Toàn cảnh 6 phân vùng quy hoạch TP Đồng Hới

Theo Quy hoạch sử dụng đất TP Đồng Hới đến năm 2030, Đồng Hới là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của tỉnh và là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ của khu vực Bắc Trung Bộ.

Đồng Hới là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Bình, thành phố này nằm bên bờ sông Nhật Lệ, với diện tích khoảng 156 km2. TP Đồng Hới có 15 đơn vị hành chính gồm 9 phường ( Bắc Lý, Bắc Nghĩa, Đồng Phú, Đồng Sơn, Đồng Hải, Hải Thành, Nam Lý, Phú Hải, Đức Ninh Đông) và 6 xã (Bảo Ninh, Lộc Ninh, Đức Ninh, Nghĩa Ninh, Quang Phú, Thuận Đức).

Theo Quy hoạch sử dụng đất TP Đồng Hới đến năm 2030, Đồng Hới là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của tỉnh và là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ của khu vực Bắc Trung Bộ, về phương hướng phát triển giai đoạn tới, Quảng Bình sẽ tập trung đưa du lịch trở thành ngành động lực cho sự phát triển của TP Đồng Hới. Cùng với đó, theo Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, Đồng Hới cũng là một trong ba trung tâm đô thị, cũng là trung tâm công nghiệp chính của tỉnh.

Về quy hoạch đô thị - thương mại - dịch vụ, TP Đồng Hới sẽ hình thành 6 phân vùng bao gồm phân vùng trung tâm sẽ là sông Cầu Rào là bộ mặt mới của thành phố, tại đây tập trung các chức năng đô thị chính; phân vùng cửa ngõ là khu vực đầu phía nam và phía bắc của QL 1A và đường tránh QL 1A giữ vị trí là cửa ngõ của thành phố, hình thành đô thị mới chào đón nhiều du khách đến thăm; phân vùng công nghiệp là đường Phan Đình Phùng có tính thuận tiện cao trong vận tải hàng hóa, dọc theo đường hình thành khu vực công nghiệp lớn thúc đẩy nền công nghiệp của vùng.

Phân vùng bảo tồn đất nông nghiệp là khu vực phía Tây đô thị giữ vị trí là khu vực bảo tồn môi trường thiên nhiên trù phú hiện trạng; phân vùng du lịch - nghỉ dưỡng nằm ven biển phía bắc là khu vực giải trí thư giãn với bãi biển đẹp và sân gôn; phân vùng đô thị - nghỉ dưỡng sẽ hình thành tại khu vực Bảo Ninh đô thị mới hòa hợp giữa nơi ở, làm việc và du lịch.

 Về chỉ tiêu sử dụng đất, theo quy hoạch, đât nông nghiệp sẽ chiếm 7.408 ha; đất phi nông nghiệp là 8.034 ha, trong đó, đất khu công nghiệp là 279 ha, đất cụm công nghiệp là 107 ha và đất thương mại du lịch là 591 ha, còn lại là diện tích dành cho đất quốc phòng, đất an ninh, đất cơ sở phi nông nghiệp, đất cho hoạt động khoáng sản và đất cho phát triển hạ tầng cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Cụ thể, đến năm 2030, diện tích đất thương mại, dịch vụ của TP Đồng Hới tăng thêm 338 ha, để xây dựng các khu dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, các nhà hàng khách sạn,... Trong đó, phường Bắc Lý 14 ha; phường Bắc Nghĩa 20 ha; phường Đồng Hải 0,02 ha; phường Đồng Phú 2,3 ha; phường Đồng Sơn 0,7 ha; phường Đức Ninh Đông 16 ha; phường Hải Thành khoảng10 ha; phường Nam Lý 12 ha; phường Phú Hải 3,1 ha; xã Bảo Ninh 156 ha; xã Đức Ninh 19 ha; xã Lộc Ninh 14 ha; xã Nghĩa Ninh 28 ha; xã Quang Phú 26 ha và xã Thuận Đức 17 ha.

 Khu di tích Thành cổ Đồng Hới hiện nay, Phía xa là cầu Nhật Lệ dẫn sang bán đảo Bảo Ninh. Bán đảo Bảo Ninh được ví như là Sơn Trà thứ hai của vùng Bắc Trung Bộ hiện nay.

 Cầu dài trên tuyến đường Quang Trung, kết nối TP Đồng Hới với huyện Quảng Ninh hiện nay. Tuyến đường Quang Trung nối với trục Lý Thường Kiệt - Lý Thánh Thông là trục đường chính của TP Đồng Hới hiện nay.

Trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố cũng đã có nhiều dự án bất động sản rục rịch xuất hiện, có thể kể đến như khu nghỉ mát và du lịch sinh thái FSEC có quy mô hơn 22 ha; hu đô thị Bảo Ninh 8 tại xã Bảo Ninh có diện tích khoảng 20 ha; khu đô thị phía nam phường Phú Hải diện tích gần 30 ha...

 Xã Bảo Ninh - trục phát triển du lịch chính của TP Đồng Hới. Theo quy hoạch điều chỉnh TP Đồng Hới, bán đảo Bảo Ninh với đường bờ biển trải dài sẽ được tập trung phát triển theo hướng du lịch biển, đô thị ven biển.  

Những năm qua, khu vực này ngày càng quy tụ nhiều ông lớn bất động sản như Đất Xanh, Trường Thịnh, Nam Mê Kông, Văn Phú Invest...

Dự án xây dựng cầu Nhật Lệ 3, nối xã Bảo Ninh - huyện Quảng Ninh hiện cũng đang được tỉnh Quảng Bình xây dựng. Tổng mức đầu tư của cây cầu này là 1.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.