Bolero làm nhạc Việt thụt lùi?
Sẽ chẳng thể có một đích đến chung với những quan điểm cá nhân, nhất là quan điểm về nghệ thuật. Sẽ rất lộng ngôn nếu nhân danh bất kỳ điều gì để phán xét một dòng chảy âm nhạc, dù dòng chảy đó đang cuộn trào hay chỉ nhỏ giọt trong lòng công chúng.
Có lẽ vì thế mà hơn một lần, những nhận định về bolero đã gây ra cuộc tranh cãi không nhỏ. Nếu như 4 năm trước, nhạc sĩ Quốc Trung khiến nhiều người bức xúc khi cho rằng “Thanh niên mà nghe nhạc sến là bất thường” thì mới đây, Tùng Dương cũng làm dậy sóng với phát biểu “Già trẻ lớn bé đắm đuối nhạc bolero đúng là sự thụt lùi”.
Vậy còn bạn? Bạn nghĩ gì về dòng chảy bolero, về sự tràn ngập của bolero trên thị trường hiện nay? Hãy gửi nhận định cá nhân của bạn về diễn đàn Bolero làm nhạc Việt thụt lùi? do báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức, qua email giaitri@baophunu.org.vn. Những ý kiến được chọn đăng sẽ được chi trả nhuận bút, tuỳ theo chất lượng bài viết.
- Tùng Dương chê bolero: Cũng là chuyện thường thôi!
- Showbiz Việt kẻ phẫn nộ người tổn thương khi Tùng Dương chê bolero
- Hãy tha cho âm nhạc!
Tất nhiên, quan điểm của một bài viết (Hãy tha cho âm nhạc!) chỉ là quan điểm của người viết. Không phải quan điểm của một tờ báo, một tòa soạn. Tôi muốn đối thoại với Tứ Anh về bài nhận định của bạn.
Nhận định về bolero của Tùng Dương đang gây tranh cãi
Bạn bắt đầu bằng khái niệm “kền kền”: “đó là thứ khoái cảm của việc soi mói lên tới đỉnh điểm”, “bất kỳ ai, cái gì, giá trị nào đi nữa, cũng thành cái xác hoặc một thân thể chờ chết để những con kền kền kia rỉa tới khi chúng bắt đầu đói”. Với những lời định nghĩa cho một thứ nhân cách thấp kém nhất (ăn trên xác) – bạn quy chụp thẳng vào nghệ sĩ:
“Giữa Quốc Trung và Tùng Dương, bốn năm qua, cũng có vài lần khác nhạc sến và boléro bị đưa lên bàn tế. Điều đó khiến tôi nghĩ rằng thứ âm nhạc ấy như một cơ thể, nó không nằm chờ chết, nó không chết, nhưng nó là bữa ăn lý tưởng của những nghệ sĩ kền kền. Tại sao Tùng Dương lại nói về thói quen nghe, hát boléro vào đúng lúc này?... Phải chăng Dương cần sự ồn ào trước thềm live concert của chính mình?”
Có mấy vấn đề trong luận điểm này:
- Nếu theo bạn bolero là “bữa ăn lý tưởng của những nghệ sĩ kền kền”- thì “kền kền” ở đây phải là những người đang trục lợi và kiếm sống trên BLR, đang quanh năm suốt tháng chỉ núp trong BLR để bán vé làm show và dựng các chương trình truyền hình thực tế, chứ không phải những người nói về nó. NS Quốc Trung và ca sĩ Tùng Dương, với tư cách nghệ sĩ, trong thiên chức định hướng thẩm mỹ của công chúng, họ có trách nhiệm và tư cách để nhận xét về một dòng nhạc (cái tư cách này, về chuyên môn thì tôi với bạn đều không có).
