Tôi đến tòa không phải để bán con...

“Mẹ mất con rồi…” - chị Oanh khóc lặng đi trong vòng tay chồng khi gợi nhớ về tai nạn xảy ra với con mình. Suốt một năm qua, vết thương ấy vẫn chưa một lần khép miệng.

Có lẽ trong cuộc đời, không nỗi đau nào có thể sánh với nỗi đau của một người mẹ mất con. Song đối với người mẹ hiếm muộn, nỗi bất hạnh ấy còn nhói buốt gấp ngàn lần.

Cũng bởi thế, một phiên tòa dân sự với tranh chấp không lớn lại thắt nghẹn vì những tiếng sụt sùi không ngớt và những giọt nước mắt đau xót của người mẹ.

Đâu đâu 
cũng bóng hình con

Chị Ngô Thị Hoàng Oanh và anh Quách Vĩnh Thanh kết hôn từ năm 2001. Cũng như biết bao cặp vợ chồng khác, anh chị cũng mơ về một mái ấm với những đứa trẻ kháu khỉnh. Thế nhưng hạnh phúc vẫn chưa trọn vẹn với đôi vợ chồng trẻ.

Suốt nhiều năm liền, hai vợ chồng khao khát có được một đứa con để thủ thỉ sớm tối nhưng vẫn không có kết quả.

Nhiều lần hư thai, sảy thai càng làm khao khát được làm mẹ trong chị cháy bỏng hơn. Sau bao mong ngóng, chờ đợi, cuối cùng họ cũng có được một bé trai bụ bẫm đặt tên là Quách Thanh Tùng.

Cũng bởi vậy mà bao nhiêu yêu thương, thời gian, tiền bạc vợ chồng chị đều dành trọn cho con. Từng miếng ăn, giấc ngủ, chuyện học hành... anh chị chăm bẵm từng chút một.

Thế nhưng, chuyện đau lòng đã ập xuống gia đình ấy khi Tùng cùng các bạn đi bơi tại hồ bơi dành cho người lớn trong Cung văn hóa Lao động TP.HCM và bị đuối nước. Khi mất, em vừa tròn 11 tuổi.

Từ khi con mất, thế giới trong chị Oanh như sụp đổ. Chị không ăn, không ngủ, chỉ mấy tháng sau tai nạn tinh thần chị suy sụp thấy rõ. Từ người phụ nữ đầy đặn, tươi tỉnh giờ chỉ còn là thân thể còm cõi, nước da xanh xao, mắt thâm quầng vì phiền muộn.

Những ký ức về con dường như không ngày nào thôi ám ảnh chị. Chị bảo mỗi lần đi làm về bắt gặp một nhóm học sinh đeo cặp đến trường hay trông thấy một đứa trẻ trên tivi thì trái tim chị lại đau thắt, bần thần như người mất hồn, nước mắt tuôn rơi một cách vô thức.

Mỗi bữa cơm, chị đều sắp chén đũa cho con ngồi cạnh mình, gắp những món ngày trước Tùng thường thích ăn như em vẫn còn sống. Từ khi con mất, căn nhà theo đó mà yên ắng đến lạ. Anh Thanh chỉ biết ở bên cạnh an ủi, nhìn vợ ngày một gầy guộc, 
héo úa.

Cho rằng phía Cung văn hóa Lao động TP.HCM có lỗi khi để trẻ em vào bơi ở khu vực bơi dành cho người lớn mà không có các biện pháp bảo đảm an toàn dẫn đến cái chết của con mình và hai bên không thống nhất được việc bồi thường thiệt hại nên anh chị khởi kiện ra tòa.

Chênh vênh bên lý, 
bên tình

“Tôi đến đây không phải để bán con...” - chị bật khóc nức nở khi nói về số tiền 300 triệu đồng mà chị yêu cầu Cung văn hóa Lao động TP.HCM bồi thường sau sự cố của con trai mình. “Từ khi con mất đi, với một người mẹ như tôi cuộc sống như địa ngục trần gian, không ăn, không ngủ, ngày hay đêm chỉ biết khóc...”.

Anh chị yêu cầu Cung văn hóa Lao động TP.HCM bồi thường 270 triệu đồng và hỗ trợ thêm cho anh chị 30 triệu đồng để anh chị nuôi tiếp hi vọng có một đứa con khác bằng sự can thiệp của y học vì cả hai đã lớn tuổi. Tuy nhiên phía Cung văn hóa Lao động TP.HCM chỉ đồng ý bồi thường lẫn hỗ trợ 120 triệu đồng.

Phía nguyên đơn căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng, còn phía bị đơn lại căn cứ vào mức lương cơ sở. Chênh lệch giữa họ chưa đến 200 triệu.

Để tranh luận về những số tiền chênh lệch trong vụ án, luật sư hai bên nguyên đơn - bị đơn phải nhắc đi nhắc lại cái chết của Tùng. Thế nhưng, câu chuyện vẫn không đi đến hồi kết. Nhiều lần chủ tọa phiên tòa phải yêu cầu hai bên đừng nhắc chi tiết nguyên nhân cái chết của cháu bé để tránh làm tổn thương nhau.

Nhắc đến con, chị ôm chặt lấy lồng ngực, đôi vai rung rung kìm nén tiếng khóc đang chực chờ bật ra nơi cổ họng. Mỗi lần như thế, trái tim người mẹ như muốn vỡ tung ra từng mảnh...

“Chúng ta có thể để cái tình lớn hơn chút nữa để gần nhau hơn, chia sẻ hơn để xoa dịu nỗi đau này không?” - nữ hội thẩm nhân dân thốt lên.

“Hơn ai hết chúng tôi là những người phụ nữ, chúng tôi hiểu được mất mát của gia đình anh chị. Một lần sinh nở khó khăn như chị Oanh thì nỗi đau còn lớn hơn những người mẹ bình thường.

Chúng ta cũng không nên nhắc nhiều về nỗi đau. Hai bên cần có sự cảm thông nhiều hơn những quy định của luật lệ.

Cho dù Cung văn hóa Lao động TP.HCM là một đơn vị cần phải áp dụng những luật lệ nhưng trong điều kiện cho phép thì cũng nên chia sẻ sự mất mát của gia đình. Sự mất mát này không gì có thể đo đếm được...” - bà nói.

Tuy nhiên phía bị đơn vẫn bảo lưu quan điểm bồi thường của mình. Sau nhiều ngày nghị án, TAND Q.1 tuyên buộc Cung văn hóa Lao động TP.HCM bồi thường lẫn hỗ trợ cho gia đình Tùng hơn 122 triệu đồng.

Kết thúc phiên tòa, chị Oanh bảo rằng không muốn đến đây để đòi tiền, vì bao nhiêu tiền mới đủ bù đắp cho tấm lòng của một người mẹ... Anh chị cho biết sẽ làm đơn kháng cáo.

Chiều 6-8-2015, cháu Quách Thanh Tùng cùng nhóm bạn đến vui chơi tại hồ bơi trong Cung văn hóa Lao động TP.HCM (Q.1), khu vực dành cho người lớn, sâu khoảng 2m. Trong lúc nhân viên cứu hộ của hồ bơi đi uống nước, Tùng bị đuối nước. Một lúc sau không thấy Tùng đâu, mọi người đi tìm và phát hiện cháu Tùng dưới đáy hồ nhưng không cứu kịp. Sau tai nạn, phía Cung văn hóa Lao động và gia đình cháu Tùng nhiều lần hòa giải nhưng không thống nhất được mức bồi thường, nên gia đình Tùng đã làm đơn khởi kiện ra tòa.
chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.