Tổng dư nợ của bất động sản chiếm khoảng 6,8% tổng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng

Theo ước tính của VCSC, tổng dư nợ của BĐS (trái phiếu và các khoản cho vay) chiếm khoảng 6,8% tổng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng. Mức độ ảnh hưởng trực tiếp của BĐS đến ngành ngân hàng chỉ nằm trong nhóm Techcombank, MBBank, VPBank và TPBank.

Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây của Chứng khoán Bản Việt (VCSC), đơn vị này cho biết ước tính 58% trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành vào tháng 6/2022 sẽ đáo hạn trong vòng 2 năm tới, trong đó trái phiếu bất động sản chiếm 35,9%.

Một số diễn biến thị trường gần đây như vi phạm của các công ty bất đống sản lớn; Nghị định 65 của Chính phủ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và động thái tăng lãi suất, quản lý hạn mức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước có thể tạo áp lực lên khả năng tái cấp vốn của tổ chức phát hành.

Nếu các tổ chức phát hành (đặc biệt là các chủ đầu tư bất động sản) không thể tái cấp vốn, điều này có thể tăng rủi ro cho các ngân hàng do có thể dẫn đến khả năng hình thành nợ xấu và chi phí dự phòng cao hơn. 

Song, theo ước tính của VCSC, tính đến tháng 6/2022, trái phiếu doanh nghiệp do các ngân hàng nắm giữ chiếm 2,7% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống, trong đó trái phiếu do lĩnh vực bất động sản phát hành chiếm 49,8% (tức 1,36% tổng dư nợ toàn hệ thống tín dụng).

Tính chung với các khoản cho vay doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, tổng dư nợ của bất động sản chiếm khoảng 6,8% tổng tín dụng toàn hệ thống. 4 ngân hàng có tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp và cho vay lĩnh vực bất động sản tương đối cao là Techcombank, MBBank, VPBank và TPBank. 

Qua đó, VCSC kết luận thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn khá nhỏ so với dư nợ tín dụng toàn hệ thống, mức độ ảnh hưởng trực tiếp của trái phiếu doanh nghiệp và ngành bất động sản chỉ nằm trong nhóm 4 ngân hàng kể trên. 

 

Bên cạnh đó, VCSC cũng cho rằng, không phải tất cả các tổ chức phát hành sẽ gặp khó khăn trong việc tái cấp vốn cho các nghĩa vụ tài chính, mặc dù có khả năng ngân hàng và nhà đầu tư sẽ giám sát chặt chẽ hơn các tổ chức phát hành, và các tổ chức phát hành có rủi ro cao hơn có thể phải trả mức chênh lệch (lãi suất) cao hơn để tái cấp vốn. 

Đối với lo ngại về diễn biến của thị trường trái phiếu và bất động sản trong năm 2022 có thể dẫn đến một đợt điều chỉnh mạnh trong hệ thống ngân hàng tương tự giai đoạn 2010 - 2012, VCSC cho rằng, mặc dù rất khó để dự báo, song vị thế hiện tại của nền kinh tế và các ngân hàng đã mạnh hơn đáng kể so với 10 năm trước. 

Tính đến thời điểm hiện tại, VCSC cho biết chưa thấy Chính phủ có sự can thiệp cụ thể nào liên quan đến thị trường trái phiếu.

Trọng tâm trước mắt của Chính phủ là đảm bảo duy trì tính thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, đồng thời khuyến khích các công ty bất động sản lập kế hoạch trước để đảm bảo nguồn vốn thực hiện các nghĩa vụ tài chính và cải thiện vị thế tiền mặt, thông qua các hoạt động như giảm giá bán bất động sản để thúc đẩy doanh số bán hàng hoặc thậm chí thanh lý một số tài sản.

Cũng theo VCSC, hiện thông tin về tình hình tài chính của các chủ đầu tư bất động sản chưa niêm yết chưa rõ ràng, song những chính sách này sẽ ngăn chặn được việc lạn rộng rủi ro từ một số công ty đang gặp khó thành rủi ro mang tính hệ thống cho khu vực ngân hàng cũng cho nền kinh tế.  

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.