Nhiều năm qua, Tùng Dương là ca sĩ luôn tìm tòi cái mới
- Bạn căn cứ vào điều gì để quy chụp Tùng Dương cố tình tạo ồn ào để bán vé trước liveshow? Bạn không ở bối cảnh cuộc phỏng vấn (Zing đang có một loạt bài về bolero, đây là chủ định của tòa soạn trong một chuyên đề dài kỳ. Là một nhà báo hẳn bạn cũng hiểu - báo chí sẽ tìm đến những nhân vật mà họ chắc rằng sẽ có ý kiến trái chiều hoặc có chính kiến), bạn “đoán mò” mà kết tội mục đích vụ lợi của nghệ sĩ khi chưa có một kiểm tra thông tin nào – tôi nói luôn không những bạn ẩu mà còn ác. (Theo suy diễn của bạn, ồn ào khi show sắp diễn ra là để bán vé thì Sài Gòn Bolero của anh Đàm Vĩnh Hưng mới là show khủng cần bán hết 4.000 vé vào ngày 26/8 tại Hà Nội đó bạn).
- Nếu bạn là nhà báo theo dõi về âm nhạc (tôi hy vọng vậy, vì bạn đang viết về một vấn đề âm nhạc), thì bạn hẳn biết NS Quốc Trung và ca sĩ Tùng Dương là hai nghệ sĩ luôn sáng tạo không ngừng nghỉ. Họ là những tên tuổi uy tín nhất của nền âm nhạc đương đại, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của âm nhạc. Giới chuyên môn luôn nhắc về họ với sự tôn trọng và ghi nhận, riêng bạn xách mé gọi họ là “kền kền âm nhạc” thì bạn quá hỗn bạn ạ. Vậy bạn định vinh danh ai, sau khi mạt sát không thương tiếc những nghệ sĩ tiên phong như thế?
Đàm Vĩnh Hưng và Lệ Quyên - 2 ca sĩ đầu tiên phản biện nhận định của Tùng Dương về bolero
- Bạn có viết một đoạn rất mủi lòng và cảm động: “Hãy nhìn những người trẻ với cây đàn, đi kiếm sống ở những quán ăn, sau buổi học ban ngày; ta thấy ở đó là nghị lực sống hay là sự suy đồi? Hãy nhìn hai ông già - một mù một cụt chân, dắt nhau đi bán vé số đêm đêm quanh quận 1, với cây đàn thùng tiếng đã rất phô cùng câu hát “Thành phố buồn, nhớ không em…”, bất chấp tuổi tác đang ngày càng một muộn’’. Thì tôi vô cùng kinh ngạc về sự ngụy biện được lắt léo ở đây. Bạn không thể lấy chuyện mưu sinh của người lao động (bằng phương tiện hát bolero) để làm thước đo giá trị trường tồn của một dòng nhạc. Nhà báo Vũ Thủy khi đọc bài của bạn đã thốt lên rằng “thật sốc khi mang chuyện cụ già đi hát bolero kiếm tiền lẻ ra lập luận với vấn đề phát triển, sáng tạo âm nhạc, nó y như kiểu tại sao những người mua xe xịn mà không tặng trâu cho đồng bào. Xin thưa, vấn đề thị hiếu và sáng tạo nghệ thuật phải tách bạch nhau’’.
- “Bốn năm trước, dư luận ồn ào, tranh cãi đến nảy lửa khi nhạc sĩ Quốc Trung đăng đàn nói về “nhạc sến”, hay thứ mà chúng ta vẫn đang đánh lẫn vào boléro. “Nó có chỗ đứng trong lịch sử và sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam. Nhưng nếu nó vẫn chiếm đa phần và lấn át trong đời sống âm nhạc, đó là điều nguy hiểm không chỉ cho âm nhạc mà còn cho cả xã hội. Nó biểu hiện cho sự bế tắc, lười biếng chộp giật của tầng lớp nghệ sĩ và sự đứt gãy xa cách giữa các thế hệ”. Đó là những lời lẽ thuộc diện “đại ngôn” mà Quốc Trung nói về hiện trạng đa số thính giả vẫn còn mê nhạc sến. Cái gì là đứt gãy xã hội, cái gì là xa cách thế hệ, cái gì là chộp giật biếng lười của nghệ sĩ?”.
