cáo là một chuỗi các mắt xích hoạt động liên kết với nhau, từ lãnh đạo hội sở xuống từng nhân viên trên toàn hệ thống OceanBank. Quá trình điều tra, các bị cáo Thắm và Sơn không thừa nhận hành vi. Ngược lại, 9 bị cáo là cán bộ Hội sở OceanBank đều thành khẩn khai báo và không được hưởng lợi từ hành vi phạm tội nên được tuyên mức án từ 36 tháng tới 22 năm tù, thấp hơn đề nghị của VKSND.
Nhiều bị cáo thoát án tù giam
Tương tự, 34 bị cáo là lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch của OceanBank được HĐXX đánh giá không hưởng lợi từ hành vi phạm tội. Tuy vậy, họ rất tích cực khắc phục hậu quả của vụ án thậm chí có người còn bán nhà, vay mượn để nộp tiền nên được tòa xem là tình tiết giảm nhẹ. Tất cả các bị cáo cũng đều có nhân thân tốt, một số là người trong gia đình có công trong chiến đấu, lao động được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Vì vậy, HĐXX tuyên 30 bị cáo nhận hình phạt từ 18 – 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; 4 bị cáo nhận mức án 24 tháng cải tạo không giam giữ.
Với 2 lãnh đạo Cty BSC là Phạm Hoàng Giang và Hoàng Thị Hồng Tứ (tức nữ diễn viên Quỳnh Tứ), HĐXX cho rằng hành vi của 2 người là không đáng kể, cả 2 đều không hưởng lợi từ hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, Hồng Tứ có nhân thân tốt, lại vừa ly dị chồng và làm mẹ đơn thân nên hoàn cảnh rất khó khăn. Tương tự, Phạm Hoàng Giang có một con gái mới 9 tuổi nhưng bị mắc bệnh về mắt rất nghiêm trọng. Ông Giang còn được các bị cáo quyên góp tiền nhằm chữa bệnh cho con gái. Vì vậy, tòa tuyên phạt Phạm Hoàng Giang án 4 năm tù; diễn viên Quỳnh Tứ 36 tháng tù treo.
Với các bị cáo liên quan khoản vay 500 tỷ của Cty Trung Dung, tòa tuyên phạt Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng án 14 năm tù, cộng bản án cũ 30 năm tù bằng 30 năm tù theo quy định. Bị cáo Trần Văn Bình - nguyên TGĐ Cty Trung Dung lĩnh 4 năm tù, cộng bản án tại Ngân hàng Xây Dựng bằng 8 năm tù. Bị cáo Hứa Thị Phấn – nguyên Chủ tịch Cty Phú Mỹ nhận 17 năm tù.
Tuyên tử hình Nguyễn Xuân Sơn, tù chung thân Hà Văn Thắm
Cũng trong bản án sơ thẩm, từ năm 2008, PVN ký hợp đồng góp vốn và trở thành cổ đông nắm 20% của OceanBank. Trong năm 2011, khi Nguyễn Xuân Sơn đề nghị tăng vốn thêm 100 tỷ đồng, các thành viên của PVN gồm các bị can Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Thắng đã đồng ý việc này; có 2 thành viên vắng mặt. Bị can Ninh Văn Quỳnh sau đó báo cáo lại Sơn về tiền tăng vốn dự kiến lấy từ cổ tức được chia. Đặc biệt, Nguyễn Xuân Sơn được PVN giao quản lý vốn và các đơn vị góp vốn của PVN.
HĐXX cho rằng, PVN và các đơn vị thành viên hoặc liên kết đều có số tiền gửi rất lớn tại OceanBank. Chỉ tính riêng PVN, thời điểm cao nhất đã gửi tại OceanBank hơn 30.000 tỷ đồng. Như vậy, Nguyễn Xuân Sơn là người có chức vụ, quyền hạn quản lý vốn góp cũng như lợi ích phát sinh từ vốn tại OceanBank; bị cáo cũng có ảnh hưởng chi phối lớn tới nguồn tiền gửi của PVN.
Trong số 246 tỷ đồng Hà Văn Thắm đưa cho Sơn chi lãi ngoài, PVN bị thiệt hại 49 tỷ đồng (ứng với 20%). Do PVN là đơn vị 100% vốn Nhà nước nên hành vi của Sơn đã cấu thành tội tham ô tài sản; hành vi của Thắm là đồng phạm giúp sức. Số tiền 197 tỷ đồng còn lại, tòa án xác định đã bị Sơn chiếm đoạt nên các bị cáo phạm vào tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Việc làm của Sơn và Thắm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến tài sản của Nhà nước và nhân dân nhất là khi tội phạm tham nhũng đang là mối lo ngại của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Vì vậy, tòa tuyên phạt Nguyễn Xuân Sơn án tử hình cho 3 tội danh, Hà Văn Thắm án chung thân về 4 tội danh. Về trách nhiệm dân sự, các bị cáo phải liên đới hoàn trả số tiền đã gây thiệt hại để sung công quỹ, trả lại cho OceanBank mới (sau mua 0 đồng) và PVN. Bị cáo Hứa Thị Phấn phải trả lại số tiền 500 tỷ đồng chiếm hưởng của OceanBank.
Làm rõ những ai nhận lãi ngoài
Quá trình xét xử, tòa nhận thấy, OceanBank có chi lãi ngoài cho các tổ chức kinh tế vốn Nhà nước nhưng thực chất là chi cho các cá nhân là lãnh đạo của các tổ chức này trong đó chủ yếu là khách hàng nhóm dầu khí. Vừa qua, Bộ Công an đã khởi tố vụ án lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh dầu khí Vietsovpetro, Cty lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Cty thăm dò khai thác dầu khí và khởi tố bị can với Ninh Văn Quỳnh về cùng tội danh. Vì vậy, HĐXX kiến nghị CQĐT làm rõ hành vi của ông Quỳnh cùng những cá nhân, tập thể ở các đơn vị đã bị khởi tố và những đơn vị khác nếu có.
Diễn biến tại tòa cũng cho thấy Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt 246 tỷ đồng nhưng bị cáo không khai đưa tiền cho những ai gây khó khăn cho việc thu hồi tài sản và ảnh hưởng tới quyền lợi của chính bị cáo. Vì vậy, tòa sơ thẩm đề nghị CQĐT làm rõ việc này nhằm thu hồi, khắc phục hậu quả vụ án.
Đối với Bùi Văn Hải – Trưởng ban kiểm soát và Trần Thanh Quang – Phó TGĐ OceanBank biết việc chi lãi ngoài nhưng không thực hiện đúng nhiệm vụ của mình. Vì vậy, tòa kiến nghị CQĐT, VKSND Tối cao làm rõ những dấu hiệu vi phạm pháp luật để xử lý. Ngoài ra, tòa kiến nghị NHNN và CQĐT làm rõ vi phạm của cơ quan thanh tra NHNN khi không phát hiện, cảnh báo những sai phạm tại OceanBank trong giai đoạn 2011 – 2014.
Cuối cùng, tòa đề nghị Chính phủ xem lại chính sách mua ngân hàng với giá 0 đồng vì việc này không được quy định trong Bộ luật Dân sự và không đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông.
Đáng chú ý, HĐXX kiến nghị CQĐT làm rõ hành vi của các bị can là lãnh đạo của PVN gồm Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường trong việc góp vốn của PVN vào OceanBank gây thất thoát 800 tỷ đồng. Đặc biệt, tòa cũng đề nghị xem xét trách nhiệm của lãnh đạo PVN khi gửi văn bản, yêu cầu các đơn vị thành viên gửi tiền vào OceanBank. |