Không phải đánh lẫn đâu, mà đúng là bolero là nhạc sến đấy bạn ạ, mà nhạc sến cũng đâu có gì xấu, vì nó phù hợp với tâm lý người Việt thích nghe những giai điệu đơn giản, dễ thuộc, nội dung mủi lòng. Bolero có những đặc điểm như sau (theo Wikipedia đàng hoàng): “Tính quần chúng nổi bật, đáp ứng đông đảo tầng lớp dân chúng, đặc biệt là giới bình dân; Nội dung lời nhạc rõ ràng, dễ hiểu; Giai điệu dễ hát, dễ bắt nhịp; Tính buồn đặc trưng…”. Bolero ra đời từ những năm 1950 (đỉnh cao của dòng nhạc này là 1960-70), tới tận gần 70 năm sau chúng ta vẫn đứng nguyên ở đấy, đắm đuối trong vùng âm nhạc đấy – thì có là bình thường không? Khi gần như tất cả các ca sĩ của nền âm nhạc đương đại đều đi hát nhạc xưa, bạn có thấy điều này kỳ cục và có gì đó “bệnh tật” không?
Nhạc sĩ Quốc Trung, ca sĩ Tùng Dương, nhạc sĩ Lê Minh Sơn là những người đã có nhận định về bolero gây tranh cãi
Bạn không hiểu những “cái gì là đứt gãy xã hội, chộp giật lười biếng” - thì tôi giải thích tạm thế này nhé: Thiên chức của người nghệ sĩ là giới thiệu tốt nhất những cái mới, điều mình có và mình muốn (thay vì chỉ thể hiện những cái khán giả muốn và chiều chuộng thói quen của khán giả). Vì sao truyền hình thực tế phải đẻ ra lắm chương trình bolero thế? Xin thưa không phải vì niềm tự hào âm nhạc đâu ạ, đơn giản chỉ là không gì dễ dàng bằng chiều chuộng theo những thói quen. Nhưng khi người nghệ sĩ chỉ chọn con đường như cách mấy ông bầu sô: cái gì dễ bán vé, chiều theo thói quen công chúng thì làm – thì đó là sự lười biếng, vụ lợi vào quá khứ.
Họ không sáng tạo gì, họ không có ích gì cho sự phát triển của một nền âm nhạc. Một nền âm nhạc lành mạnh phải giới thiệu được tác phẩm mới (và nhân tố mới) thì mới phát triển được. Chúng ta không thể làm âm nhạc “đương đại” mà tới giờ vẫn ăn bám vào nhạc xưa. Nếu ai cũng hát nhạc xưa, thì âm nhạc đứng im chẳng cần phát triển thể loại hay xu hướng nữa. Như nghệ sĩ Nguyên Lê nói: “Nếu các nghệ sĩ VN cứ cố tình đứng im trong nhạc xưa thì họ đã tự biến các bậc cây đa cây đề thành mang lỗi “ngáng đường” phát triển của nền âm nhạc!”
- “Cái gì là “văn minh” đây khi một sở thích (vốn mang tính cá nhân) bị một sở thích cũng mang tính cá nhân khác chà đạp? Xã hội không thể văn minh khi nó được cấu thành bởi những con người mang những tập quán chung, hành vi chung mông muội đến thế”. Điều này thì bạn nói đúng đấy. Nhưng bạn đang chà đạp người khác do lỗi chỉ đọc mỗi cái tít báo “gây hấn” của Zing: “Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với bolero thì đúng là một sự thụt lùi”. Vì nếu đọc cả bài, bạn sẽ thấy Tùng Dương rất chừng mực và tôn trọng thứ âm nhạc không phải miền của Dương.
NSND Trung Kiên cũng đồng quan điểm với Tùng Dương về bolero
Nguyên văn, trích theo Zing đây: “Dòng nhạc có giá trị về mặt hoài cảm, từng là trào lưu được mọi người yêu mến thì mình cũng nên dành sự trân trọng cho nó vì sức sống của nó quá lâu bền. Nhưng ca sĩ cùng cần phải là những người có tâm và phù hợp mới theo đuổi những dòng nhạc đó được. Còn tôi, thú thật, có người trả tiền, doanh nghiệp tài trợ để tôi làm một album bolero, tôi cũng sẽ không làm vì nhạc này không phù hợp với tạng âm nhạc của tôi”. Ơ, người ta không được quyền từ chối cái mình không thích và không phù hợp hay sao bạn ơi?
Bạn có một câu rất hay: “Hãy tha cho âm nhạc, những chú kền kền, và lao động đi!”. Đúng rồi bạn ạ, vì chúng ta không được quyền làm phiền những người đang lao động về âm nhạc thêm nữa, nhất là bằng sự hiểu biết hạn hẹp của mình…
Quỳnh Hương